Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành chính công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành tỉnh bắc ninh (Trang 34 - 37)

2.1.4.1. Các yếu tố khách quan

Thứ nhất, các nhân tố thuộc môi trường thể chế hành chính kinh tế của

nhà nước.

Môi trường chính trị và pháp luật bao gồm các luật lệ, các quy tắc và những hoạt động của các cơ quan Nhà nước có ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức. Môi trường chính trị bao gồm hệ thống luật và các văn bản dưới luật, các công cụ chính sách của nhà nước, tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành của chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội Thể chế chính trị giữ định hướng, chi phối các hoạt động trong xã hội. Môi trường chính trị, pháp luật thuộc nhóm các yếu tố vĩ mô, nó có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới hoạt động của tất cả các tổ chức.

Sự tác động của môi trường thể chế, chính trị tới hoạt đông của các tổ chức phản ánh sự can thiệp của các chủ thể quản lý vĩ mô tới hoạt động cung cấp DVHCC của cơ quan quản lý hành chính địa phương.

+ Tác động của hệ thống luật pháp tới hoạt đông của các tổ chức: Để điều chỉnh hành vi cung cấp và sử dụng DVHCC, quan hệ giữa các cơ quan quản lý hành chính địa phương với khách hàng.

+ Hệ thống các công cụ chính sách của Nhà nước cũng tác động mạnh mẽ tới hoạt đông của các tổ chức HCC. Những công cụ chính sách cũng rất nhiều, bao gồm cả những công cụ chính sách chung cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và các chính sách đặc thù về DVHCC.

+ Cơ chế điều hành của Chính phủ cũng tác động trực tiếp tới hoạt đông của các tổ chức cung cấp DVHCC. Cơ chế điều hành của Chính phủ sẽ quyết định trực tiếp tới tính hiệu lực của luật pháp và các chính sách quản lý hành chính - kinh tế. Nếu một chính phủ mạnh, điều hành chuẩn mực và tốt thì sẽ khuyến khích các hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vè DVHCC của khách hàng, doanh nghiệp. Điều hành của chính phủ còn thể hiện qua mức độ can thiệp và hình thức can thiệp của chính phủ vào các hoạt động cung cấp DVHCC. Trong xu hướng cải cách, chuyển đổi từ nhà nước cai trị sang nhà nước phục vụ thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cũng được đặt ra. Bởi lẽ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cũng tức là thước đo việc đảm bảo quyền con người, là điều kiện quan trọng đảm bảo tốt hơn quyền con người.

Thứ hai, các nhân tố thuộc môi trường kinh tế-xã hội.

Môi trường kinh tế là những đặc điểm của hệ thống kinh tế mà trong đó tổ chức hoạt động. Môi trường kinh tế trước hết phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chung về cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng. Tình hình đó có thể tạo nên tính hấp dẫn về thị trường và sức mua khác nhau đối với các DVHCC khác nhau. Môi trường kinh tế cũng bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến sức mua và cơ cấu chi tiêu của khách hàng cũng như phân bố thu nhập thực tế bình quân đầu người theo tầng lớp, vùng miền….

Môi trường kinh tế thường được đề cặp đến những yếu tố như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất, tỷ giá hối đoái, chính sách thuế. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khu vực công có những thay đổi mạnh mẽ. Ngân sách và các phương tiện đã bắt đầu được quản lý một cách chặt chẽ hơn và điều này có tác động đáng kể đến đầu tư, việc làm và chi phí hoạt động. Kết quả là cần phải quan tâm đến hai vấn đề: một mặt, đó là vấn đề lựa chọn và ưu tiên trong định hướng chính sách công, và mặt khác, vấn đề ngân sách chặt chẽ và giới hạn chi tiêu.

Mỗi tổ chức đều hoạt động trong môi trường văn hoá - xã hội nhất định. Tổ chức và môi trường văn hoá - xã hội đều có mối liên hệ chặt chẽ, có sự tác động qua lại lẫn nhau. Xã hội cung cấp những nguồn lực mà tổ chức cần, tiêu thụ những sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất ra.

Những biến đổi về dân số xã hội thường có liên quan chặt chẽ đến quy mô và đặc tính nhu cầu. Nhưng nói chung những biến đổi về dân số diễn ra chậm chạp cần được quan tâm đúng mức trong những chiến lược dài hạn. Những thay đổi của hệ thống giá trị, lối sống và những mong đợi của khách hàng đối với “chính quyền” đã có những tác động trực tiếp đến hoạt động của Nhà nước. Thực vậy, những chuyển biến này đụng chạm trước hết đến mối quan hệ “người lao động-người sử dụng lao động” (và hình ảnh chung là các công chức, viên chức của Nhà nước trong xã hội) cũng như mối quan hệ “khách hàng-nhà cung cấp” (theo tiếp cận người sử dụng các dịch vụ công.

2.1.4.2. Yếu tố chủ quan

Thứ nhất, các yếu tố cơ sở hạ tầng và khoa học - công nghệ trong tiếp cận

Bao gồm các yếu tố gây tác động ảnh hưởng tới công nghệ mới, sáng tạo sản phẩm và cơ hội thị trường mới. Các yếu tố thuộc môi trường có thể ảnh hưởng hai mặt tới các quyết định trong chiến lược kinh doanh vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng hình thành những nguy cơ cho các tổ chức. Một mặt cho phép tổ chức tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, năng suất lao động tăng tạo nên lợi thế cạnh tranh; mặt khác sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ làm chu kỳ đổi mới công nghệ diễn ra nhanh chóng. Chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển chiếm một tỷ lệ ngày càng gia tăng. Tác động của công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, ngày càng mạnh mẽ cả trong khu vực công và khu vực tư nhân, ngay cả khi tốc độ ứng dụng chưa cao. Tin học hoá và “Chính phủ điện tử” một xu hướng tất yếu của tất cả quốc gia.

Thứ hai, các nhân tố thuộc chính quyền địa phương

Cải cách được tạo ra nhờ phân cấp quản lý dựa trên hai thay đổi to lớn. Thứ nhất, hoạt động tư vấn của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng hơn và chỉ chịu sự kiểm soát sau, đặc biệt là về mặt luật pháp và tài chính. Thứ hai, chuyển giao nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là liên quan đến trách nhiệm về lãnh thổ như: qui hoạch nông thôn, phát triển địa phương, đào tạo nghề, qui hoạch đất đai, đô thị hoá...

Ở nước ta, chính quyền địa phương là một trong những nội dung có vị trí hết sức quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước cũng như trong việc cung cấp DVHCC. Chính quyền địa phương có vai trò hai mặt. Một mặt, với tư cách là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước thống nhất, chính quyền địa phương thay mặt nhà nước tổ chức quyền lực, thực thi nhiệm vụ quản lý trên lãnh thổ địa phương trong cơ cấu quyền lực nhà nước thống nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, chính quyền địa phương lại là cơ quan do nhân dân địa phương lập ra (trực tiếp và gián tiếp) để thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thứ ba, sự điều hành, quản lý của chủ thể cung cấp dịch vụ hành chính công

Những thách thức về đổi mới cấu trúc của các chủ thể cung cấp DVHCC liên quan đến toàn bộ tổ chức và các công cụ vận hành.

Về phương diện tổ chức, sự chuyển giao một số hoạt động và phương tiện giữa nhà nước và chính quyền địa phương (kết quả của phân cấp quản lý) sẽ dẫn

đến việc tổ chức lại và tái cấu trúc bên trong nhằm làm cho sự vận hành của tổ chức phù hợp hơn với những tình hình mới.

Về phương diện các công cụ vận hành, cùng với sự phát triển của công nghệ tin học quản lý và những thay đổi về địa vị của công chức, hệ thống thông tin và điều khiển của các chủ thể cung cấp DVHCC cần phải thay đổi một cách sâu sắc. Chính nguồn ngân sách công eo hẹp hơn trước nên các chủ thể cung cấp DVHCC cần được điều khiển một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn, các phương pháp đánh giá được sử dụng thường xuyên hơn. Các chủ thể cung cấp DVHCC cũng chịu áp lực trước những thay đổi về văn hóa và hành vi. Hệ thống giá trị và những qui ước truyền thống cũng bị tác động trước những thay đổi của các yếu tố môi trường (bên trong và bên ngoài) và thời đại. Trong lô gic hoạt động của các chủ thể cung cấp DVHCC, đã nhấn mạnh hơn trước vai trò của tính hợp lý. Việc chuyển ưu tiên từ “quyền lực” sang “kinh tế” đòi hỏi chủ thể cung cấp DVHCC phải đảm bảo sự cân bằng nhất định trong khi ngày càng tính đến các lô gic hay nguyên tắc quản lý.

Hành vi của các tác nhân là một thách thức to lớn đối với các chủ thể cung cấp DVHCC. Việc đảm bảo việc làm mà phần lớn trong số đó liên quan đến chủ thể cung cấp DVHCC, đã tạo ra “sức ỳ” khá lớn. Những thay đổi hoặc không thay đổi hành vi có thể là biến số đối với khả năng của chủ thể cung cấp DVHCC trong quá trình phát triển cũng như ảnh hưởng của sự phát triển này. Một thách thức quan trọng đối với chủ thể cung cấp DVHCC là phải làm sao quản lý tốt quá trình thay đổi. Khi nói đến sự thay đổi trong một chủ thể cung cấp DVHCC, cần phải hiểu đó là sự thay đổi của tất cả mọi quá trình, cải tổ một cách chủ động nhằm mục đích tạo sức cạnh tranh lớn hơn cho chủ thể cung cấp DVHCC. Sứ mệnh của nhà quản lý là phải nắm bắt được sự thay đổi và điều chỉnh nó theo hướng có lợi cho chủ thể cung cấp DVHCC. Chỉ khi đó họ mới có thể đưa tổ chức của mình đạt tới đỉnh cao của sự phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành tỉnh bắc ninh (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)