Khủng bố là vấn đề mang tính toàn cầu do vậy để đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh chống khủng bố, việc hợp tác giữa các quốc gia là rất quan trọng. Thực tế cho thấy hợp tác song phương về chống khủng bố là một kênh hợp tác rất hiệu quả do phù
hợp nhu cầu và đặc điểm tình hình của các bên hữu quan. Về hình thức, hợp tác chống khủng bố giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới thường thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định về dẫn độ, tuyên bố chung về hợp tác toàn diện… “Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 20 hiệp định song phương về tương trợ tư
pháp và dẫn độ với các quốc gia khác” [1, 8]. Hợp tác song phương về chống khủng bố có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: tương trợ tư pháp, dẫn độ, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin, xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực chống khủng bố, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính… Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chia các cơ sở pháp lý hợp tác chống khủng bố của Việt Nam làm hai nhóm quy phạm:
Nhóm thứ nhất: Các quy phạm trực tiếp điều chỉnh vấn đề hợp tác chống
khủng bố. Đây là nhóm quy phạm tồn tại trong một số hiệp định song phương về chống khủng bố giữa Việt Nam và một số quốc gia khác.
Nhóm thứ hai: Các quy phạm điều chỉnh vấn đề hợp tác chống khủng bố
thông qua hợp tác tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm… Đây là nhóm các quy phạm chủ yếu và chiếm số lượng lớn nhất trong cơ sở pháp lý hợp tác song phương về chống khủng bố của Việt Nam.
3.2.1.1. Hợp tác song phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ
Về hợp tác tương trợ tư pháp: Hầu hết các hiệp định song phương về tương
trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới có quy định về tương trợ tư pháp hình sự (trừ hiệp định với Cộng hoà Pháp chỉ quy định về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự). Vấn đề hợp tác tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến chống khủng bố được quy định cụ thể trong các hiệp định tương trợ tư pháp thông qua các quy định về nội dung và hình thức tương trợ, phạm vi tương trợ, nghĩa vụ của các bên trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển giao bằng chứng, điều tra thu thập chứng cứ, từ chối tương trợ tư pháp…
Về phạm vi tương trợ tư pháp: Một số hiệp định tương trợ tư pháp quy định
về phạm vi hợp tác tương trợ khá hẹp như Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự Việt Nam - Trung Quốc, tại Điều 1 quy định phạm vi tương trợ chỉ bao gồm: Tống đạt giấy tờ; thu thập tài liệu chứng cứ và các công việc tương
trợ khác theo quy định của hiệp định này như triệu tập và bảo hộ người làm chứng, người giám định, trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, một số hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về phạm vi tương trợ tư pháp hình sự rất rộng. Ví dụ: Điều 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn Độ quy định phạm vi tương trợ bao gồm: Thu thập chứng cứ, lấy lời khai; cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ và vật chứng; nhận dạng hoặc xác định nơi ở của người, nơi có đồ vật; tống đạt giấy tờ; thực hiện yêu cầu khám xét và thu giữ; truy tìm, thu giữ, kê biên và tịch thu tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội bao gồm cả những tài sản và phương tiện liên quan tới hoạt động khủng bố… Các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia khác như: Điều 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự Việt Nam – Hàn Quốc, Điều 5 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự Việt Nam - Liên bang Nga; Điều 4 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự Việt Nam – Mông Cổ; Điều 5 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự Việt Nam – Lào… đều có quy định phạm vi tương trợ tương đối rộng bao gồm các hành vi tố tụng như: tống đạt giấy tờ, lấy lời khai của người làm chứng và những người có liên quan, tiến hành giám định, thu thập chứng cứ, chuyển giao chứng cứ, tiến hành truy tố hình sự, dẫn độ người phạm tội…
Cùng với các quy định về phạm vi tương trợ, các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với một số quốc gia còn có các quy định về nội dung và hình thức tương trợ (Điều 5 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam - Ấn Độ; Điều 7 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự Việt Nam – Trung Quốc; Điều 4 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam – Hàn Quốc…) và các trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp (Điều 5 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam – Hàn Quốc; Điều 27 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự Việt Nam – Trung Quốc; Điều 6 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam - Ấn Độ; Điều 55 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự Việt Nam – Mông Cổ…).
