Quản lý cho vay của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 47 - 50)

2.2.2.1. Ngân hàng TMCP Quân đội

Việc quản lý hoạt động cho vay các KHCN tại Ngân hàng TMCP Quân đội hiện tại cũng được phân công chức năng rõ ràng giữa các bộ phận, độc lập trong quá trình giải quyết và giảm sát các khoản cấp tín dụng.

Từ cấp các Chi nhánh trở lên mới được thực hiện cho vay KHCN, trường hợp khách hàng có đến Phòng giao dịch đề xuất nhu cầu vay thì Phòng giao dịch có trách nhiệm giới thiệu khách hàng lên gặp Chi nhánh gần nhất để Chi nhánh tiếp xúc khách hàng, khai thác thông tin để cấp tín dụng.

Tại Chi nhánh có trách nhiệm tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, thu thập toàn bộ hồ sơ, thẩm định khách hàng, làm tờ trình thẩm định trình lên Phòng thẩm định và phê duyệt Hồ sơ tại Hội sở.

Tại Phòng thẩm định và phê duyệt Hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ và đưa ra các ý kiến độc lập với Chi nhánh, sau đó chuyển lên Chuyên gia phê duyệt (với những khoản tín dụng nhỏ) và Hội đồng tín dụng (với những khoản tín dụng lớn) để phê duyệt/Từ chối hồ sơ.

Sau khi hồ sơ được phê duyệt Phòng thẩm định sẽ thông báo hồ sơ về Chi nhánh, Chi nhánh có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang phòng Giản ngân và thu nợ để thực hiện các bước: nhập kho tài sản, soạn hợp đồng tín dụng, Khế ước nhận nợ, hồ sơ giải ngân... để giải ngân cho khách hàng.

2.2.2.2. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Từ năm 2011 trở về trước, Vietcombank thực hiện theo mô hình quản lý tín dụng phân tán. Theo đó, các phòng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, phòng giao dịch tại chi nhánh thực hiện tất cả các bước của quy trình đối với khách hàng cá nhân đủ điều kiện trong mức ủy quyền phán quyết (chi nhánh tìm kiếm, thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân, giám sát, thu nợ). Phòng Quản lý rủi ro tại chi nhánh chỉ có vai trò thẩm định rủi ro độc lập trong một số trường hợp, chủ yếu ý kiến chỉ để cảnh báo và có tính chất tham khảo. Trường hợp vượt mức ủy quyền phán quyết hoặc khách hàng không đủ điều kiện chi nhánh sẽ trình Hội sở tái thẩm định. Phòng Quản lý rủi ro tại hội sở có vai trò như ở chi nhánh.

Bước sang năm 2012, Vietcombank có sự chuyển đổi mô hình quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, phòng khách hàng tại chi nhánh và trụ sở chính chỉ có chức năng kinh doanh, thực hiện tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, lập báo cáo đề xuất tín dụng mà không còn chức năng thẩm định như trước. Trên cơ sở thu thập thông tin do phòng khách hàng cung cấp và các thông tin cần thiết khác, phòng Quản lý rủi ro tại chi nhánh đóng vai trò chủ yếu trong việc thẩm định để trình Ban lãnh dạo Chi nhánh/Hội đồng tín dụng cơ sở/ trình Hội sở chính quyết định.

