Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn ứng dụng tiến bộ kỹthuật trong trồng trọt
2.2.1. Kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹthuật trong trồng trọt ở một số nước
trên thế giới
2.2.1.1. Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có diện tích rộng và dân số đông. Nền nông nghiệp và kinh tế của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ. Trung Quốc đã chọn công nghệ cao làm khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, trình độ chung của nông nghiệp Trung Quốc khá cao. Tỷ lệ tiến bộ khoa học - công nghệ nâng cao đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển ổn định liên tục của nền kinh tế nông thôn và nông nghiệp Trung Quốc.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy, sản lượng lương thực cả nước Trung Quốc năm 2015 đạt 621,44 triệu tấn, tăng 14,41 triệu tấn so với năm 2014, tăng 2,4%, sản lượng lương thực của Trung Quốc thực hiện "tăng 12 năm liền".
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã xây dựng được công nghệ sản xuất của hơn 60 loại hoa, lúa gạo, lúa mỳ, khoai tây, táo… đã được áp dụng thành
công trên diện rộng về kỹ thuật cấy mô khử virut vào sản xuất theo kiểu công xưởng hóa, hiện nay đã thực hiện được thương phẩm hóa công nghệ này. Đã nhân bản vô tính gen hàng trăm loại, ứng dụng công nghệ chuyển nghép di truyền và thu được nhiều loại gen có các tính trạng khác nhau, sản xuất thử nghiệm điểm trình diễn hoặc trên đồng ruộng nhiều giống mới, và đã thành công đưa vào thị trường thương phẩm hóa.
Lĩnh vực công nghệ thông tin đã xây dựng được nhiều ngân hàng dự trữ thông tin nông nghiệp như ngân hàng dự trữ nông nghiệp, ngân hàng tài nguyên giống cây trồng, ngân hàng dữ liệu thống kê kinh tế nông nghiệp. Các ngân hàng này đã được lưu giữ và khai thác mang tính hiệu quả kinh tế cao.
Lĩnh vực vật liệu, phân hóa học, thuốc trừ sâu mới. Các loại phân bón, thuốc trừ bệnh sinh vật và các hóa chất loại mới đã phát triển khá mạnh. Loại phân bón hỗn hợp do Trung Quốc tự chế tạo đã chiếm 20% số lượng phân bón hóa học.
Lĩnh vực thiết bị nông nghiệp: sản xuất máy nông nghiệp của Trung Quốc là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn, đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2015 và vươn lên trở thành nước sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong năm 2015, nước này đã sản xuất hơn 2 triệu máy kéo và 1 triệu máy gặt, nhập khẩu trên 100 nhà ấm điều hòa nhiệt độ, độ ẩm tự động hiện đại (MT, 2013).
Những kết quả đã đạt được thông qua các chương trình phát triển trên là hết sức to lớn. Trung Quốc bên cạnh việc bảo đảm an ninh lương thực cho trên 1,2 tỷ người của mình thì đã và đang tham gia mạnh mẽ vào thị trường các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới (Đinh Thị Kim Phượng, 2011).
2.2.1.2. Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, do vậy nhu cầu lương thực thực phẩm vô cùng lớn. Vấn đề tăng trưởng lương thực và an toàn thực phẩm luôn đặt ra cho chính phủ nước này những thách thức nhất định trong phát triển. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học trong trồng trọt luôn tạo ra những cuộc cách mạng trong nông nghiệp của nước này. Ấn Độ là quốc gia có sản lượng rau lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, sản lượng rau của Ấn Độ chiếm 15% sản lượng rau toàn thế giới đạt 71 triệu tấn, diện tích trồng rau chiếm 6,2 triệu ha, chiếm 3% diện tích trồng trọt của Ấn Độ. Rau tươi của Ấn Độ hiện được trồng
phổ biến trên đồng ruộng, trái ngược với các quốc gia phát triển, hiện tại ở các quốc gia phát triển họ đang sử dụng kỹ thuật trồng rau trong nhà, kỹ thuật này sẽ giúp cho sản lượng rau đạt kết quả cao hơn nhiều. Ngành sản xuất rau tươi của Ấn Độ đang đề nghị chính phủ giúp đỡ nguồn nguyên liệu trồng trọt có chất lượng tốt, giảm sử dụng hạt giống cây lai, nâng cao trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật để tăng sản lượng rau của Ấn Độ.
Xu hướng phát triển ngành nghề rau quả của Ấn Độ trong tương lai: - Dự báo trong tương lai, các công ty chế biến có quy mô lớn sẽ dần thay thế các công ty cế biến có quy mô nhỏ để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng các sản phẩm cung ứng ra thị trường.
