Nghĩa của phòng ngừa tái phạm tộ

Một phần của tài liệu LA_LeTuanAnh (Trang 45 - 46)

Phòng ngừa tái phạm tội có những ý nghĩa nổi bật sau:

- Phòng ngừa tái phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa những người đã từng bị kết án hướng tới con người lương thiện nói riêng và xã hội con người nói chung. Bởi người đã từng bị kết án là những người đã có hành vi vi phạm pháp luật, có tư tưởng đi ngược với lợi ích xã hội nên thông qua việc quản lý, giáo dục, cảm hóa sẽ cung cấp các số liệu, tài liệu về những đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện, mục đích dẫn đến hành vi lệch chuẩn của họ nhằm giúp Nhà nước có cơ sở xây dựng, hoạch định, điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giáo dục, cải tạo đến những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, người đang chấp hành bản án tại địa phương hoặc trong các trại giam... Việc quản lý, giáo dục, cảm hóa tốt sẽ góp phần làm cho tình hình ANTT, kỷ cương xã hội được tôn trọng, giữ vững và là cơ sở tạo niềm tin cho nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, pháp luật và các chủ thể quản lý xã hội để tiến tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Phòng ngừa tái phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phòng ngừa tái phạm tội là một hoạt động mang tính xã hội cao bởi đây là việc thực hiện các chính sách xã hội vì con người, giáo dục, cảm hóa con người. Phòng ngừa tái phạm tội sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tái phạm tội gây ra, nhất là những thiệt hại về kinh tế. Điều này thể hiện ở những chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra cho các hoạt động giáo dục, cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng, chi phí trong quá trình thi hành án. Và sẽ thật sự có ý nghĩa tích cực nếu nó được đầu tư vào các hoạt động an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân. Bên cạnh đó, phòng ngừa tái phạm tội cũng sẽ giúp cho việc khai

thác, phát huy và sử dụng được tiền năng, sức lực lao động nhằm phát triển kinh tế cũng như xây dựng cộng đồng dân cư an toàn. Thực tế cho thấy, đây chính là nguồn lực lao động to lớn trong xã hội, phần lớn người đã từng bị kết án thường không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, đang trong độ tuổi lao động. Vì vậy, giải quyết tốt chính sách việc làm, khuyến khích, động viên các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội quan tâm, tiếp nhận, giúp đỡ tạo điều kiện cả về vốn và nghề sẽ khai thác được tiềm năng này trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xóa bỏ nguyên nhân và điều kiện tái phạm tội.

- Phòng ngừa tái phạm tội có ý nghĩa nghiệp vụ sâu sắc đối với các chủ thể phòng ngừa. Do đối tượng phòng ngừa có những đặc trưng riêng nên các chủ thể phòng ngừa phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ để nắm vững tâm tư, nguyện vọng, tình hình diễn biến các hoạt động trong từng thời gian, kịp thời phát hiện những mối quan hệ phức tạp, có biểu hiện nghi vấn tái phạm tội và vi phạm pháp luật, ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội từ đó góp phần giữ vững ANTT. Cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để làm rõ hành vi, đối tượng, phương thức, hậu quả để có bản án răn đe. Cơ quan thì hành án, gia đình, chính quyền địa phương tổ chức quản lý, theo dõi, giúp đỡ, cảm hóa nhằm nâng cao nhận thức hướng tới người lương thiện; đồng thời tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập với cộng đồng.

Có thể thấy, phòng ngừa tái phạm tội có những ý nghĩa riêng biệt sâu sắc, khẳng định tầm quan trọng và vai trò phòng ngừa tái phạm tội trong thực tế. Những hiệu quả của phòng ngừa tái phạm tội sẽ được nhìn nhận một cách rõ ràng và qua đó cho thấy bản chất nhân văn của Nhà nước ta.

Một phần của tài liệu LA_LeTuanAnh (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(192 trang)
w