Khái niệm hợp tác quốc tế về chống khủng bố

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 29 - 31)

Pháp luật quốc tế là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận hoặc chấp nhận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng nhằm điều chỉnh quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau của quan hệ quốc tế.

Pháp luật quốc tế về chống khủng bố là một bộ phận của Luật hình sự quốc tế. Luật hình sự quốc tế cùng với các ngành luật khác như: Luật kinh tế quốc tế, Luật biển quốc tế, Luật ngoại giao lãnh sự… cấu thành nên Luật quốc tế hiện đại. Trong phạm vi luận văn này, hợp tác quốc tế về chống khủng bố được hiểu là tổng

thể các nguyên tắc, các quy phạm điều chỉnh quan hệ hợp tác, bao gồm các nguyên tắc ứng xử, quyền và nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố do các quốc gia thoả thuận xây dựng.

Pháp luật quốc tế về chống khủng bố hiện nay chưa hoàn thiện. Hiện chưa có một công ước chung trên quy mô toàn cầu về chống khủng bố. Các quy định về chống khủng bố vẫn tồn tại ở nhiều văn bản có cấp độ hiệu lực khác nhau do vậy các biện pháp chống khủng bố, nội dung của hợp tác chống khủng bố, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong hợp tác chống khủng bố được quy định rải rác trong nhiều điều ước quốc tế khác nhau.

Nội dung của hợp tác quốc tế về chống khủng bố rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: trao đổi thông tin về khủng bố trong đó có trao đổi thông tin tình báo; thu thập, chuyển giao tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hoạt động của khủng bố; truy nã, bắt giữ và dẫn độ tội phạm khủng bố; phát hiện, tịch thu tài sản có được từ hoạt động khủng bố hoặc nhằm tài trợ cho khủng bố; giải cứu, chuyển giao, tiếp nhận nạn nhân khủng bố; tống đạt giấy tờ tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự trong chống khủng bố; triệu tập người làm chứng, người giám định… Bên cạnh đó hợp tác chống khủng bố cũng được mở rộng thông qua hợp tác huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực chống khủng bố, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thiết lập các hệ thống và hoạt động phòng chống khủng bố. Hợp tác chống khủng bố còn bao gồm hợp tác an ninh và các biện pháp mang tính hành chính nhằm kiểm soát sự di chuyển của các phần tử khủng bố như: đảm bảo an ninh biên giới, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, tăng cường an ninh hàng không, đường biển; bảo vệ an toàn các sự kiện lớn, nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra, hợp tác chống khủng bố còn bao gồm các hoạt động ngăn chặn,

trấn áp các hoạt động cung cấp tài chính cho khủng bố (tài trợ khủng bố).

Như vậy, nội dung của hợp tác quốc tế về chống khủng bố rất rộng. Hợp tác quốc tế về chống khủng bố có thể thông qua cơ chế song phương hoặc đa phương (thông qua các tổ chức khu vực, liên khu vực và toàn cầu) tuy nhiên suy cho cùng nội dung, quyền nghĩa vụ trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố và chủ thể lãnh trách nhiệm chủ yếu cuối cùng vẫn là các quốc gia. Bao trùm tất cả các hoạt động hợp tác chống khủng bố đã đề cập ở trên là hợp tác trong việc xây dựng, thực thi có hiệu quả và hoàn thiện pháp luật quốc tế về chống khủng bố.

Quá trình hợp tác quốc tế về chống khủng bố giữa các quốc gia dựa trên cơ sở pháp lý là pháp luật quốc tế về chống khủng bố. Nguồn của pháp luật quốc tế về hợp tác chống khủng bố bao gồm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, trong đó đóng vai trò quan trọng nhất là các điều ước quốc tế. Hiện nay, các quốc gia, cộng đồng quốc tế đã hợp tác xây dựng được 14 điều ước quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc, 09 điều ước cấp khu vực và nhiều điều ước song phương về chống khủng bố. Bên cạnh đó nguồn của pháp luật quốc tế về hợp tác chống khủng bố còn bao gồm nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ, trong đó quan trọng nhất là các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc như: Nghị quyết số 1267 ngày 15/10/1999; Nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001; Chiến lược chống khủng bố toàn cầu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2006… Trong đó Nghị quyết số 1373 là văn kiện đặc biệt quan trọng được xem là: “đặt ra nền móng pháp lý cho sự hợp tác quốc tế trong đấu

tranh chống khủng bố” [3, 251].

Một phần của tài liệu hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn việt nam (Trang 29 - 31)