Cơ sở pháp lý cho hợp tác chống khủng bố giữa ASEAN và EU là các điều ước quốc tế phổ cập và các nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó ASEAN và EU còn có những thoả thuận song phương trong đó có đặt ra vấn vềhợp tác chống khủng bố.
Quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa ASEAN và EU thực sự phát triển mạnh mẽ sau sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ mà kết quả là sự ra đời của nhiều thoả thuận hợp tác giữa hai khu vực, tạo cơ sở pháp lý cho tiến trình hợp tác chống khủng bố. Trong những năm qua, ASEAN và EU đã tích cực hợp tác thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) - là diễn đàn liên chính phủ duy nhất nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và an ninh thông qua đối thoại và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái
Bình Dương. EU và ASEAN đã đồng chủ trì một số cuộc họp giữa kỳ về các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN-EU đã họp thường niên và sự tham gia của EU hàng năm tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đã đóng góp đáng kể vào việc đối thoại và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó hợp tác giữa hai khu vực về chống khủng bố cũng là vấn đề thường xuyên được đưa lên bàn nghị sự.
Văn kiện pháp lý quan trọng nhất trực tiếp tạo cơ sở pháp lý cho tiến trình hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực là Tuyên bố chung ASEAN EU về hợp tác chống khủng bố được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – EU tại Brussels tháng 1 năm 2003. Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố ASEAN – EU khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN và EU trong việc thực thi các công ước phổ cập về chống khủng bố, hợp tác hỗ trợ Uỷ ban chống khủng bố của Liên hợp quốc và các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc. Tuyên bố chung ASEAN – EU cũng khẳng định quyết tâm của các bên trong việc phát triển quan hệ hợp tác chống khủng bố ASEAN – EU. Các bên cũng cam kết hướng tới thực hiện hàng loạt các hoạt động đã thoả thuận trong Chương trình hợp tác ASEM Copenhaghen về chống khủng bố (tháng 9 năm 2002) và đồng ý tiếp tục thực hiện các bước khẩn cấp trong quá trình này. Mục 6, Tuyên bố chung ASEAN – EU khẳng định: “Quyết tâm
tăng cường hợp tác để chống lại chủ nghĩa khủng bố”, đặc biệt là trong các lĩnh
vực: Thực hiện các nghị quyết, công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc về chống khủng bố; trao đổi thông tin; phát triển khung pháp lý và hành chính; tăng cường liên kết giữa các cơ quan thực thi pháp luật của hai khu vực… Tuyên bố cũng khẳng định cơ chế đánh giá hiệu quả hợp tác giữa hai bên thông qua Hội nghị bộ trưởng các nước thành viên.
Như vậy, Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố ASEAN – EU đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực. Tuyên bố chung đã đưa ra các biện pháp bao quát nhất trên một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác chống khủng bố đồng thời đưa ra cơ chế đánh giá hiệu quả hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên các biện pháp và lĩnh vực hợp tác chỉ mang tính khuyến
nghị bởi cơ chế thực thi Tuyên bố chung chưa thực sự mạnh mẽ. Mặc dù vậy, những giải pháp do Tuyên bố chung ASEAN – EU đặt ra thực sự có ý nghĩa to lớn cho tiến trình hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực. Căn cứ Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố, hiện nay cả hai khu vực đang thực hiện một chương trình hợp tác ba năm (2008 - 2011) về di cư và quản lý biên giới, nhằm giám sát sự di chuyển của các phần tử khủng bố.
Bên cạnh Tuyên bố chung ASEAN – EU về hợp tác chống khủng bố, quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực tiếp tục phát triển với kết quả là một số thoả thuận có liên quan đến chống khủng bố tiếp tục được các bên thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác chống khủng bố. Tháng 3 năm 2007, tại Đức, quan hệ hợp tác giữa hai khu vực ASEAN và EU đã có bước tiến quan trọng với việc thông qua Tuyên bố Nuremberg về tăng cường quan hệ đối tác EU-ASEAN. Tuyên bố đưa ra tầm nhìn dài hạn và cam kết của cả hai bên trong việc hợp tác thực thi các mục tiêu cho những năm tới. Về hợp tác chống khủng bố, Mục 7 Tuyên bố Nuremberg khẳng định quyết tâm của các bên trong việc: “Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết và chống khủng bố… thông qua nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ Luật quốc tế”.
