Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm trên thế giới về bảo hiểm nông nghiệp
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Thái Lan
Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp Thái Lan được khởi xướng từ năm 1978 với sự hợp tác giữa Chính phủ và các công ty bảo hiểm tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro bởi lũ lụt và hạn hán cho nông dân. Sau đó, bảo hiểm cho tất cả các rủi ro đối với cây ngô, lúa và đậu tương được thực hiện vào năm 1990. Tuy nhiên, kết quả thu được từ các chương trình bảo hiểm này không được như mong đợi vì phí bảo hiểm thu được ít hơn so với các khoản thanh toán bồi thường. Theo Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) mức bồi thường đã có xu hướng tăng cao hơn số phí bảo hiểm thu được, từ 7,43% (năm 2007) lên 67,88% (năm 2010) và 145,31% (năm 2011) do thiên tai xảy ra gia tăng ở nhiều nơi hơn nên đẩy cao mức phí bồi thường. Thái Lan thực hiện bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân. Phạm vi bảo hiểm áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây trồng thương mại... Mức bồi thường chiếm từ 60% - 90% của sản lượng trung bình. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị… Hình thức bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư của nhà nước khá công phu, các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan được hỗ trợ, được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí... Ngân sách nhà nước Thái Lan đã hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, họ luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân. Ví dụ: trước tình hình hạn hán nặng nhất trong gần hai thập niên qua (2000-2016), chính phủ Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu. Năm 2015, Chính phủ đã duyệt cấp 320 triệu USD để khuyến khích nông dân trồng các loại cây ít nước, giãn thời gian trả nợ vay. Năm 2016, Chính phủ đầu tư 285 triệu USD để ổn định giá cả và tái đào tạo nông dân, kể cả những người sản xuất gạo jasmine nổi tiếng của Thái. Nông dân được vận động tham
gia các khóa học với nội dung đa dạng từ kế toán đến chăn nuôi gia cầm được Chính phủ mở ra nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Năm 2016, chính phủ Thái Lan tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm lúa gạo “được mùa”. Chương trình này nhận bảo hiểm những thất thoát từ lũ lụt, hạn hán, bão, sâu bệnh. Dự báo, năm 2017, chương trình bảo hiểm cho hơn 480.000 ha ruộng lúa của Thái Lan và mức đền bù có thể sẽ còn cao hơn. Đây là sự hỗ trợ mang tính bền vững, có định hướng, tăng tính chủ động từ nông dân (Hà Nam, 2017).
2.2.1.2. Kinh nghiệm của Hoa Kì
Chương trình bảo hiểm cây trồng liên bang từ năm 1938 - là chương trình liên kết giữa chính phủ liên bang và các doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ Mỹ có một cơ quan riêng biệt đứng ra bảo hiểm cho những khu vực có tính rủi ro cao. Việc thiết kế sản phẩm cũng theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia xây dựng sản phẩm và sau đó là người phân phối trực tiếp sản phẩm này. Để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và xé nhỏ thị trường, nước này đã thiết kế một sản phẩm chung dành để các doanh nghiệp cung ứng cho người nông dân. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm không phải cạnh tranh về giá thành cũng như cạnh tranh về nhiều yếu tố khác. Với doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài một số hỗ trợ phụ khác, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này. Điều đáng nói hơn cả là nước Mỹ có một chương trình bảo hiểm đặc biệt mà ở đó, người nông dân có thể được bồi thường với giá thành sản phẩm cao hơn trong trường hợp giá nông sản tăng vào cuối vụ mùa (An Nhiên, 2017).
Tại Hoa Kỳ, giá ngô và giá đậu nành thường tăng cao khi có hạn hán xảy ra. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở nước này khá hoàn hảo, tính đến cả yếu tố sản lượng lẫn giá thành. Tuy nhiên, đổi lại người nông dân cũng phải cam kết rằng, nếu họ không tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia thì cũng không được tham gia vào bất kỳ chương trình phòng chống thiên tại có tính thương mại nào khác.Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ bằng nhiều cách: cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm (cho cây trồng một tỷ lệ phí khoảng từ 48% đến 67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%). Chính phủ cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường chỉ bằng 60% giá trị thị trường dự tính. Ngoài việc
hưởng miễn phí theo hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản nói trên, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang – tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khỏan ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm. Kết quả, tại Mỹ có tới 85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp (An Nhiên, 2017).
2.2.1.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Chính sách “Tam Nông” ra đời năm 2004 nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, cải thiện đời sống kinh tế xã hội cho nông dân ở các vùng nông thôn. Trong số các biện pháp được thực hiện thì bảo hiểm nông nghiệp được xem là một công cụ tài chính quan trọng trong việc ổn định thu nhập của nông dân và cải thiện khả năng phục hồi sản xuất của hộ sau khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ năm 2007 đến nay, Nhà nước Trung Quốc đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân. Do vậy thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt từ năm 2007. Tỷ lệ thâm nhập thị trường là 10% trên tổng diện tích cây trồng, và 80% cho lợn nái. Tỷ lệ tổn thất trung bình giai đoạn 2003-2009 là 55%. Từ năm 2007 đến nay, trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của chính phủ Trung Quốc lên tới 30 tỷ NDT (khoảng 4,8 tỷ USD) (Đảng cộng sản Việt Nam, 2015).
Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn 16 tỉnh để cung cấp bảo hiểm cho cây trồng. Bảo hiểm cho lợn nái và bò sữa được bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2010 tổng trợ cấp tối đa khoảng 55% cho lâm nghiệp, 80% cho lợn nái sinh sản, từ 60%- 65% bảo hiểm cho hầu hết các sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Trong một số trường hợp chi phí cho giám định bảo hiểm thiệt hại vật nuôi có thể do chính quyền cấp tỉnh chi trả. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tài chính cho việc thiết lập mới các công ty bảo hiểm nông nghiệp cấp tỉnh và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được miễn thuế. Tái bảo hiểm công cộng (trợ cấp hoàn toàn) được cung cấp bởi công ty tái bảo hiểm bổ xung của Trung Quốc chỉ
cho các loại cây trồng hay vật nuôi cụ thể, hoặc từ Chính quyền các tỉnh hoặc từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề như khó khăn trong cân đối nguồn tài chính hỗ trợ mua bảo hiểm cho nông dân: Trong thực tế số tiền mà nông dân bỏ ra để mua bảo hiểm nông nghiệp chỉ bằng từ 10-30% tổng phí mua bảo hiểm nông nghiệp, còn lại số tiền trợ cấp chiếm từ 70-90%. Chính quyền cấp tỉnh của nhiều địa phương cũng đã và đang gặp phải khó khăn trong việc cân đối ngân sách để hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp (Đảng cộng sản Việt nam, 2015).