Đối với trường hợp vượt mức ủy quyền phán quyết hoặc khách hàng không đủ điều kiện, chi nhánh trình Trụ sở chính, phòng đầu mối thực hiện tái thẩm định là phòng Quản lý rủi ro tín dung, đầu tư, phòng Khách hàng tại trụ sở chính có vai trò thu thập các thông tin cần thiết về khách hàng làm cơ sở lập báo cáo đề xuất tín dụng gửi phòng Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư. Đây là bước đệm để tiến tới tách biệt hẳn chức năng quản lý rủi ro và tác nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Từ tháng 1/2013, Vietcombank một lần nữa có sự chuyển đổi trong mô hình, tại đó có sự tách biệt hoàn toàn 3 chức năng: Kinh doanh, Tác nghiệp và Quản lý rủi ro. Phòng Khách hàng/ Phòng Giao dịch tại chi nhánh chỉ có chức năng kinh doanh: tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, lập báo cáo đề xuất, thu nợ. Việc kiểm soát thẩm định để cấp Giới hạn tín dụng tập trung lên phòng Đánh giá xếp hạng và phê duyệt Giới hạn tín dụng Trụ sở chính, không còn phòng Quản lý rủi ro và Hội đồng tín dụng cơ sở. Việc kiểm soát thẩm định khoản tín dụng, giải ngân tập trung về Phòng kiểm soát và Phê duyệt tín dụng.

Từ tháng 4/2013 đến nay, toàn bộ việc kiểm soát thẩm định tập trung về phòng Đánh giá xếp hạng và phê duyệt giới hạn tín dụng. Phòng kiểm soát và phê duyệt tín dụng đổi tên thành Phòng kiểm soát giải ngân, không còn chức năng kiểm soát thẩm định mà chỉ kiểm soát chứng từ và các điều kiện trước giải ngân.

Về quản lý cho vay nói riêng và quản trị rủi ro nói chung, các ngân hàng ở Việt Nam đang tìm kiếm các mô hình mới, các mô hình xếp hạng liên tục có thể áp dụng qua các chu kỳ kinh tế. Thêm vào đó là xây dựng một hệ thống đánh giá, phân tích, xếp hạng tín dụng các khách hàng hỗ trợ các tổ chức tín dụng xây dựng các chính sách tín dụng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong trong hoạt động của các ngân hàng và đề xuất những thay đổi phù hợp cho những phương pháp đang được áp dụng.

Thông tư 02/2013/TT-NHNN là quy định hiện hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam để quản lý hoạt động cho vay ngân hàng. Thông tư yêu cầu, cùng với các quy định khác, các ngân hàng phải xây dựng một phương pháp xếp hạng nội bộ cho mỗi đơn vị xin vay vốn, phương pháp phải được hội đồng quản trị chấp thuận, được tích hợp với các hệ thống ngân hàng và thông báo cách tiếp cận lên Ngân hàng nhà nước. Đây là bước tiến đúng hướng để có được hoạt động quản lý cho vay đáng tin cậy.

2.2.3. Bài học kinh nghiệm rút ra về quản lý cho vay khách hàng cá nhân cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Khu công nghiệp Tiên Sơn

- Một là, Ngân hàng nên phòng thủ thanh khoản bằng cách đưa ra các kịch bản cụ thể về rủi ro thanh khoản. Mỗi kịch bản có gói giải pháp riêng để nếu gặp rủi ro thanh khoản sẽ chủ động nguồn tiền bù đắp sự thiếu hụt.

- Hai là, Ngân hàng cũng cần quan tâm đến công tác quản trị nội bộ. Quản trị nội bộ tốt sẽ giúp ngân hàng hoạt động tốt vì chủ động nắm bắt những biến động trên thị trường. Để quản trị nội bộ tốt, từ các cấp cao nhất của ngân hàng phải xây dựng được cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn các giao dịch tiềm ẩn rủi ro, không phù hợp với quy định, song hành với việc đổi mới công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng.

- Ba là, Ngân hàng nên có một hội đồng quản trị rủi ro và cùng nhau tạo ra cơ chế phối hợp hành động rõ ràng để đảm bảo cùng nhau có được những quyết định quản trị nói chung và quản lý cho vay đồng bộ, chính xác và hiệu quả nhất.

- Bốn là, Ngân hàng nên thường xuyên cập nhật và áp dụng các tiến bộ và giải pháp mới nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

- Năm là, Ngân hàng tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu quản lý nợ, trích các quỹ dự phòng rủi ro theo quy định, đề ra phương án xử lý các khoản nợ xấu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh khu công nghiệp tiên sơn (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)