Cơ sở pháp lý hợp tác chống khủng bố theo quy định của pháp luật Việt Nam

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 105 - 115)

thông tin phòng, chống rửa tiền;

Như vậy, với hệ thống văn bản pháp lý do nhiều cấp, ngành ban hành có hiệu lực pháp lý khác nhau liên quan đến nhiều lĩnh vực có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống các quy phạm pháp luật về phòng chống khủng bố khá đa dạng. Tuy nhiên trước thực tiễn phòng, chống khủng bố trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công tác phòng, chống khủng bố ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống khủng bố.

3.1.2. Cơ sở pháp lý hợp tác chống khủng bố theo quy định của pháp luậtViệt Nam Việt Nam

Việt Nam đang thực hiện đường lối đổi mới, đa đạng hoá đa phương hoá các quan hệ quốc tế. Cùng với những thành tựu tích cực từ hội nhập và mở cửa,

Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ mà một trong những thách thức đó là tội phạm khủng bố. Do tính chất xuyên quốc gia của tội phạm khủng bố nên việc xây dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác chống khủng bố là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia. Là một thành viên của Liên hợp quốc, có truyền thống yêu chuộng hoà bình, Việt Nam đã tham gia vào nhiều điều ước quốc tế về chống khủng bố. Việt Nam cũng đã và đang nội luật hoá những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên làm cơ sở pháp lý cho đấu tranh chống khủng bố. Pháp luật về chống khủng bố của Việt Nam hiện hành có nhiều quy định trực tiếp và gián tiếp liên quan đến hợp tác chống khủng bố, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống khủng bố. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống khủng bố là việc hình sự hoá các hành vi liên quan đến khủng bố với hình phạt tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trong hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam có quy định về hợp tác chống khủng bố, Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Các quy định về tội phạm khủng bố trong Bộ luật hình sự hiện hành tuy không trực tiếp quy định về vấn đề hợp tác chống khủng bố nhưng lại là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất cho hợp tác quốc tế về chống khủng bố của Việt Nam. Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, tội phạm khủng bố được hiểu là các hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ công chức hoặc công dân; đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ công chức hoặc công dân; gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam. Quy định như trên chưa phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế và tình hình quốc tế về đấu tranh chống khủng bố, gây khó khăn cho việc thiết lập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Các hành vi quy định trong Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà chưa tính đến hội nhập và hợp tác quốc tế. Mặt khác quy định về một số tội danh khủng bố chưa hoàn thiện như tội tài trợ khủng bố chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm

1999 đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống khủng bố và hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống khủng bố, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 đã sửa Điều 84 và bổ sung Điều 230a và 230b. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác đấu tranh chống khủng bố, khẳng định tính chủ động của Việt Nam trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng ngừa, ngăn chặn khủng bố và hợp tác quốc tế về chống khủng bố; đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước New York năm 1999 về chống các hành vi tài trợ khủng bố.

Bên cạnh các quy phạm quy định trực tiếp về tội phạm khủng bố, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có các quy định liên quan đến các nhóm hành vi liên quan đến khủng bố được quy định trong các công ước quốc tế về chống khủng bố. Đó là:

- Các quy định về trừng trị các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người được quy định trong các điều: Điều 93 tội giết người, Điều 104 tội cố ý gây thương tích, Điều 123 tội bắt giam giữ người trái pháp luật (phù hợp với các Công ước về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao năm 1973; Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979…);

- Các quy định về trừng trị tội phạm liên quan đến an toàn hàng không dân dụng, an toàn hàng hải được quy định trong các điều: Điều 221 tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ; Điều 222 tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước CHXHCN Việt Nam… (phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế: Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay năm 1963; Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay năm 1970; Công ước về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng năm 1971; Công ước về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hành trình hàng hải năm 1988…);

nổ được quy định trong các điều: Điều 232 tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Điều 236 tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ… (phù hợp với các công ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố: Công ước về trừng trị việc khủng bố bằng bom năm 1997; Công ước về đấu tranh với các hành vi khủng bố hạt nhân năm 2005…).

Như vậy, các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành về cơ bản đã hình sự hoá được các hành vi khủng bố và liên quan đến khủng bố, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành đấu tranh chống khủng bố và hợp tác chống khủng bố. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khủng bố, Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành cần tiếp tục được hoàn thiện. Quy định về tội phạm khủng bố trong Bộ luật hình sự hiện hành nằm trong hai điều luật với cấu thành khác nhau, một số hành vi có liên quan đến khủng bố chưa được quy định là tội danh độc lập… Những hạn chế trên sẽ ít nhiều gây khó khăn cho quá trình hợp tác quốc tế về chống khủng bố.

