Quản lý cho vay của một số ngân hàng thương mại trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 44 - 47)

Với mục đích phòng ngừa rủi ro, NHTM các nước tập trung tìm các biện pháp tạo ra hành lang an toàn cho hoạt động tín dụng, các biện pháp này có xu hướng mang tính thống nhất giữa các nước, tuy sự vận dụng có khác nhau tuỳ theo đặc điểm, điều kiện của mỗi nước mà điển hình là Hiệp ước BASEL ký tháng 6/1998 giữa 12 quốc gia công nghiệp. Nội dung chính của hiệp ước là tiêu chuẩn hoá những đòi hỏi về vốn ngân hàng trên phạm vi quốc tế, cụ thể: theo hiệp ước này các tài sản “Có” và những hoạt động ngoài bảng quyết toán tài sản của ngân hàng được ghi rõ làm 04 loại. Mỗi loại được xác định với một tỷ trọng

rủi ro thích hợp (0, 20, 50 hoặc 100%) để phản ánh mức độ rủi ro của loại ấy. Ngoài ra ngân hàng còn phải thoả mãn 02 đòi hỏi về vốn đó là:

- Vốn nòng cốt (tương ứng với vốn cổ phần của cổ đông) bằng 4% tổng tài sản có được hiệu chỉnh đúng theo rủi ro.

- Tổng vốn (vốn cổ phần các khoản tiền dự phòng mất tiền vay, các công cụ vay nợ khác) bằng 8% tổng tài sản có được hiệu chỉnh đúng theo rủi ro.

Hiện nay nhiều nước đã vận dụng nội dung này trong việc quản lý tín dụng tuy mức độ có khác nhau (Nguyễn Thị Mai Phương, 2015).

Thái Lan: Xếp loại tài sản có thành 03 loại: Tổn thất, có nghi ngờ, kém tiêu chuẩn. Quỹ dự phòng được lập cho các khoản tín dụng bị xếp loại tín dụng có nghi ngờ ở mức tỷ lệ 50% và nợ mất trắng ở mức 100%. Nợ kém tiêu chuẩn ngân hàng được xử lý. Ngoài ra, Giám đốc ngân hàng cần chú ý tới các khoản nợ cần lưu ý để sớm đưa ra giải pháp nhằm đưa những khoản nợ này thành những khoản nợ bình thường (Nguyễn Thị Mai Phương, 2015).

Malaysia: Các NHTM đều có quỹ dự phòng chung ít nhất bằng 1% tổng dư nợ. Ngoài ra còn có quỹ dự phòng đặc biệt cho các khoản tổn thất hoặc nghi ngờ. Việc thành lập quỹ dự phòng đặc biệt theo hướng đã xếp loại nợ:

- Nợ tổn thất: Là nợ không có khả năng thu hồi. Số tiền này cần được xoá sổ hoặc được bù đắp bằng quỹ dự phòng. Số tiền bù đắp = Số tiền còn nợ - các khoản lãi gộp - tài sản thế chấp có giá trị.

- Nợ có nghi ngờ: Là nợ coi như không có khả năng thu hồi. Vì vậy khó có thể đánh giá số tiền có thể mất nên người ta đặt một tỷ lệ mặt bằng là 50%. Số tiền được bù đắp = 50% số tiền nợ - lãi theo nhập gốc - tài sản thế chấp có giá trị.

- Nợ kém tiêu chuẩn: Là nợ có mức độ rủi ro cao nhưng không thể đánh giá là nợ tổn thất hay có nghi ngờ (vì tình hình tài chính xấu đi hoặc tài sản thế chấp thiếu hoặc có yếu tố dẫn đến người vay không trả được nợ). Đối với khoản nợ này, ngân hàng phải chú ý thu hồi bớt nợ, bổ sung tài sản thế chấp, thường xuyên theo dõi thông tin để có giải pháp thích hợp (Trần Thanh Sơn, 2016).

Pháp: Để đảm bảo an toàn tín dụng, Luật ngân hàng quy định các tổ chức tín dụng phải chấp hành các chỉ tiêu về quản lý nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng chi trả và khả năng sẵn sàng thanh toán cũng như sự cân bằng về cơ cấu tài chính

của họ. Đặc biệt là các tổ chức này phải luôn tuân thủ các hệ số bù đắp và phân tán rủi ro. Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên chấp hành các hệ số sau đây:

- Hệ số khả năng thanh toán (vốn tự có/toàn bộ tài sản có rủi ro nội bảng và ngoại bảng của tổ chức) quy định là 8%.