Về vấn đề hợp tác dẫn độ tội phạm: Hợp tác dẫn độ tội phạm là một chế định
chung và các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự nói riêng. Ngoại trừ Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự Việt Nam – Trung Quốc, Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam - Ấn Độ và Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam – Hàn Quốc (do Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định riêng về vấn đề dẫn độ tội phạm), các hiệp định tương trợ tư pháp khác có liên quan đến vấn đề hình sự được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia khác đều có các điều khoản quy định về vấn đề hợp tác dẫn độ tội phạm. Bên cạnh các hiệp định về tương trợ tư pháp, Việt Nam cũng đã ký kết với Hàn Quốc hiệp định riêng về dẫn độ tội phạm trong đó có tội phạm khủng bố.
Mục đích dẫn độ tội phạm được quy định trong các hiệp định tương trợ tư pháp là nhằm để truy tố hoặc để thi hành bản án (Điều 59 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự Việt Nam – Lào; Điều 54 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự Việt Nam – Mông Cổ)…
Các vấn đề khác có liên quan đến dẫn độ như: điều kiện dẫn độ, yêu cầu dẫn độ, dẫn độ tạm thời, chuyển giao người bị dẫn độ, dẫn độ lại… đều được quy định cụ thể trong các hiệp định tương trợ tư pháp. Bên cạnh trách nhiệm hợp tác dẫn độ tội phạm trong đó có tội phạm khủng bố, các hiệp định tương trợ tư pháp còn quy định các trường hợp bên ký kết được từ chối yêu cầu dẫn độ. Căn cứ từ chối yêu cầu dẫn độ trong các hiệp định tương trợ tư pháp có điều khoản quy định về hợp tác dẫn độ có thể là: việc thực hiện yêu cầu dẫn độ có thể gây phương hại đến chủ quyền quốc gia hoặc việc thực hiện yêu cầu dẫn độ trái với những quy định của pháp luật hoặc những cam kết quốc tế của nước được đề nghị tương trợ.
Về vấn đề hợp tác chống tài trợ khủng bố, Hiệp định tương trợ tư pháp hình
sự Việt Nam – Ấn Độ là hiệp định tương trợ tư pháp song phương duy nhất có điều khoản quy định về vấn đề này. Theo quy định của Hiệp định, khi một trong hai bên ký kết có lý do để tin rằng có người hoặc nhóm người thuộc quyền tài phán của mình đã quyên góp, đang quyên góp hoặc đóng góp cho bất kỳ quỹ tài chính nào mà quỹ đó trực tiếp hoặc gián tiếp tài trợ hoặc giúp đỡ cho các hoạt động khủng bố trên lãnh thổ của bên kia, thì sẽ báo cho bên ký kết kia về tình hình đó, đồng thời sẽ tiến
hành các biện pháp mà pháp luật nước mình cho phép để khám xét, thu giữ và tịch thu quỹ tài chính đó và truy tố những cá nhân liên quan.
3.2.1.2. Hợp tác song phương về phòng chống tội phạm
Bên cạnh các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong đó có các quy định về hợp tác tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm… Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương trực tiếp quy định về hợp tác phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm khủng bố. Đó là các hiệp định: Hiệp định giữa Việt Nam và Uzơbekistan về hợp tác chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác (được ký tại Tashkent ngày 10/9/2010, có hiệu lực kể từ ngày 23/4/2011); Hiệp định giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép các chất ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự, tiền chất và các loại tội phạm khác (được ký tại Ankara ngày 22/8/2007, có hiệu lực từ ngày 17/7/2008). Điểm khác biệt cơ bản giữa hai hiệp định trên với các hiệp định tương trợ tư pháp đã được Việt Nam ký kết là tính toàn diện về phạm vi hợp tác. Nếu như các hiệp định tương trợ tư pháp chỉ quy định về vấn đề hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm thì các hiệp định hợp tác đấu tranh chống tội phạm được ký kết với Uzơbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ quy định về hình thức hợp tác và phạm vi hợp tác giữa các bên rất rộng.
