Phòng ngừa tái phạm tội về bản chất là một phần của phòng ngừa tội phạm nên phòng ngừa tái phạm tội luôn tuân thủ theo các nguyên tắc chính về phòng ngừa tội phạm gồm: nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc cụ thể hóa.
- Nguyên tắc pháp chế: Mặc dù mục đích của hoạt động phòng ngừa là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản hợp pháp của nhân dân... nhưng không phải vì thế mà hoạt động phòng ngừa tái phạm tội được phép làm bừa làm ẩu, không tuân thủ luật pháp [184, tr.150]. Các quy định của pháp luật ở đây được hiểu là quy định trong Hiến pháp, các văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Xuất phát từ tính nguy hiểm của tái phạm tội, nhất là hậu quả do người tái phạm tội gây ra cho xã hội, cho nên các chủ thể phòng ngừa thường có tâm lý muốn nhanh chóng hạn chế, loại trừ hành vi tái phạm tội ra khỏi xã hội. Tâm lý này sẽ dẫn đến những nguy cơ vi phạm trong việc triển khai, áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Do đó, tuân thủ nguyên tắc pháp chế là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất khi phòng ngừa tái phạm tội.
- Nguyên tắc nhân đạo: Ngoài việc tuân thủ pháp luật, tiêu chí rất quan trọng để các chủ thể quyết định áp dụng một biện pháp phòng ngừa tái phạm tội là cân nhắc xem biện pháp đó có nguy cơ gây tổn thương đến đối tượng nào trong xã hội hay không. Con người được đề cập ở đây có thể là người đã bị kết án đang chấp hành hình phạt tù hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù, những người khác chịu sự
tác động của các biện pháp phòng ngừa tái phạm tội. Các chủ thể phòng ngừa tái phạm tội cần nắm rõ tinh thần nội dung của nguyên tắc nhân đạo khi xây dựng chương trình phòng ngừa tái phạm tội, đặc biệt khi xây dựng các biện pháp phòng ngừa tái phạm tội. Các biện pháp này mặc dù hướng đến mục đích cuối cùng là phòng ngừa tái phạm tội nhưng nếu như các biện pháp lại gây tổn thương cho con người thì các biện pháp đó không nên được áp dụng. Điều này đã được GS.TS Nguyễn Xuân Yêm chỉ rõ mục đích của phòng ngừa tội phạm là: "Không để cho tội phạm xảy ra, không để cho một công dân nào phải bị xử lý, do đó nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc xuyên suốt quá trình và toàn bộ hoạt động phòng ngừa tội phạm"
[184, tr.152].
- Nguyên tắc dân chủ: phòng ngừa tái phạm tội là hoạt động phòng ngừa phải có sự tham gia của toàn thể các tầng lớp, lực lượng trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng và gia đình. Tái phạm tội có liên quan mật thiết đến đặc điểm nhân thân người phạm tội, đến hoạt động giáo dục, cải tạo người đang chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, phòng ngừa tái phạm tội phải được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi từ nhân dân thì mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Để làm được điều này thì trong phòng ngừa cũng phải thật sự lấy dân làm gốc, phải thật sự tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của họ [184, tr.152]. Việc thực hiện, tuân thủ nguyên tắc dân chủ trong hoạt động phòng ngừa tái phạm tội nhằm phát huy được hết sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng ngừa trước không để cho tái phạm tội xảy ra và kịp thời phát hiện người tái phạm tội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm.
- Nguyên tắc cụ thể hóa: phòng ngừa tái phạm tội phải được tiến hành cụ thể, phù hợp với những đặc điểm nhân thân của người chịu sự tác động bởi các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là phải tùy thuộc vào khu vực địa lý, đặc điểm lịch sử, tự nhiên, xã hội, dân cư người đó đang sinh sống. Nói cách khác, nguyên tắc này thể hiện ở hai khía cạnh:
Thứ nhất, phòng ngừa tái phạm tội phải được tiến hành cụ thể đối với các đối tượng có nhân thân khác nhau. Tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn, nghề
nghiệp, đặc biệt là đối với các đối tượng có nguy cơ tái phạm tội cao như người không có nghề nghiệp, người có nhân thân xấu, người nghiện ma túy… thì được áp dụng những biện pháp phòng ngừa riêng biệt.
