Các hình thức hợp tác quốc tế về chống khủng bố

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 36 - 39)

Hợp tác quốc tế về chống khủng bố là quá trình các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế hợp tác, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng và thực thi pháp luật quốc tế về chống khủng bố. Tuỳ theo tiêu chí phân loại có thể chia hợp tác quốc tế về chống khủng bố thành các loại hình hợp tác khác nhau.

Căn cứ theo cấp độ hợp tác, có thể chia tiến trình hợp tác quốc tế về chống

khủng bố thành: hợp tác song phương, hợp tác khu vực, hợp tác liên khu vực và hợp tác trên quy mô toàn cầu. Ở cấp độ hợp tác song phương là việc các quốc gia thoả thuận ký kết các hiệp định, đưa ra tuyên bố chung, thoả thuận hợp tác (Ví dụ như hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong thoả thuận hợp tác chống khủng bố ngày

27/3/2010…) về hợp tác chống khủng bố trong đó quy định các biện pháp cụ thể như: trao đổi thông tin, tương trợ tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực, trợ giúp tài chính… nhằm đẩy mạnh chống khủng bố. Thực tiễn thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong thời gian qua cho thấy đây là kênh hợp tác hiệu quả cao do hình thức hợp tác này thường không có nhiều khác biệt trong những vấn đề còn gây tranh cãi về khủng bố. Hợp tác song phương về chống khủng bố cũng là kênh hợp tác đem lại hiệu quả và nhanh chóng do các điều khoản trong thoả thuận hợp tác được triển khai thực thi trong thực tiễn nhanh hơn, không mất thời gian hội đủ các quốc gia tham gia ký kết hoặc gia nhập như hợp tác đa phương. Tuy nhiên nhược điểm của hình thức hợp tác song phương là đối với những tổ chức khủng bố có phạm vi hoạt động rộng, đe doạ an ninh không chỉ của một vài quốc gia thì hình thức hợp tác song phương chưa thực sự đem lại hiệu quả. Bên cạnh hợp tác song phương còn có các hình thức hợp tác khu vực, liên khu vực và hợp tác toàn cầu. Đây là hình thức hợp tác giữa các quốc gia trong cùng một khu vực (Hợp tác trong ASEAN thông qua Công ước ASEAN về chống khủng bố; hợp tác trong Liên minh châu Âu trong Công ước chống khủng bố…); giữa các quốc gia trong các khu vực khác nhau (Thoả thuận hợp tác phòng chống khủng bố ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Nga; ASEAN- Australia, ASEAN-EU) và hợp tác trên quy mô toàn cầu (thông qua các công ước chống khủng bố trong khuôn khổ Liên hợp quốc: Công ước chống khủng bố bằng hạt nhân, Công ước chống khủng bố bằng bom…). Quy mô hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu rộng lớn hơn, do vậy cho phép chống khủng bố có hiệu quả hơn đặc biệt là với các tổ chức khủng bố quốc tế như Al Qaeda. Hợp tác đa phương cho phép cộng đồng quốc tế huy động được các nguồn lực cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên rào cản lớn nhất cho phương thức hợp tác này là sự khác biệt trong quan niệm về khủng bố và các khía cạnh liên quan giữa các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Đơn cử như hợp tác chống khủng bố ở ASEAN - mô hình hợp tác khu vực khá thành công và các quốc gia trong khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng quan điểm về khủng bố cũng có rất nhiều khác biệt. Trong Công ước ASEAN về chống khủng bố năm 2007 các

nước ASEAN cũng đã thoả thuận không đưa ra vấn đề định nghĩa khủng bố mà viện dẫn các công ước quốc tế liên quan, tuỳ theo sự tiến triển của tình hình định nghĩa khủng bố mới được thoả thuận bổ sung).

Theo lĩnh vực hợp tác, có thể chia hợp tác chống khủng bố thành các hình

thức hợp tác cơ bản như: hợp tác chống khủng bố bằng bom; hợp tác chống khủng bố bằng hạt nhân, hợp tác chống khủng bố bằng bắt cóc con tin; hợp tác chống khủng bố trong lĩnh vực hàng không, hợp tác chống khủng bố trong lĩnh vực hàng hải… Mỗi lĩnh vực hợp tác chống khủng bố trên có những đặc thù riêng, tùy theo đặc điểm tình hình, khả năng và nguy cơ khủng bố đối với từng lĩnh vực trên, mỗi quốc gia có thể lựa chọn hình thức hợp tác phù hợp.

Theo hình thức hợp tác, có thể chia hợp tác chống khủng bố thành hai hình

thức: Hợp tác chính thức và hợp tác không chính thức. Hợp tác không chính thức được thực hiện thông qua trao đổi thông tin và công việc thường nhật về khủng bố và chống khủng bố. Các quốc gia khi cần hợp tác với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của nước ngoài có thể thông qua các tổ chức như: Interpol, Aseanpol… hoặc qua các đầu mối liên lạc được thoả thuận song phương. Hình thức hợp tác không chính thức có ưu điểm không cần thiết tồn tại thoả thuận song phương, tuy nhiên khi yêu cầu phối hợp vượt quá thẩm quyền thì hình thức hợp tác này không thể thực hiện được. Hợp tác không chính thức thường có nội dung hẹp hơn và thường giới hạn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp. Hợp tác chính thức thông qua các hiệp định song phương, đa phương là hình thức hợp tác có nhiều ưu điểm đặc biệt là trong trường hợp các vụ việc chống khủng bố vượt quá thẩm quyền của hợp tác không chính thức hoặc vụ việc phải được điều tra theo trình tự tố tụng chặt chẽ. Hợp tác chính thức thông qua các thoả thuận song phương, đa phương cho phép các bên mở rộng phạm vi lĩnh vực hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu do vậy đem lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt là hình thức hợp tác chính thức thông qua các thoả thuận song phương được xem là hình thức hợp tác hiệu quả trong các trường hợp như: một trong các bên chưa phải là thành viên của một điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố mà vụ việc liên quan đến hình thức khủng bố đó. Tuy nhiên hiện

nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia và việc đàm phán ký kết thoả thuận hợp tác song phương về chống khủng bố với tất cả các quốc gia trên thế giới là không khả thi và gây ra những tốn kém quá mức cần thiết cho các quốc gia. Bên cạnh đó, việc đàm phán ký kết các điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố cũng tốn kém và khó khăn do có nhiều khác biệt. Việc gia nhập các công ước quốc tế đa phương về chống khủng bố đòi hỏi các quốc gia phải cân nhắc lợi ích của mình.

Việc phân loại các hình thức hợp tác chống khủng bố chỉ mang tính chất ước lệ. Tuy nhiên trong chừng mực nhất định, việc phân loại các hình thức khủng bố như trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu sâu rộng về hợp tác chống khủng bố. Bên cạnh đó, việc phân loại như trên giúp các quốc gia tùy theo yêu cầu nhiệm vụ chống khủng bố, nguy cơ khủng bố và khả năng của mình lựa chọn hình thức hợp tác phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong tiến trình hợp tác chống khủng bố.

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 36 - 39)