quan Liên hợp quốc
Các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là bộ phận quan trọng cấu thành pháp luật quốc tế về chống khủng bố và là cơ sở pháp lý quan trọng cho tiến trình hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Nếu như các công ước quốc tế về chống khủng bố được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc chứa đựng các quy phạm về ngăn ngừa và trừng trị khủng bố, trách nhiệm của các quốc gia trong tiến trình hợp tác chống khủng bố thì các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an lại có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc đề ra các giải pháp cụ thể về trách nhiệm hợp tác và thực thi các quy định của pháp luật quốc tế về chống khủng bố của các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Các nghị quyết của Liên hợp quốc đặc biệt là các nghị quyết của Hội đồng bảo an đều lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, kêu gọi các quốc gia thành viên tích cực hợp tác với nhau để ngăn ngừa và trừng trị khủng bố. Với tính chất là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Liên hợp quốc, trong khuôn khổ hoạt động của mình, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về đấu tranh chống khủng bố. Ví dụ như: Nghị quyết số 51/210 ngày 17/12/1996 về soạn thảo dự thảo Công ước về đấu tranh chống khủng bố hạt nhân; Nghị quyết số 49/60 ngày 17/02/1995 với nội dung khẳng định Tuyên bố về các biện pháp xoá bỏ khủng bố ngày 09/12/1994 được xem là một bộ phận
không thể tách rời trong tổng thể các nguyên tắc và các quy định của pháp luật quốc tế. Tuyên bố bổ sung cho Tuyên bố về các biện pháp xoá bỏ khủng bố năm 1994 đã khẳng định, việc hợp tác chống khủng bố có hiệu quả giữa các quốc gia sẽ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ngăn ngừa và trừng trị khủng bố; Tuyên bố cũng xác định các quốc gia có trách nhiệm thông qua các biện pháp hợp tác trao đổi thông tin chuyên môn và các thông tin về khủng bố.
Cùng với các tuyên bố và nghị quyết của Đại hội đồng, các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hợp tác quốc tế về đấu tranh chống khủng bố. Trong quá trình hoạt động của mình, Hội đồng bảo an đã thông qua các nghị quyết có liên quan đến chống khủng bố như:
- Nghị quyết số 1189 được thông qua tại phiên họp 3915 ngày 13/8/1998; - Nghị quyết số 1267 được thông qua tại phiên họp 4051 ngày 15/10/1999; - Nghị quyết số 1368 được thông qua tại phiên họp 4370 ngày 12/9/2001; - Nghị quyết số 1373 được thông qua tại phiên họp 4385 ngày 28/9/2001; - Nghị quyết số 1377 được thông qua tại phiên họp 4413 ngày 12/11/2001; - Nghị quyết số 1388 được thông qua tại phiên họp 4449 ngày 15/01/2002; - Nghị quyết số 1390 được thông qua tại phiên họp 4452 ngày 16/01/2002; - Nghị quyết số 1438 được thông qua tại phiên họp 4624 ngày 24/10/2002; - Nghị quyết số 1440 được thông qua tại phiên họp 4632 ngày 24/10/2002; - Nghị quyết số 1450 được thông qua tại phiên họp 4667 ngày 13/12/2002; - Nghị quyết số 1453 được thông qua tại phiên họp 4682 ngày 24/12/2002; - Nghị quyết số 1455 được thông qua tại phiên họp 4686 ngày 17/01/2003… Trong số những nghị quyết về chống khủng bố được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc, có những nghị quyết có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình chống khủng bố nói chung và tiến trình hợp tác chống khủng bố nói riêng. Nhằm trừng phạt chính quyền Taliban vì đã không đáp ứng yêu cầu tại khoản 13 Nghị quyết số 1214 (1998) gây ra mối đe doạ với hoà bình và an ninh quốc tế, Nghị quyết số 1267 (1999) đã yêu cầu các quốc gia tăng cường hợp tác
với những nỗ lực thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nghị quyết và xem xét các biện pháp chống Osama Bin Laden và đồng bọn; Nghị quyết số 1267 cũng kêu gọi các quốc gia hợp tác đầy đủ với uỷ ban được thành lập theo nghị quyết này trong việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của uỷ ban và cung cấp những thông tin mà uỷ ban yêu cầu; Nghị quyết số 1267 cũng yêu cầu Uỷ ban được thành lập theo nghị quyết này phối hợp với các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, các quốc gia láng giềng và các quốc gia khác nhằm tăng cường theo dõi việc thực hiện các biện pháp mà nghị quyết đã đề ra. Cũng trong năm 1999, Hội đồng bảo an đã thông qua Nghị quyết số 1269 ngày 19/10/1999, Nghị quyết được đánh giá là “đã hội tụ những yếu tố và
những nguyên tắc có tính then chốt cho sự phối hợp của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”
[5, 104]. Trên cơ sở Nghị quyết số 1269, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia hãy hợp tác với nhau để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi khủng bố. Các Nghị quyết số 1390 (2002), Nghị quyết số 1455 (2003)… tiếp tục lên án Taliban và Al-Qaeda, yêu cầu các quốc gia áp dụng các biện pháp cần thiết bao gồm hoàn thiện pháp luật, phong toả ngân quỹ tài sản, ngăn ngừa việc xuất nhập cảnh, cung cấp buôn bán chuyển giao vũ khí… cho Taliban, Al-Qaeda và Bin Laden. Để giám sát việc thực thi các biện pháp đã đề ra, các nghị quyết của Hội đồng bảo an đã quy định chế độ báo cáo các bước đã thực hiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan. Để nâng cao năng lực và tổ chức bộ máy của Uỷ ban chống khủng bố, Hội đồng bảo an đã thông qua Nghị quyết số 1535 (2004) về cải cách Uỷ ban chống khủng bố, trong đó nhấn mạnh tới tính hiệu quả trong công việc và thực tiễn hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia trong tiến trình chống khủng bố. Đây là quyết định quan trọng của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, bởi việc cải tổ Uỷ ban chống khủng bố, một cơ quan đóng vai trò trung tâm điều phối các hoạt động hợp tác đấu tranh chống khủng bố sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này trong việc phối hợp hoạt động với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực. Trong số các nghị quyết được Hội đồng bảo an thông qua, Nghị quyết số 1373 (2001) là Nghị quyết đề ra các biện pháp bao quát nhất, đầy đủ và toàn diện nhất, tạo cơ sở pháp
