Phần 2 Tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Thanh niên bắc ninh vay vốn làm nghề mộc
Nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH, hầu hết đoàn viên thanh niên thị xã đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Những hiện tượng tiêu cực trong đời sống, kinh tế đã bị đẩy lùi. Trong 8 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai ở Bắc Ninh - có tới 7 chương trình cho vay được thực hiện theo phương thức uỷ thác qua 4 hội, đoàn thể và gần 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 126 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Nổi bật là sự phối hợp giữa Thị đoàn Từ Sơn với NHCSXH thị xã Từ Sơn và phong trào đoàn viên thanh niên vay vốn, sử dụng vốn chính sách đầu tư phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề, xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Thị xã Từ Sơn vốn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống cùng với hệ thống giao thông, mạng lưới dịch vụ phát triển nhanh do vậy thanh niên nơi đây cũng sớm được tiếp cận, với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và rất năng động trong cơ chế thị trường.
Xuất phát từ những thuận lợi đó, được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của NHCSXH, Thị đoàn Từ Sơn đã triển khai công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi cho đoàn viên thanh niên. Bằng những công việc cụ thể như tư vấn, hướng dẫn thanh niên vay vốn ưu đãi, xây dựng dự án, mô hình sản xuất; khuyến khích anh chị em còn trong độ tuổi Đoàn tham gia sử dụng vốn vay ưu đãi vào làm các nghề truyền thống, mở mang nghề mới tại địa phương.
Hiện tại, Thị đoàn Từ Sơn đã thành lập, củng cố chất lượng hoạt động được 61 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các xã, phường, giúp đỡ gần 1.000 lượt đoàn viên thanh niên vay vốn chính sách; tăng nhanh vốn vay ưu đãi uỷ thác, từ 4,8 tỷ đồng năm 2007 lên 20,6 tỷ đồng năm 2009, năm 2011 tăng lên 27 tỷ đồng, năm 2015 đạt hơn 28 tỷ đồng.
Đây thực sự là nguồn trợ lực hiệu quả đối với đoàn viên thanh niên thị xã Từ Sơn trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Nhiều đoàn viên thanh niên nhờ mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, trở thành gương thanh niên làm kinh tế, đạt mức thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm.
Điển hình như anh Vũ Khắc Minh, xã Hương Mạc vay vốn mở xưởng đồ gỗ mỹ nghệ, thu hút 10 lao đồng có tay nghề; doanh nhân trẻ Đỗ Thanh Hiệp sử dụng vốn vay của NHCSXH và một số tổ chức tín dụng khác xây dựng cơ sở chế
biến nông sản - thực phẩm liên hoàn tại ngoại ô thị xã, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 50 lao động nông thôn.