chất chống ôxi hoá từ lá tía tô
Như trên đã nêu một trong những thành phần chất chống oxy hóa chính có trong lá tía tô là chất màu anthocyanin, chất này bền, có màu đỏ và có hoạt tính sinh học cao khi tồn tại trong môi trường axit (pH < 7). Vì vậy, khi chiết tách các hoạt chất sinh học khi có chứa chất màu anthocyanin người ta thường chiết tách trong môi trường axit. Các axit thường được sử dụng để điều chỉnh độ pH của dung môi trích ly là: HCl, acetic và citric. Tuy nhiên, về vấn đề môi trường người ta thường ít sử dụng axit HCl, còn khi sử dụng axit acetic thì thường để lại hương vị khó chịu cho sản phẩm cao chiết, do vậy, chúng tôi lựa chọn axit citric để điều chỉnh độ pH của dung môi trích ly các chất chống oxy hóa từ lá tía tô. Tỷ lệ axit citric bổ sung lần lượt là 1% (pH dung môi 6), 1.5% (pH dung môi 5.2), 2% (pH dung môi 4.4), 2.5% (pH dung môi 3.7). Kết quả thí nghiệm được ghi tại hình 4.5.
Hình 4.5. Ảnh hưởng của pH dung môi trích ly đến quá trình chiết tách các chất chống ôxy hóa từ lá tía tô
(Chú thích: Những cột có màu giống nhau có các chữ cái khác nhau thì khác nhau có nghĩa ở mức ý nghĩa α = 5%) (phụ lục )
Qua kết quả nghiên cứu thu được có thể nhận thấy độ pH của dung môi trích ly có ảnh hưởng lớn đến hiệu suất chiết tách (nhất đối với nhóm chất flavonoid) và chất lượng sản phẩm chiết tách (cao chiết). Từ đồ thị ta thấy khi bổ sung axit citric ở tỉ lệ 2% và 2.5% hiệu suất chiết tách không có sự sai khác ở mức ý nghĩa α = 5%. Chúng tôi lựa chọn độ pH của dung môi thích hợp cho việc chiết tách các chất chống oxy hóa từ lá tía tô khoảng 4,4 (bổ sung 2% axit citric) vì khi tăng thêm axit hiệu suất và chất lượng chiết tách tăng không đáng kể.