ASEAN và Liên minh châu Âu đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại với việc triệu tập Hội nghị cấp cao vào tháng 11 năm 2007 tại Singapore. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung ASEAN – EU. Tuyên bố chung ASEAN – EU tại Hội nghị cấp cao tại Singapore năm 2007 khẳng định cam kết của các bên trong việc: “Hỗ trợ thực hiện Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc, sớm thông qua Công ước toàn diện Liên hợp quốc về chống khủng bố quốc tế; Công ước ASEAN về chống khủng bố và thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-EU về hợp tác chống khủng bố quốc tế”. Với việc thông qua Tuyên bố chung tại Singapore, quan
hệ hợp tác về an ninh chính trị đặc biệt là hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực đã được củng cố và làm sâu sắc thêm. Cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN – EU (tháng 11 năm 2007), các bên đã thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg về Tăng cường quan hệ đối tác EU-ASEAN cùng với danh mục chỉ
dẫn hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-EU cũng đã được thông qua để bắt đầu các bước đi cụ thể. Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg về Tăng cường quan hệ đối tác EU-ASEAN được các bên xem như “bản kế hoạch tổng thể cho việc tăng cường quan hệ ASEAN – EU và hợp tác trung
hạn (2007 - 2012) một cách toàn diện các bên cùng có lợi”. Nếu như các Tuyên bố chung giữa các bên thường chỉ đặt ra những nguyên tắc chung nhất, tạo cơ sở pháp lý cho tiến trình hợp tác giữa ASEAN và EU, thì Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg về Tăng cường quan hệ đối tác EU-ASEAN, thực sự là bước tiến dài trong việc đưa quan hệ hợp tác giữa hai khu vực đi vào thực chất. Từ các quy định mang tính nguyên tắc, Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg đã đặt ra nhiều biện pháp cụ thể mà các bên phải thực thi từ hợp tác an ninh chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội đến hợp tác phát triển trong đó hợp tác trong lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống là vấn đề trọng tâm trong Kế hoạch này. Về vấn đề hợp tác chống khủng bố, Mục 1.3 Kế hoạch hành động quy định nghĩa vụ của các bên trong việc: Phối hợp thực hiện tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố; trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ; hỗ trợ việc thực thi Công ước ASEAN về chống khủng bố… Để thực thi các biện pháp cụ thể ở trên, Kế hoạch hành động thực thi Tuyên bố Nuremberg quy định trách nhiệm của Ban thư ký ASEAN và EU trong việc phát triển một lịch trình và khung thời gian cho việc thực thi Kế hoạch; thực thi các dự án chung và đảm bảo kinh phí cho các hoạt động. Kết quả thực hiện Kế hoạch sẽ được Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN – EU đánh giá trên cơ sở đồng thuận.
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU 17 được tổ chức vào ngày 27 - 28 tháng 5 năm 2009 tại Phnom Penh đã thông qua Chương trình nghị sự Phnom Penh cho việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-EU với vai trò là một chương trình hành động để làm sâu sắc hơn và tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa ASEAN và EU cho giai đoạn 2009 - 2010.
Tháng 5 năm 2010, tại Hội nghị Bộ trưởng EU và ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha), ASEAN và EU ký kết Tuyên bố Madrid, văn kiện thống
nhất nỗ lực của hai khối trong việc chống khủng hoảng kinh tế, nhấn mạnh hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân. Về hợp tác giữa hai khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố, Tuyên bố khẳng định: “hoan nghênh nỗ
lực được thực hiện bởi ASEAN và các nước thành viên EU để thúc đẩy hợp tác chống khủng bố và tăng cường bảo vệ quyền con người, thông qua cách tiếp cận đa phương và song phương”. Mục 24 Tuyên bố Madrid đưa ra nhiệm vụ cho các bên
liên quan trong việc: Thực hiện những bước đi cần thiết để thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố; tiếp tục các cuộc đàm phán về công ước toàn diện chống khủng bố quốc tế; tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa các cơ quan chống khủng bố của hai khu vực… Tuyên bố cũng khẳng định mối liên kết ngày càng tăng giữa chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và sự cần thiết phải nỗ lực đa phương trong cuộc chiến chống khủng bố.
Quan hệ hợp tác toàn diện nói chung và hợp tác chống khủng bố giữa ASEAN và EU tiếp tục có bước phát triển với việc Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam châu Á (TAC) được ký kết bên lề Diễn đàn khu vực (ARF) tháng 7 năm 2010 tại Hà Nội. Nghị định thư thứ ba, khi được phê chuẩn bởi tất cả các bên ký kết sẽ cho phép việc gia nhập của tổ chức khu vực mà các thành viên là quốc gia có chủ quyền như EU, mở đường cho EU gia nhập hiệp ước này. Điều này sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai khu vực trong đó có hợp tác quốc tế về chống khủng bố.
Như vậy, qua nhiều văn kiện pháp lý về hợp tác giữa hai khu vực đã được các bên ký kết, chúng tôi cho rằng quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực về chống khủng bố đã có bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Cơ chế hợp tác giữa hai khu vực thường thông qua các Hội nghị bộ trưởng, Hội nghị các quan chức cấp cao, thông qua phối hợp làm việc giữa Ban thư ký của các bên liên quan. Bên cạnh việc đề ra các biện pháp hợp tác phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của hai khu vực, các bên cũng đã đưa ra cơ chế đánh giá hiệu quả hợp tác đã thực hiện. Trên bình diện liên kết khu vực, EU và ASEAN là những hình mẫu điển hình và trên bình diện hợp tác quốc tế về chống khủng bố, hợp tác giữa
hai khu vực cũng là một điển hình của hợp tác liên khu vực về chống khủng bố với việc rất nhiều văn kiện pháp lý đã được các bên thông qua tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai khu vực trong tiến trình này.