Hợp tác đa phương và toàn cầu về chống khủng bố

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 123 - 125)

Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác khu vực về chống khủng bố, trong những năm qua Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi tích cực trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Minh chứng sinh động cho việc tham gia tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến chống khủng bố là việc Việt Nam đã tham gia 8/14 công ước, nghị định thư quốc tế về chống khủng bố, đó là các công ước, nghị định thư:

1. Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay năm 1963;

2. Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay năm 1970; 3. Công ước về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng năm 1971;

4. Công ước về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao năm 1973;

5. Nghị định thư về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế năm 1971;

6. Công ước về trừng trị các hành vị bất hợp pháp chống lại an toàn hành trình hàng hải năm 1988;

7. Nghị định thư về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn của những công trình cố định trên thềm lục địa năm 1988;

8. Công ước về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố năm 1999;

Việt Nam cũng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để thông qua các công ước quốc tế khác có liên quan đến chống khủng bố như:

1. Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979; 2. Công ước về trừng trị việc khủng bố bằng bom năm 1997;

Đối với việc gia nhập các công ước và nghị định thư còn lại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu. Để thực hiện đầy đủ yêu cầu của các công ước và các nghị định thư quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã và đang tiến hành sửa đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan. Điều này được thể hiện thông qua việc Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến chống khủng bố, đặc biệt là việc đang xây dựng Luật phòng, chống khủng bố.

Bên cạnh việc hợp tác gia nhập, thực thi các công ước và nghị định thư của Liên hợp quốc về chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã tích hợp hợp tác với cộng đồng quốc tế thực thi các nghị quyết của Hội đồng bảo an về chống khủng bố như Nghị quyết số 1267 năm 1999, Nghị quyết số 1373 năm 2001… Để thực thi các nghị quyết trên, Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những nội dung liên quan đến việc thực thi các biện pháp trong các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đó là các quy định liên quan đến việc kiểm soát vũ khí vật liệu nổ, giám sát tài chính, kiểm soát xuất nhập cảnh…

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các diễn đàn chống khủng bố của Hội nghị Á – Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC); cử nhiều chuyên gia tham dự các hội thảo, các khoá đào tạo về chống khủng bố.

Như vậy, cùng với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, biểu hiện là việc gia nhập các công ước quốc tế về chống khủng bố, xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong nước nhằm thực thi các cam kết quốc tế về chống khủng bố. Tuy nhiên nhu cầu, tiềm năng và triển vọng hợp tác vẫn còn rất lớn. Tiến trình hợp tác với cộng đồng quốc tế vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục là:

Vì nhiều nguyên nhân, Việt Nam hiện vẫn chưa tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về chống khủng bố. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng hợp tác chống khủng bố giữa Việt Nam đối với những lĩnh vực điều chỉnh của các công ước mà Việt Nam chưa là thành viên;

Hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong việc thực thi các công ước quốc tế còn nhiều hạn chế do số lượng quốc gia chưa tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về chống khủng bố còn nhiều.

Hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố hiện khá hẹp dựa trên cơ sở pháp lý là các điều ước quốc tế. Còn nhiều lĩnh vực nguy cơ khủng bố đã hiện hữu hiện vẫn chưa được các công ước quốc tế điều chỉnh như: hợp tác chống khủng bố bằng vũ khí hoá học, sinh học, khủng bố mạng…

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 123 - 125)