- Hạn mức cho vay một khách hàng hay một tập đoàn tối đa không vượt quá 40% vốn tự có, tổng số rủi ro đối với mỗi khách hàng có mức độ rủi ro mỗi người là 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng trở lên, tối đa không vượt quá 80% vốn tự có của tổ chức này.

- Hệ số giữa vốn tự có và nguồn vốn thường xuyên ít nhất là 60% giữa tổng số nguồn vốn có thời hạn còn lại hơn 5 năm với tổng số sử dụng vốn cũng có thời hạn còn lại trên 5 năm.

- Thi hành các công tác tín dụng.

Có hệ thống quản lý nội bộ NHTM vừa để kiểm tra sự phù hợp của các nhiệm vụ và quy tắc nội bộ với các điều kiện pháp quy hiện hành và tập quán nghề nghiệp, vừa giám sát chất lượng thông tin tài chính được phỗ biến cho các bộ phận thừa hành và kế hoạch cũng như cho các cấp giám sát hay cho những người thứ ba (Trần Thanh Sơn, 2016).

Mỹ: Không phải tất cả các loại tín dụng đều được xếp loại, chỉ buộc phải xếp loại khi các nguồn thu để trả nợ không đủ và khi thanh lý nợ có nhiều rắc rối. Các khoản tín dụng được xếp thành 04 loại: Những khoản tín dụng đáng lưu ý, những khoản nợ kém tiêu chuẩn, các khoản nợ có nghi ngờ, các khoản tín dụng bị mất trắng.

Quỹ dự phòng tổn thất cho vay được trích từ chi phí và được duy trì ở mức vừa đủ để trang trải các khoản tổn thất đã biết trong cơ cấu tín dụng. Ngoài ra ngân hàng ở Mỹ có đặc điểm sau:

- Để tránh rủi ro do sự lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức, quản lý tiền cho vay được xây dựng theo nguyên tắc: Sàng lọc, giám sát, thiết lập các mối quan hệ khách hàng lâu dài, các mức tín dụng, yêu cầu thế chấp và những yêu cầu về số dư đền bù và sự hạn chế tín dụng.

- Phần lớn các NHTM đều thực hiện cho vay trên cơ sở kỳ phiếu. Mức cho vay bằng 75% tổng giá trị kỳ phiếu. Đến hạn nếu người phát hành kỳ phiếu không trả được nợ, ngân hàng có thể khởi tố theo luật tố tụng. Lệ phí tố tụng rất cao nên hầu như không có kỳ phiếu quá hạn.

Các bộ phận nghiệp vụ chịu trách nhiệm phân tích, phát hiện các khoản vay không hoạt động. Căn cứ vào kết quả thanh tra để loại khỏi tài sản những khoản Nợ quá hạn không có khả năng trả.

Để ngăn ngừa các vụ vỡ nợ ngân hàng, số vốn tối thiểu đối với ngân hàng được quy định 3% tổng tài sản có của ngân hàng đối với ngân hàng mạnh và 6% đối với ngân hàng khác...

Từ một số nét về tình hình quản lý tín dụng ở một số nước, có thể rút ra một số bài học sau:

- Một là: Vấn đề an toàn trong hoạt động cho vay là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các NHTM.

- Hai là: Chú trọng và tăng cường công tác thông tin, sàng lọc thông tin và tập hợp những thông tin tin cậy sẽ giúp cho ngân hàng tìm được người vay có triển vọng. Muốn vậy, kinh doanh ngân hàng phải gắn liền với thông tin và cung cấp thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là quản lý tín dụng phải tập trung vào công tác phòng ngừa, tăng cường chất lượng khâu thẩm định ban đầu cũng như giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng tiền vay để giảm tối đa các khoản nợ bị mất mát.

- Ba là: Quản lý tín dụng tập trung quản lý tài sản có. Thông qua việc xếp loại các tài sản có và trích lập quỹ dự phòng, NHTM vừa giám sát được chất lượng cho vay vừa có biện pháp kịp thời để bù đắp rủi ro mất vốn, đảm bảo khả năng thanh toán khi cần thiết.

- Bốn là: Chất lượng cho vay sẽ được cải thiện nếu môi trường pháp lý đầy đủ, nghiêm minh có các chỉ tiêu đầy đủ, cụ thể được định lượng hoá thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra áp dụng các hình thức tín dụng phù hợp với khả năng rủi ro của khoản tiền cho vay.

- Năm là: Tuân thủ một cách nghiêm ngặt về các chỉ tiêu quản lý nợ, trích các quĩ dự phòng rủi ro... đã được đặt ra theo quy định, thông lệ, điều kiện của từng nước, từng Ngân hàng cũng là một việc làm cần thiết và hữu ích trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cho vay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)