Các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 81 - 84)

4.2.1.1. Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội

Môi trường kinh tế

Trong những gần đây, tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá cả hàng hoá đầu vào địa phận Bắc Ninh, KCN Tiên Sơn liên tục gia tăng, lãi suất huy động và

cho vay cũng liên tục thay đổi,.... Nền kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn nhân lực, tăng vốn đầu tư chứ chưa tập trung tăng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả lao động nên chất lượng tăng trưởng thấp và chưa thật vững chắc. Do có những biến động mặc dù Nhà nước Việt Nam đã cố gắng nhưng đơn giá tiền lương của các CBNV hiện nay tương đối thấp không đủ để tái sản xuất sức lao động. Nếu họ có nhu cầu vay vốn thì cán bộ tín dụng của Ngân hàng cũng e ngại do ý thức và khả năng trả nợ không cao, thu nhập lại không được thanh toán qua tài khoản Ngân hàng do đó nếu họ không đến trả nợ, Ngân hàng sẽ khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Tình hình biến động về lãi suất, giá vàng, giá ngoại tệ diễn ra theo từng giai đoạn của nền kinh tế ... đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các Ngân hàng. Phát triển tín dụng trong bối cảnh như thế này là một bước đi mạo hiểm buộc các Ngân hàng phải có những chính sách phát triển linh hoạt, tăng trưởng hay thắt chặt tín dụng, mở rộng cho vay theo từng đối tượng khách hàng trong từng giai đoạn nhất định để đảm bảo an toàn.

Môi trường văn hoá- xã hội

Thói quen và tập quán trong tiêu dùng của người Việt Nam là tiết kiệm, tích luỹ đủ thì mới chi tiêu. Hầu hết các cá nhân cho rằng vay Ngân hàng là không tốt, họ không muốn ai biết mình phải đi vay Ngân hàng, thậm chí không muốn để lộ ra là mình đi vay. Bởi người Việt Nam có quan niệm rằng làm ăn không tốt mới đi vay. Ngay cả tầng lớp trí thức, có mức thu nhập cao cũng chưa quen với việc chi tiêu trước, trả tiền sau, đáp ứng ngay nhu cầu tiêu dùng hiện tại bằng các khoản thu nhập trong tương lai. Trong số những người sử dụng dịch vụ Ngân hàng thì có 61% là do người quen giới thiệu, do đó người dân ít có mối quan hệ với Ngân hàng.

Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp vẫn thực hiện trả lương bằng tiền mặt. Số lượng các doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản không nhiều. Điều này làm hạn chế để phát triển sản phẩm CVKHCN sử dụng nguồn trả nợ là lương.

4.2.1.2. Môi trường pháp lý

Hoạt động CVKHCN trên thế giới phát triển là do các nước này đã xây dựng được một hệ thống Luật pháp đồng bộ và rõ ràng. Ở Việt Nam môi trường pháp luật còn chưa hoàn thiện hoặc cách thức thi hành còn chưa đảm bảo tính thời gian, tính nghiêm minh gây rủi ro đối cho Ngân hàng. Ví dụ như:

+ Khó khăn vướng mắc trong việc nhận TSĐB nợ vay: Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 quy định về đảm bảo tiền vay của các TCTD: TSĐB nợ vay phải được xác định giá trị tại thời điểm ký hợp đồng đảm bảo. Do đó, đối với tài sản hình thành trong tương lai thì không xác định được giá trị tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng vì khi đó tài sản chưa hình thành. Điều này gây trở ngại về việc tiếp cận vốn vay cho những khách hàng mua nhà của các dự án hình thành trong tương lai, hoặc mua ô tô trả góp mà dùng chính tài sản đó làm tài sản thế chấp.

+ Trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ: Thời gian đăng ký trong 7 ngày và cung cấp thông tin sau 3 ngày đối với các đăng ký giao dịch đảm bảo. Trong nhiều trường hợp khách hàng có nhu cầu giải ngân sớm, với thời hạn, thủ tục đăng ký Ngân hàng trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ tín dụng của Ngân hàng với khách hàng, làm mất đi cơ hội kinh doanh cho Ngân hàng.

+ Việc triển khai thực hiện các nội dung về đăng ký giao dịch bảo đảm tuân thủ theo Bộ luật Dân sự, Nghị định 163/2006/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của các cơ quan ban ngành liên quan chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Tại một số nơi khi thực hiện đăng ký thế chấp, bão lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không chứng thực kết quả thẩm tra với hợp đồng thế chấp, bảo lãnh.

+ Việc phát mại tài sản thế đòi hỏi khá nhiều thủ tục, thời gian và chi phí mà Ngân hàng phải chịu rủi ro rất nhiều.

+ Thêm vào đó vấn đề tố tụng trước toà hiện nay còn kéo dài và qua nhiều giai đoạn, dễ dàng tạo điều kiện cho con nợ có ý đồ, đồng thời gây thiệt hại cho Ngân hàng. Thời gian tố tụng kể từ khi khởi kiện cho đến khi quyết định của toà án có hiệu lực thi hành rồi cho đến khi phát mại được tài sản thu hồi nợ thường kéo dài gần một năm, chưa kể trường hợp có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điều 38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án. Tình trạng này đã làm cho Ngân hàng chịu đọng vốn trong lúc Ngân hàng phải chịu lãi suất huy động cho người gửi. Đây là thiệt hại lớn cho Ngân hàng chưa kể chi phí phát sinh trong thủ tục tố tụng.

4.2.1.3. Đối thủ cạnh tranh

Nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường cho vay khách hàng cá nhân tại Việt Nam, các NHTM đều hướng vào mục tiêu đó, sự canh tranh diễn ra rất gay gắt.

Đầu tiên là sự cạnh tranh của các Ngân hàng nước ngoài. Ngày càng có nhiều Ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam. Lợi thế của họ là vốn lớn, có tiềm lực tài chính và quản lý. HSBC đã được NHNN chính thức cho phép thành lập Ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, trở thành Ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 20% cổ phần tại một Ngân hàng trong nước sau khi nâng cổ phần sở hữu tai Techcombank từ 14.4% lên 20%. Điều này cho phép HSBC mở rộng sức ảnh hưởng và gia tăng tầm hoạt động của mình. Đặc biệt, tầng lớp có thu nhập cao, làm việc tại các tổ chức nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển sang vay vốn và sử dụng dịch vụ Ngân hàng nước ngoài. Các Ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ… cũng đang lên kế hoạch phục vụ khách hàng cá nhân tại Việt Nam làm sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng với các Ngân hàng nội. Những Ngân hàng nước ngoài này hơn hẳn các NHTM trong nước về vốn, trình độ quản lý, nền tảng công nghệ và đã thực sự trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Họ có thể chấp nhận chi phí hoạt động cao để tạo ra những điều khoản ưu đãi, thu hút các khách hàng mới thiết lập quan hệ với Ngân hàng mình. Kết quả của sự xuất hiện thêm nhiều Ngân hàng nước ngoài làm cho thị phần cho vay cá nhân của Ngân hàng trong nước bị chia sẻ.

Ngoài ra, sự cạnh tranh với Ngân hàng trong nước cũng ngày một khắc nghiệt: với xu thế cổ phần hoá hiện nay, hàng loạt các NHTM cổ phần ra đời và hoạt động rất năng động luôn đưa ra được những sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Các Ngân hàng như: ACB, Techcombank, Sacombank, VP bank… đều đưa ra những danh mục sản phẩm rất đa dạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)