Phần 2 Tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.4. Bài học kinh nghiệm
Qua các kinh nghiệm thanh niên làm kinh tế ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam, có thể thấy, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế theo các ngành nghề truyền thống là phù hợp với đối tượng thanh niên Việt Nam. Thứ nhất, bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập cho người lao động trong đó phần lớn là đối tượng thanh niên. Với hơn 1.200 làng nghề truyền thống đang tồn tại trên khắp Việt Nam, và sự đa dạng các loại ngành nghề khác nhau thì sự phát triển của làng nghề truyền thống sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho một số lượng lớn lao động. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn là làng nghề tận dụng được các loại hình lao động mà các khu vực kinh tế khác không nhận. Nó có thể khắc phục được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn. Làng nghề truyền thống cũng đem lại nguồn thu nhập cao hơn là sản xuất nông nghiệp thuần túy, đặc biệt là khi kết hợp cả sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động sản xuất của làng nghề thì thu nhập của họ cao hơn hẳn so với chỉ làm nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống còn đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng này. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mới đạt 274 triệu USD, thì năm 2006 đã đạt khoảng 650 triệu USD, năm 2007, có 714 triệu USD là xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền
thống. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đạt từ 1,5 - 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu được đóng góp từ các làng nghề truyền thống. Thứ hai, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn các làng nghề truyền thống ra đời trong bối cảnh xã hội nông nghiệp truyền thống, do đó chủ yếu phân bố ở vùng nông thôn và các vùng ven đô. Sự phát triển của các làng nghề truyền thống hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đại hóa, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Mặt hàng sản xuất của các làng nghề chính là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, bản thân nó là dạng sơ khai của công nghiệp, đồng thời việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất rõ ràng sẽ thúc đẩy công nghiệp phát triển. Làng nghề phát triển đã tạo cơ hội cho hoạt động dịch vụ ở nông thôn mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, đó là các dịch vụ vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt khi phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, đòi hỏi một số dịch vụ của vùng cũng phải phát triển để phục vụ du khách. Thứ ba, bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Làng nghề truyền thống không chỉ là một đơn vị kinh tế, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sống của cư dân đã quần tụ và gắn bó từ mấy trăm năm nay, thậm chí hàng nghìn năm. Do đó, làng nghề truyền thống chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị văn hóa này trước hết thể hiện ở ngay chính những sản phẩm của làng nghề, kết tinh những nguyên liệu truyền thống, những tri thức dân gian của cha ông để tạo ra sản phẩm, những giá trị văn hóa dân tộc và địa phương mà các sản phẩm đó thể hiện. Hơn thế nữa, không gian của làng nghề, đó chính là cảnh quan tự nhiên với những di tích văn hóa, lịch sử, những đền thờ, miếu thờ, nhà thờ tổ nghề, những giếng nước, gốc đa, cổng làng… đều là sự thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc.
Với những ý nghĩa kinh tế, văn hóa và xã hội như trong một số kinh nghiệm trên thế giới cũng như tại Việt Nam, rõ ràng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế theo ngành nghề truyền thống của địa phương là một hướng đi đúng.