Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.6. Dược liệu Bồ Công Anh
2.6.3. Phân bố, thu hái và bào chế
Lactuca L. là một chi tương đối lớn, gồm những cây sống một năm, vài loài
sống nhiều năm phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới Bắc bán cầu, ở Ấn Độ có khoảng 25 loài, Việt Nam cũng có hơn 10 loài. Bồ công anh mọc ở hầu hết các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng, độ cao phân bố thường không quá 1500m. Cây cũng gặp ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippin, Indonesia.
Bồ Công Anh mũi mác (Taraxacum officinale Wigg) là cây ưa ẩm và sáng, thường mọc trên những nơi đất tương đối màu mỡ nhất là các bãi bồi ven song, vườn bỏ hoang hoặc nương rẫy. Hàng năm cây mọc từ hạt thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, cây sinh trưởng nhanh trong mùa hè, ra hoa quả vào đầu mùa thu và sau đó tàn lụi. Hạt có túm lông ở đỉnh.
Bồ Công Anh (cây diếp dại: Lactuca indica L.) mọc hoang tại nhiều tỉnh miền bắc nước ta, ít thấy trồng. Việc trồng rất dễ dàng bằng hạt. Mùa trồng vào tháng 3-4 hoặc 9-10. Có thể trồng bằng gốc, sau 4 tháng có thể bắt đầu thu hoạch.
Thường nhân dân ta dùng lá, lá hái về dùng tươi. Một số người hái cả cây, cả rễ nhỏ phơi khô để dùng (Đỗ Tất Lợi, 1991). Rửa sạch, cắt ngắn 3-5cm, phơi khô dùng. Bồ Công Anh rửa sạch, phơi khô, nấu thành cao đặc, dùng uống kết hợp với dán ngoài trong các trường hợp viêm nhọt (1ml=10g). Bồ Công Anh cũng có thể dùng tươi bằng cách rửa sạch, giã nhỏ cho vào một ít muối đắp vào chỗ bị viêm nhọt hoặc giã nhỏ hòa một ít nước sôi để nguội, vắt lấy nước uống. Để đảm bảo hoạt tính dược liệu Bồ Công Anh khi bảo quản cần được phơi thật khô bỏ vào bao tải, để nơi cao ráo, thường xuyên phơi, bị ẩm rất mau mục và mốc.