Về phạm vi hợp tác: Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Uzơbekistan về hợp
tác chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác quy định các bên sẽ hợp tác chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố trong việc phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm; Hiệp định giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép các chất ma túy quy định: các bên sẽ hợp tác trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, khám phá và điều tra tội phạm, trong đó có tội phạm khủng bố.
Về lĩnh vực hợp tác: Hai hiệp định trên đều quy định lĩnh vực hợp tác giữa
các bên khá rộng từ hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, hợp tác nâng cao năng lực… đến hợp tác kỹ thuật công nghệ liên quan đến chống khủng bố. Hiệp định Việt Nam và
Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép các chất ma túy còn quy định các bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như: trao đổi chuyên gia, trao đổi văn bản pháp luật, trao đổi về các phương thức và thủ đoạn của tội phạm… Để thực thi có hiệu quả các biện pháp hợp tác đã thoả thuận, các bên tham gia Hiệp định cũng đã chỉ định các cơ quan có liên quan làm đầu mối phối hợp các hoạt động hợp tác chống khủng bố.
Bên cạnh các hiệp định trên, Việt Nam cũng đã ký các tuyên bố chung về hợp tác giữa các bên như: Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mônđôva (được ký kết ngày 28/02/2003); Tuyên bố giữa Việt Nam và Indonesia về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ XXI (được ký kết ngày 26/6/2003); Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI (được ký kết ngày 01/5/2003)… Các tuyên bố trên tuy mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những cam kết hợp tác chống khủng bố, lĩnh vực hợp tác chống khủng bố còn hạn chế nhưng đã đặt cơ sở pháp lý ban đầu cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa các bên trong đó có hợp tác quốc tế về chống khủng bố.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã ký kết khoảng 20 hiệp định tương trợ tư pháp song phương, hiệp định dẫn độ… có liên quan đến hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Các hiệp định trên, cùng với các điều ước quốc tế về chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác chống khủng bố giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Thông qua các lĩnh vực hợp tác và các biện pháp cụ thể mà các bên đã đề ra, hiệu quả hợp tác đấu tranh chống khủng bố đã được nâng cao, hợp tác chống khủng bố giữa các bên ký kết đã đi vào thực chất. Tuy nhiên, hợp tác song phương về chống khủng bố giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục là:
Một là số lượng các điều ước song phương được ký kết giữa Việt Nam và
các quốc gia khác có liên quan trực tiếp đến chống khủng bố còn rất hạn chế. Hợp tác song phương về chống khủng bố giữa Việt Nam và các quốc gia chủ yếu vẫn dựa trên các hiệp định tương trợ tư pháp (có điều khoản về tương trợ tư pháp hình sự) trong khi đó số lượng các hiệp định tương trợ tư pháp đã được ký kết còn rất
khiêm tốn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm khủng bố nói riêng.
Hai là phạm vi hợp tác song phương còn hẹp. Các hiệp định tương trợ tư
pháp chỉ quy định phạm vi hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực tương trợ tư pháp mà cụ thể ở đây là hoạt động tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ. Quan hệ hợp tác tương trợ tư pháp chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam với các cơ quan chuyên môn của các nước đối tác trong quá trình thực hiện các yêu cầu liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự vốn chỉ giới hạn trong các hoạt động cung cấp chứng cứ, tài liệu, lấy lời khai, thu giữ chuyển giao vật chứng, tiến hành giám định… Trong khi đó để hợp tác chống khủng bố có hiệu quả, cần mở rộng phạm vi hợp tác sang các lĩnh vực khác như: trao đổi thông tin đặc biệt là thông tin tình báo, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính…