a. Phương pháp thống kê mô tả
Là phương pháp thống kê các thông tin kinh tế, vẽ biểu bảng, phân tích số liệu, chỉ số qua đó làm rõ xu hướng vận động của đối tượng điều tra.
Phương pháp này để mô tả chất lượng dịch vụ hành chính công. Từ số liệu thu thập được, sử dụng bảng tần số để mô tả các thông tin liên quan đến các yếu tố, các thuộc tính của nhóm khảo sát như: giới tính, độ tuổi, thu nhập, nghề nghiệp bằng phần mềm Microsoft Office Excel 2010 để lập các bảng tổng hợp làm cơ sở cho phân tích, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công tại tỉnh Bắc Ninh.
b. Phương pháp so sánh
Là phương pháp phân chia các hiện tượng, các quá trình quản lý thành nhiều bộ phận cấu thành. Trên cơ sở đó bằng phương pháp liên hệ, so sánh, đối chiếu và tổng hợp lại nhằm rút ra quy luật phát triển của hiện tượng nghiên cứu.
So sánh dựa trên cơ sở phân tích tổng hợp từ tài liệu thu thập được để hiểu được sâu hơn bản chất. Đối chiếu so sánh giữa cơ sở lý luận với thực tiễn trong nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Phương pháp này dùng để so sánh các yếu tố định lượng hoặc định tính. Yếu tố định tính được so sánh với nhau bằng ý chí chủ quan của người phân tích. So sánh các yếu tố giữa các thời kỳ, tính toán mức độ chênh lệch cả về số lượng tuyệt đối và tương đối.
c. Phương pháp chuyên gia
Thu thập ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực mình đang nghiên cứu bằng các biện pháp như phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn gián tiếp... Trong thời gian thực tập, đề tài có sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, gián tiếp các chuyên gia như giáo viên hướng dẫn, Giám đốc, phó giám đốc Sở, ban ngành, Trung tâm dịch vụ hành chính công…
d. Phương pháp Likert 5 mức độ
Thang đo trong nghiên cứu này dựa vào lý thuyết và các thang đo đã được kiểm định của các nghiên cứu trước. Qua nghiên cứu định tính thang đo được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của nghiên cứu, đặc điểm về văn hóa và điều kiện của bộ máy hành chính tại địa phương: Thang đo của tất cả các biến quan sát của các nhân tố trong thành phần dịch vụ hành chính công xây dựng dựa trên thang đo Liker cấp độ 5 tương ứng (theo mức độ đồng ý tăng dần):
1: Rất không đồng ý (phát biểu hoàn toàn sai) 2: Không đồng ý
3: Ý kiến trung lập 4: Đồng ý
5: Rất đồng ý (phát biểu hoàn toàn đúng)
Căn cứ vào nghiên cứu tài liệu và hỏi ý kiến các chuyên gia khẳng định các nhân tố (yếu tố) và tiêu chí (biến quan sát) phù hợp giữa thang đo lý thuyết và tình hình thực tế tại các Sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh