Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc và hệ thống lại những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thể hiện thông qua nội dung của những công trình đã nói trên, NCS cơ bản đã có đủ dữ liệu để đưa ra những nhận xét chung về tình hình nghiên cứu của các công trình đã thực hiện có liên quan trực tiếp đến đề tài
"Phòng ngừa tái phạm tội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa". NCS nhận thấy hoạt động nghiên cứu đạt được một số kết quả sau:
Thứ nhất, về lý luận phòng ngừa tội phạm nói chung, tái phạm tội nói riêng đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đầu tư nên các công trình nghiên cứu hết sức đa dạng cả về quy mô, đối tượng nghiên cứu, thời gian và không gian nghiên cứu nên tương đối đầy đủ, rõ ràng, vững chắc về cơ sở lý luận để tham khảo. Các nội dung lớn về phòng ngừa tội phạm như cơ sở lý luận, biện pháp phòng ngừa, chủ thể phòng ngừa đều đã được trình bày đầy đủ, cụ thể. Đặc biệt, là trong một số giáo trình, cơ sở lý luận được giảng dạy trong các trường đại học thì lý luận này được nghiên cứu chuyên sâu qua các giai đoạn ứng với các thời kỳ lịch sử. Bên
cạnh đó, các công trình đã đưa ra và làm rõ thêm một số khái niệm về tái phạm tội; về cơ chế điều chỉnh pháp luật trong quản lý nhà nước đối với người tái phạm tội. Vấn đề này, nhiều tác giả đã phân tích và đưa ra khái niệm phòng ngừa tái phạm tội dưới góc độ Luật hình sự hoặc theo chức năng của các chủ thể phòng ngừa.
Thứ hai, về thực trạng và giải pháp phòng ngừa, bằng các phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu cụ thể các nhà nghiên cứu đã mô tả trọn vẹn thực trạng phòng ngừa đối với một đối tượng cụ thể trên một địa bàn cụ thể. Hầu hết các giáo trình, sách chuyên khảo cũng như bài viết, báo cáo khoa học của các tác giả trong và ngoài nước đã hệ thống, phân tích, đánh giá được một số vấn đề về thực tiễn liên quan đến đặc điểm của tình hình tái phạm tội; nguyên nhân, điều kiện cũng như thực trạng việc tổ chức lực lượng, hoạt động phòng ngừa của các chủ thể trong phòng ngừa, điều tra, xử lý, thi hành án.
Thứ ba, các công trình đã đưa ra những dự báo về tình hình tội phạm và một số giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện lý luận về phòng ngừa tái phạm tội... Quá trình nêu lên thực trạng, các nhà nghiên cứu đã phân tích các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm đó, dùng số liệu do các cơ quan chức năng, các trung tâm nghiên cứu cung cấp để chứng minh hoặc dẫn chứng làm sáng tỏ quan điểm đưa ra. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị phù hợp, thích ứng với điều kiện hoàn cảnh và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn khi nghiên cứu công trình đó.
Đa số các tác giả cho rằng, cần tiến hành đồng bộ các yêu cầu về dự báo chính xác bằng các căn cứ khoa học; tổ chức tốt công tác nắm tình hình đối với các đối tượng; tiến hành điều tra cơ bản trên các địa bàn nhất là các địa bàn trọng điểm; quản lý và tập trung trinh sát các đối tượng thuộc diện quản lý nghiệp vụ; tổ chức đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của các loại đối tượng và thực hiện tốt các chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa trong tình hình mới.