lý cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Nếu như các nghị quyết khác của Hội đồng bảo an như Nghị quyết 1267 (1999), Nghị quyết 1390 (2002), Nghị quyết 1455 (2003)… quy định các biện pháp cụ thể mà các quốc gia phải thực thi nhằm ngăn ngừa, trừng trị khủng bố, đặc biệt là đối với các hoạt động của Taliban, Al-Qaeda và Bin Laden, thì Nghị quyết số 1373 (2001) đề ra các biện pháp toàn diện hơn, trực tiếp quy định nghĩa vụ hợp tác chống khủng bố của các quốc gia thành viên. Được thông qua không lâu sau sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ, Nghị quyết 1373 (2001) ngay trong phần mở đầu đã khẳng định: “Yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế bằng việc áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm phòng ngừa và trừng trị trên lãnh thổ quốc gia mình bằng mọi biện pháp hợp pháp, việc tài trợ cho khủng bố và chuẩn bị thực hiện các hành vi khủng bố”. Nghị quyết
khẳng định các quốc gia phải: “Dành cho nhau sự tương trợ rộng rãi nhất trong
việc truy tố hình sự hoặc thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến việc tài trợ hoặc ủng hộ các hành vi khủng bố, kể cả việc giúp đỡ trong việc thu thập chứng cứ mà mình đang có cần thiết cho việc tiến hành các thủ tục tố tụng” (Mục 2 Nghị quyết số 1373). Để thực hiện các biện pháp mà Nghị quyết đã đề ra, Mục 3 Nghị quyết số 1373 kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác chống khủng bố thông qua các biện pháp như: đẩy mạnh trao đổi thông tin nghiệp vụ, hợp tác về vấn đề hành chính tư pháp nhằm ngăn ngừa việc thực hiện các hành vi khủng bố…
Với những quy định về hợp tác chống khủng bố trên, có thể khẳng định rằng Nghị quyết số 1373 (2001) là một trong những nghị quyết quan trọng nhất được thông qua trong khuôn khổ Hội đồng bảo an, trong đó bao hàm những quy định về hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Nghị quyết 1373 đã đặt nền móng pháp lý cho hợp tác quốc tế về chống khủng bố và là cơ sở cho sự ra đời của Ủy ban chống khủng bố - cơ quan đóng vai trò điều phối các hoạt động chống khủng bố trên quy mô toàn cầu. Ngay sau khi được thành lập, Uỷ ban chống khủng bố đã kêu gọi các quốc gia: cần hợp tác khẩn thiết nhằm phòng ngừa và trấn áp các hành động khủng bố, thông qua tăng cường hợp tác và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế liên quan đến khủng bố.
Như vậy bên cạnh 14 điều ước quốc tế được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các văn kiện đặc biệt là các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý và là những bổ sung quan trọng cho pháp luật quốc tế về chống khủng bố, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế về chống khủng bố giữa các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế. Các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an đã đề ra các biện pháp cụ thể, đặc biệt các nghị quyết về chống khủng bố đã bước đầu góp phần xây dựng nên một cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật quốc tế về chống khủng bố và hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Thông qua chế độ báo cáo việc thực thi nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, cộng đồng quốc tế có thể đánh giá được mức độ thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của quốc gia trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố từ đó đưa ra những yêu cầu hay kiến nghị phù hợp. So với các phạm vi điều chỉnh và nghĩa vụ mà 14 công ước quốc tế được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc thì phạm vi điều chỉnh của các nghị quyết được Đại hội đồng và Hội đồng bảo an thông qua rộng hơn. Các điều ước quốc tế hiện hành chỉ điều chỉnh đối với các lĩnh vực chuyên ngành thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước như: chống bắt cóc con tin, khủng bố hạt nhân, đánh dấu chất nổ dẻo… trong khi đó các nghị quyết được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc đa phần có phạm vi tác động bao trùm các lĩnh vực chống khủng bố. Bên cạnh đó, các nghị quyết được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc còn có phạm vi tác động tới tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, những giải pháp mà các nghị quyết đưa ra đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên phải thực thi. Trong khi đó, các công ước được Liên hợp quốc thông qua chỉ có thể phát sinh hiệu lực đối với một quốc gia khi quốc gia đó đã phê chuẩn hoặc gia nhập. Điều này chứng tỏ rằng để các quy phạm pháp luật quốc tế đặc biệt là các công ước và nghị định thư về chống khủng bố hiện nay và trong tương lai phát huy hiệu lực và đem lại kết quả như mong muốn góp phần ngăn chặn, trừng trị tiến tới loại trừ khủng bố ra khỏi đời sống quốc tế, Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn và cộng đồng quốc tế còn rất nhiều việc phải làm mà một trong số đó là việc kêu gọi các quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập các điều ước về chống khủng bố, hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đi
đến một công ước toàn diện về chống khủng bố và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong đấu tranh chống khủng bố.