Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Phân tích chuỗi giá trị lợn thịt sử dụng nấm men bia thải
4.1.3. Tính hiệu quả của toàn chuỗi
4.1.3.1. Khả năng đáp ứng và tính linh hoạt
Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng sản lượng bia tiêu thụ đạt 4 tỷ lít, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu,
đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2018, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bố rộng khắp các vùng miền với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít bia, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia (Sài Gòn Giải phóng, 2018). Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% đến 15%/năm, mục tiêu của ngành bia đến 2025 là khoảng 6 tỷ lít/năm (Chính sách quốc gia, 2012).
Theo đó, sinh khối nấm men thu được từ ngành bia là rất lớn, sản xuất 1.000 lít bia thu được khoảng 12 kg nấm men sệt tương ứng với 1,5kg nấm men khô trong đó chứa khoảng 700 g protein. Với sản lượng 2,5 – 3 tỷ lít bia/năm, sinh khối nấm men bia thu được sẽ vào khoảng 3.500 – 4.000 tấn (Phạm Quỳnh Trang, 2012). Lượng lớn sinh khối nấm men bia tạo ra nếu không đươc sử dụng sẽ gây ra lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Số liệu bảng 4.2 và 4.3 cho thấy tiềm năng cung cấp bã men bia thải để chế biến chiết xuất nấm men của các cơ sở sản xuất bia trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Bên cạnh đó, thủ đô Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, giao thông thuận tiện cùng với sự phát triển của các nhà máy bia các tỉnh lân cận thì đây có thể xem là lợi thế trong việc đảm bảo tính sẵn có và tính linh hoạt của nguồn nguyên liệu sản xuất chiết xuất nấm men.
Ngoài ra, do tính thời vụ trong sản xuất bia (sản lượng mùa hè gần gấp đôi sản lượng mùa đông) nên nguồn cung cấp nấm men bia thải, mặc dù được cung cấp quanh năm, nhưng cũng chịu sự chi phối của tính thời vụ trong sản xuất bia. Để đảm bảo tính liên tục của sản xuất chiết xuất nấm men đòi hỏi sự phát triển và tính đáp ứng của thiết bị công nghệ trong việc duy trì chất lượng men bia thải để không ảnh hưởng đến chất lượng của chiết xuất nấm men.
4.1.3.2. Tính hiệu quả của chuỗi giá trị
Kết quả phân tích từng tác nhân trong chuỗi chỉ ra rằng, khi tham gia liên kết chuỗi các nhà máy sản xuất bia và các cơ sở chăn nuôi đều có lợi. Các nhà máy sản xuất bia thu lợi (1.140.300.000 đồng vào năm 2016) từ việc tiết kiệm chi phí xử lý bã men bia thải (355.700.000 đồng), đồng thời thu lợi từ việc sản xuất và bán chiết xuất nấm men (784.600.000 đồng). Trong khi đó ở các cơ sở chăn nuôi (trong phạm vi nghiên cứu này quy mô chăn nuôi là 46 con/công thức thức ăn với chu kỳ chăn nuôi là 120 ngày), cứ 100kg lợn hơi xuất chuồng (tương
đương với trọng lượng xuất chuồng của 1 con lợn thịt), người chăn nuôi lãi từ 1.884.196,9 đồng (ĐC), 1.921.003,7 (TN3), 1.934.325,4 (TN1) đến 1.967.594,5 đồng (TN2). Tính trung bình một năm với 3 lứa lợn thịt, người chăn nuôi có thể lãi từ 5.802.976,1 đồng (ĐC), 5.763.011,0 đồng (TN3), 5.802.976,1 đồng (TN1) đến 5.902.783,4 đồng (TN2).
Mặc dù vậy, có thể thấy rằng lợi ích kinh tế khi tham gia chuỗi liên kết rất khác nhau giữa các tác nhân. Không chỉ thu được lợi ích thấp hơn nhiều so với các nhà máy sản xuất bia, người chăn nuôi thường xuyên đối mặt với rủi ro trong chăn nuôi: lợn chết, dịch bệnh, biến động giá thức ăn chăn nuôi, giá lợn giống và giá bán lợn thịt thương phẩm...Để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chuỗi, các nhà máy bia cần thiết phải chia sẻ lợi ích và rủi ro cho các tác nhân khác thông qua một cơ chế chia sẻ lợi ích.
Về mặt môi trường, nếu các nhà máy bia không tham gia sản xuất chiết xuất nấm men, trung bình một nhà máy bia phải trả 355,7 triệu đồng cho việc xử lý bã men bia thải vào năm 2016. Do vậy, chuỗi liên kết đã giúp tránh sự lãng phí và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu lượng lớn sinh khối nấm men bia không được sử dụng.
Trong khi đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trung bình Việt Nam nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu/năm. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%; và khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100% (Nguyễn Văn Giáp, 2015). Do vậy, việc tận dụng nguồn nguyên liệu bã men bia sẵn có trong nước góp phần rất quan trọng vào việc chủ động tạo ra nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi của Việt Nam nói chung và cho ngành chăn nuôi của Hà Nội nói riêng.
Qua phân tích cũng cho thấy, chuỗi giá trị chăn nuôi lợn thịt từ nấm men bia thải của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội có điều kiện thuận lợi là có thị trường tiêu thụ rộng lớn (thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận), tận dụng được sản phẩm phụ, chất lượng thịt lợn có sử dụng chiết xuất nấm men cao hơn hẳn so với chất lượng thịt lợn không có chiết xuất nấm men bia, mang lại lợi nhuận khá tốt cho các tác nhân. Tuy nhiên chuỗi này cũng gặp phải một số khó khăn như: Tính thời vụ trong sản xuất bia (sản lượng mùa hè gần gấp đôi sản lượng mùa
đông) nên nguồn cung cấp nấm men bia thải, mặc dù được cung cấp quanh năm, nhưng cũng chịu sự chi phối của tính thời vụ trong sản xuất bia, sự liên kết giữa các tác nhân còn lỏng lẻo, chưa có sự chia sẻ rủi ro trong hệ thống và phân phối lợi ích giữa các tác nhân chưa đồng đều.