Thứ hai, ở mỗi địa phương sẽ có thể tồn tại những đặc điểm đặc trưng về tự nhiên, xã hội có ảnh hưởng đến tình hình tái phạm tội. Chính vì vậy, tương ứng với những đặc điểm về tự nhiên và xã hội này mà chủ thể phòng ngừa cần xây dựng, áp dụng các biện pháp cho phù hợp. Nói cách khác, phòng ngừa tái phạm tội phải căn cứ vào thực tiễn tình hình tội phạm, thực tiễn tự nhiên, xã hội và thực tiễn khả năng của chủ thể phòng ngừa tội phạm. Để áp dụng được nguyên tắc này, các chủ thể phòng ngừa sẽ nghiên cứu kỹ đối tượng chịu sự tác động cũng như điều kiện xã hội như kinh tế, văn hóa, phong tục vùng miền mà đối tượng đó đang sống để có các biện pháp tác động phù hợp. Ý nghĩa quan trọng nhất của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo hiệu quả cho hoạt động phòng ngừa tái phạm tội. Mặc dù là một phần của phòng ngừa tội phạm nhưng tái phạm tội là một hiện tượng đặc biệt của tội phạm. Vì vậy, phòng ngừa tái phạm tội có những nguyên tắc đặc thù sau:
- Nguyên tắc tôn trọng quyền con người: Mặc dù đối tượng phòng ngừa tái phạm tội là người đã bị kết án, người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, hưởng án treo… nhưng họ vẫn được đảm bảo, tôn trọng quyền con người. Người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, hưởng án treo thì bản thân họ chỉ bị hạn chế một số quyền về tự do đi lại, giao dịch dân sự, thông tin liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng tôn giáo chứ không mất đi quyền con người. Đối với người chấp hành xong hình phạt tù và các hình phạt bổ sung khi trở về địa phương được hưởng các quyền và nghĩa vụ như một công dân bình thường khác của xã hội. Khi người đó tái hòa nhập cộng đồng không phân biệt đối xử, kỳ thị, có thái độ xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
- Nguyên tắc phối hợp, trao đổi thông tin giữa gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội và cơ quan chủ quản. Hoạt động phòng ngừa tái phạm tội phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, phải sử dụng tổng hợp sức mạnh của nhiều lực lượng,
nhiều biện pháp, phương tiện. Bởi người đang chấp hành hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú bị hạn chế một số quyền do đó cơ quan chức năng và gia đình phải phối hợp để quản lý, giáo dục và trao đổi thông tin thường xuyên liên tục nhằm nắm bắt tâm lý, tư tưởng. Đối với cộng đồng, tổ chức xã hội tiến hành giúp đỡ, hướng dẫn, dạy nghề tạo điều kiện, môi trường tốt để người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có điều kiện làm ăn, sinh sống và tham gia các hoạt động tổ chức xã hội để trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức xã hội để tổ chức các buổi giảng dạy, trao đổi và hướng nghiệp. Qua đó, nhận thấy bản thân người đã bị kết án từ khi chấp hành bản án đến khi tái hòa nhập cộng đồng đều chứng minh mối quan hệ gắn bó, thường xuyên, liên tục giữa các chủ thể phòng ngừa. Vì vậy, phải xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng lực lượng, có như vậy mới tránh được sự chồng chéo, tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc".
Tiểu kết chương 2
Do tái phạm tội là một hiện tượng của tội phạm nên các nội dung của hoạt động phòng ngừa tái phạm tội được hình thành dựa trên nền tảng, các yêu cầu và đặc điểm phòng ngừa tội phạm. Phòng ngừa tái phạm tội được tiến hành trên cơ sở áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, nhiều chủ thể khác nhau dựa trên chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn được phân công của từng ngành. Đây là một chỉnh thể bao gồm nhiều bộ phận hợp thành cho nên hoạt động này không là nhiệm vụ của riêng biệt của một chủ thể, một địa bàn hay một quốc gia mà cần có sự phối hợp, thống nhất và đặc biệt phải gắn liền với hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng ngừa tội phạm cùng nhau hướng vào việc thủ tiêu nguyên nhân và điều kiện tái phạm tội nhằm từng bước ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi tái phạm tội trong xã hội.
Phòng ngừa tái phạm tội chỉ có thể được thực hiện khi loại bỏ những yếu tố, quá trình làm phát sinh ra nó, đồng thời phải thúc đẩy các hiện tượng, quá trình tích cực khác nhằm ngăn ngừa không cho tội phạm xảy ra. Các biện pháp phòng ngừa
tái phạm tội phải được xem xét ở trạng thái động, tức là phải xem xét trong quá khứ, hiện tại và đưa ra những biện pháp phòng ngừa trong tương lai. Các biện pháp này phải luôn linh hoạt, đổi mới phù hợp với sự phát triển, thay đổi của kinh tế, xã hội địa phương. Ngoài ra, xuất phát từ bản chất của tình hình tái phạm tội không phải là hiện tượng xã hội tiêu cực duy nhất mà tồn tại song song, đồng hành với tình hình tái phạm tội là những hiện tượng xã hội tiêu cực, những tệ nạn xã hội nên các biện pháp phòng ngừa phải được xây dựng trên các mối quan hệ với các biện pháp phòng ngừa, những hiện tượng xã hội tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Với ý nghĩa trong việc đảm bảo uy tín của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối nội và đối ngoại, đảm bảo ANTT, bảo vệ con người và mang tính nhân đạo sâu sắc nên phòng ngừa tái phạm tội phải đảm bảo các nguyên tắc khi tiến hành áp dụng, thực hiện biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, do mỗi địa bàn cụ thể có những đặc điểm về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau nên khi xây dựng các chương trình, kế hoạch và sử dụng các biện pháp phòng ngừa phải tiến hành có chọn lọc phù hợp thực tiễn; phân công nhiệm vụ cho từng chủ thể phòng ngừa và áp dụng cho từng đối tượng cụ thể để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung, tái phạm tội nói riêng.
CHƯƠNG 3