- Chính phủ sẽ mở các lớp bồi dưỡng để giúp người nông dân nâng cao về trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng trồng trọt. Bên cạnh đó, chính sách dồn điền đổi thửa sẽ được áp dụng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
- Các loại thuốc trừ sâu bệnh cũng như thuốc bảo quản sẽ được dần dần loại bỏ và thay vào đó là các kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.
- Kỹ thuật đóng gói CA/MA và công nghệ chiếu bức xạ đang được kỳ vọng sẽ thay thế kỹthuật làm lạnh truyền thống để giúp kéo dài được thời gian bảo quản rau quả.
2.2.1.3. Nhật Bản
Nhật Bản là nước đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa đất nước ở châu Á ngay từ những năm cuối của thế kỷ 19. Từ một nước có nền nông nghiệp cổ truyền, tự cung, tự cấp, sản xuất manh mún, với những hộ nông dân quy mô nhỏ (bình quân 0,5 ha đất/hộ), Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới với một nền nông nghiệp và công nghiệp hiện đại, kinh tế thành thị và nông thôn đều phát triển.
Chính phủ giúp đỡ nhà nông bằng cách lập các chương trình hỗ trợ giá, nhất là đối với gạo. Chính phủ cũng dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các trường kỹ thuật nông nghiệp, các trung tâm thử nghiệm và các chương trình mở rộng. Các hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh những hoạt động tích cực kể trên của Chính phủ bằng cách cho vay với lãi xuất thấp và tiến hành tiếp thị theo nhóm ở cấp độ làng xã. Kết quả cuối cùng là hình thành một lực lượng nông dân tương đối dư giả, có học thức, được ưu đãi và có vốn cần thiết để mua giống mới cũng như phân bón để tăng sản lượng, đồng thời mua máy móc để giảm bớt nhu cầu
về lao động.
Nền nông nghiệp Nhật Bản không thể thành công nếu không có sự phổ biến của máy móc, hóa chất và những thiết bị và kỹ thuật tiến bộ giúp tiết kiệm lao động. Hiện tại việc canh tác hầu như được làm bằng máy. Các phương pháp canh tác truyền thống nhanh chóng nhường chỗ cho các máy cày, máy ủi và nhiều loại máy móc khác.
2.2.1.4. Thái Lan
Thái Lan là một quốc gia có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất trồng trọt, bên cạnh đó Thái Lan đã xây dựng một chiến lược phát triển ngành nông nghiệp đúng đắn, tập trung vào việc xây dựng ngành nông nghiệp với kỹ nghệ cao và bền vững. Nhờ đó đã đem cho Thái Lan lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Để phát triển nông nghiệp bền vững với sự ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, ngay từ năm 1999, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra chương trình phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh tốc độ giao đất cho nông dân thông qua cải cách đất đai. Kể từ năm 1998 đến nay, Thái Lan đã tiến hành cải cách đất đai trên diện tích khoảng 400.000 ha. Phân vùng sản xuất, phân canh diện tích đất. Cung cấp cho nông dân các loại giống cây khác nhau để cải thiện chất lượng cây trồng. Quản lý sau thu hoạch một cách hiệu quả. Thúc đẩy và công bố các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cấp tín dụng cho người nghèo và hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất với các chính sách lãi suất ưu đãi.
Thực hiện Chiến lược lúa gạo quốc gia 5 năm 2004 - 2008, Thái Lan tập trung nâng cao sản lượng thóc gạo thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới tăng năng suất, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu, quảng bá thị trường thóc gạo, tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao đời sống cho nông dân. Theo chiến lược này, sản lượng thóc sẽ tăng từ 25,88 triệu tấn (17,2 triệu tấn gạo) niên vụ 2002 - 2003 lên 33 triệu tấn thóc (21,8 triệu tấn gạo) vào niên vụ 2007 - 2008.
Các nông sản sạch và có giá trị kinh tế cao được chú trọng phát triển. Tại những vùng nông nghiệp gần Băng Kốc, nông dân phát triển sản xuất rau quả an toàn. Tại các vùng cách thủ đô hàng trăm cây số, các mô hình nông nghiệp tổng hợp được xây dựng, trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, phát triển cây lương thực với nuôi trồng thủy sản nhằm giải quyết vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm được giải quyết trên cơ sở phát
triển quan hệ hợp đồng giữa các công ty chế biến nông sản của Băng Kốc và các hộ nông dân ở các vùng sản xuất vệ tinh. Đặc biệt, Chính phủ Thái Lan rất quan tâm tới các chính sách tài chính, tín dụng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết ô nhiễm, nhằm thúc đẩy phát triển các vùng nông nghiệp bền vững.