Bên cạnh các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, pháp luật Việt Nam còn có nhiều quy phạm trực tiếp, gián tiếp điều chỉnh và tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác chống khủng bố, cụ thể là:

- Luật tương trợ tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2008), là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác quốc tế về chống khủng bố ở Việt Nam. Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam với các cơ quan liên quan của nước ngoài nhằm thực hiện các hoạt động tố tụng liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự, trong đó có việc trừng trị tội phạm khủng bố. Các quy định của Luật tương trợ tư pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề hợp tác quốc tế về chống khủng bố (Chương III quy định về hợp tác tương trợ tư pháp hình sự; Chương IV quy định về hợp tác dẫn độ; Chương V quy định về hợp tác chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù). Ví dụ, nhằm mục đích dẫn độ để truy cứu trách nhiệm

hình sự hoặc để thi hành án, khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể hợp tác với các cơ quan tương ứng của nước đối tác trong các trường hợp:

“a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án”.

Cùng với các quy định liên quan đến tương trợ tư pháp, Luật tương trợ tư pháp còn quy định các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao… đóng vai trò điều phối và chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp.

Như vậy cùng với Bộ luật hình sự, Luật tương trợ tư pháp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình hợp tác chống khủng bố của Việt Nam. Các quy định của Luật tương trợ tư pháp là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hợp tác tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm khủng bố. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất hiện nay trong việc triển khai hợp tác tương trợ tư pháp liên quan đến chống khủng bố với các quốc gia khác là việc còn thiếu các cơ sở pháp lý bổ sung, đó là các hiệp định về tương trợ tư pháp song phương, bởi tương trợ tư pháp ngoài việc thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại thì chủ yếu được thực hiện trên cơ sở các hiệp định song phương và đa phương. Trong khi đó, số lượng các hiệp định tương trợ tư pháp song phương đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới còn rất hạn chế. Điều này sẽ ít nhiều có ảnh hưởng đến việc thực thi các quy định của Luật tương trợ tư pháp trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố của Việt Nam.

Bên cạnh các quy định của Luật tương trợ tư pháp, vấn đề tương trợ tư pháp trong các vụ án hình sự còn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đây là một trong số ít các văn bản pháp luật có một phần riêng gồm các quy phạm

quy định trực tiếp vấn đề hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Cụ thể là Điều 340 quy định về các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự; Điều 341 quy định về tương trợ tư pháp; Điều 342 quy định việc từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng hình sự cũng có một chương riêng (Chương XVI) quy định việc hợp tác dẫn độ và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về chống khủng bố có liên quan. Tuy nhiên hiện nay, có sự khác biệt đáng kể trong các quy định về hợp tác tương trợ tư pháp và hợp tác dẫn độ tội phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tương trợ tư pháp. Cụ thể là:

Điều 21 Luật tương trợ tư pháp quy định căn cứ từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài trong các trường hợp: Không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam; gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia; truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá tại Việt Nam; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam; hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Trong khi đó, Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự, chỉ quy định hai căn cứ từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp là: Yêu cầu tương trợ tư pháp không phù hợp với các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam; việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam.

Như vậy, Luật tương trợ tư pháp quy định căn cứ từ chối tương trợ tư pháp rộng hơn, đầy đủ hơn, phù hợp với đặc điểm tình hình hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm khủng bố.

Bên cạnh đó, các quy định về hợp tác dẫn độ trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa bao quát và chưa dự liệu hết những vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn hợp tác dẫn độ tội phạm. Điều 344 Bộ luật tố tụng hình sự quy định 02 trường hợp từ chối dẫn độ: Trường hợp đương nhiên từ chối dẫn độ và trường hợp

có thể từ chối dẫn độ. Đối với các trường hợp đương nhiên từ chối dẫn độ, Bộ luật tố tụng hình sự quy định các căn cứ từ chối dẫn độ là: Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước Việt Nam; người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt; người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị toà án Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ; người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Luật tương trợ tư pháp đã quy định những căn cứ từ chối dẫn độ như trên, đồng thời bổ sung thêm trường hợp: “yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội

danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này”.

Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự cũng không có các quy định về các trường hợp dẫn độ, hồ sơ yêu cầu dẫn độ… Như vậy, có sự không thống nhất giữa các quy định về hợp tác tương trợ tư pháp và dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp và Bộ luật tố tụng hình sự. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm khủng bố, những quy định chưa thống nhất trong hai Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tương trợ tư pháp cần sớm được khắc phục và hoàn thiện. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2005, tuy không có quy phạm nào quy định trực tiếp về hợp tác chống khủng bố nhưng các quy định của Luật này là cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đó có hợp tác quốc tế về chống khủng bố mà cụ thể ở

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 105 - 115)