LÀM KINH TẾ ĐIỂN HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TỪ SƠN
4.1.1. Khái quát về một số mô hình thanh niên làm kinh tế điển hình trên địa bàn thị xã Từ Sơn bàn thị xã Từ Sơn
4.1.1.1. Mô hình phát triển cơ sở sản xuất tái chế sắt thép ở Đa Hội
Hiện nay thị xã Từ sơn có 9 làng nghề truyền thống, trong đó làng nghề sản xuất sắt thép (nghề rèn) ở Từ Sơn chủ yếu tập trung ở phường Châu Khê, Người có công truyền nghề đẩu tiên ở đây là Quận Công Trần Đức Huệ, năm 1599 (Thời Lê Mạc) ông đã mở ấp, lập trại bên bờ sông Châu Đàm (Ngũ huyện Khê) để truyền nghề rèn cho nhân dân trong thôn. Vì thế khi làng Đa Hội phát triển được nghề đã dựng đình thờ ông là vị tổ sư nghề rèn.
Ngày xưa làng nghề Đa Hội sản xuất chính là cày, bừa, liềm hái phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngày nay đến Đa Hội chúng ta sẽ thấy không khí lao động sản xuất hừng hực, khẩn trương nơi đây. Trong làng hàng ngày hàng trăm phương tiện vận tải to nhỏ đi lại, các lò đúc, cán thép rực lửa suốt ngày đêm, tiếng ồn của các cỗ máy cơ khí nặng hàng chục tấn cắt chặt nguyên vật liệu, mùi khói khét lẹt của nguyên phế liệu bị nung chảy bụi than ở các lò đúc, cán thép bay mù mịt, người lao động khẩn trương, tích cực với hầu hết công việc nặng đã được phân công, hoạt động sản xuất diễn ra 24/24 giờ, đó thực sự là không khí của một làng sản xuất công nghiệp.
Đối với làng nghề sắt thép, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn như đinh, sắt thép cán, phôi đúc thép. Phôi đúc thép là sản phẩm trung gian của nghề sắt thép, phôi được đúc ra từ các phế liệu, sau đó từ phôi được cán ra các sản phẩm sắt thép khác như sắt chữ V, chữ I, chữ U, thép xoắn, sắt <I> các loại (phục vụ cho xây dựng), sắt vuông, sắt dẹt (phục vụ sản xuất hoa cửa, cửa xếp), sắt dây buộc, lưới B40, đinh các loại (phục vụ cho tiêu dùng dân dụng).
Hiện nay nghề sắt thép đã lan ra 5 khu phố khác ở phường Châu Khê và lan sang phường Đình Bảng, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã đem nghề mở ở các nơi khác như Đông Anh - Hà Nội, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí sang Lào và Campuchia.
4.1.1.2. Mô hình phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ
Cũng như nghề sắt thép, nghề mộc mỹ nghệ ở Từ Sơn đã có từ rất lâu đời. Đầu tiên, nghề xuất hiện ở làng Phù Khê Thượng (xã Phù Khê), đến nay nghề mộc mỹ nghệ là nghề được phổ biến rộng nhất ở Từ Sơn. Hiện nay, nghề này đã lan sang các xã khác như ở Tam Sơn, Tân Hồng, Đồng Nguyên.
Tuy nhiên, nói đến nghề mộc mỹ nghệ ở Từ Sơn người ta thường nhắc ngay đến Đồng Kỵ. Đây là làng nghề truyền thống phát triển nhất ở Từ sơn hiện nay. Đến Đồng Kỵ, quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng ta là hệ thống cửa hàng, kiốt nằm san sát dọc hai bên đường chính vào làng với rất nhiều hàng hóa sản phẩm của làng nghề được bày bán, khu vực này như một khu phố bán hàng sầm uất. Đi sâu vào làng Đồng Kỵ cũng như các làng mộc mỹ nghệ khác là các tiếng đục, chạm, máy cưa, máy bào, máy đánh giấy giáp ...
Sản phẩm nghề mộc mỹ nghệ rất phong phú, da dạng và được sự ưa chuộng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các sản phẩm đểu được sản xuất bằng các loại gỗ tốt, hao phí nhiều công lao động bởi bàn tay con người vào các công đoạn đục, chạm, khảm, hàng ngang, đánh bóng, véc ni... Các sản phẩm làm ra mang tính đơn chiếc, không mang tính chất sản xuất hàng loạt, yêu cầu kỹ thuật tay nghề cao. Ngoài các sản phẩm chủ yếu như tủ, giường, sập, bàn ghế các loại, còn có các loại sản phẩm khác như tượng, tranh, con giống, hoành phi, câu đối...
4.1.1.3. Mô hình phát triển cơ sở dệt may ở Tương Giang
Nghề dệt ở Từ Sơn tập trung chủ yếu ở xã Tương Giang, trong đó phải kể đến làng nghề truyền thống dệt Hồi Quan, sau đó đến Tiêu Long. Sản phẩm dệt Tương Giang đã nổi tiếng từ rất lâu ở Việt Nam, ra đời cách đây hàng trăm năm. Thời kì phong kiến, Tương Giang nổi tiếng với các sản phẩm vải mộc được các hộ sản xuất, các hộ buôn và các thương lái đưa đi khắp các vùng trong cả nước. Đến làng dệt truyền thống Hồi Quan vào những ngày nông nhàn, đường làng rất vắng vẻ chỉ nghe thấy các âm thanh soành soạch, cành cạch, rào rào phát ra từ các khung dệt. Từ hai làng nghề dệt truyền thống là Hồi Quan và Tiêu Long thì nghề dệt cũng phát triển sang cả 4 thôn khác trong xã. Tuy nhiên Hồi Quan vẫn là làng nghề dệt truyền thống phát triển nhất hiện nay ở Từ Sơn. Ở mô hình dệt may không phong phú và đa dạng như sản phẩm của nghề sắt thép và nghề mộc mỹ nghệ, sản phẩm của nghê dệt khá ít chủng loại chủ yếu là vải thô, khăn mặt và gạc y tế, quần áo ngoài ra một số cơ sở dệt trang bị công nghệ tốt hơn có thêm
các sản phẩm như màn tuyn, dệt kim.
Các mô hình thanh niên phát triển nghề truyền thống thị xã Từ Sơn cùng với sự phát triển về kinh tế và sự đô thị hóa nhanh đã dẫn đến sự đầu tư máy móc sản xuất thay thế sản xuất theo kiểu truyền thống, lạc hậu bằng công nghệ, máy móc tiên tiến hơn làm tăng năng suất và chất lương sản phẩm. Tuy nhiên những cơ sở sản xuất ở hai mô hình sắt thép và dệt may sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh vì những sản phẩm của làng nghề này chỉ phục vụ nhu cầu thông thường, không có tính nghệ thuật nên bị cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà máy công nghiệp hiện đại, trong khi sản phẩm lại không có thương hiệu, kiểu dáng, mẫu mã ít thay đổi. còn đối với mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ sản phẩm có tính nghệ thuật cao, không chỉ thay thế hoàn toàn bằng công nghệ sản xuất hiện đại nên có điểu kiện phát triển trong những năm tới.