Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Kết quả sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của Tập đoàn Công
CủA TậP ĐOÀN CÔNG NGHIệP CAO SU VIệT NAM
4.1.1. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn
Tại Hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, năm qua các lĩnh vực kinh doanh khối công nghiệp – dịch vụ, chế biến gỗ, công nghiệp cao su và khu công nghiệp đều có bước tăng trưởng rõ rệt.
Cụ thể, VRG đã khai thác được 307.108 tấn mủ khô, vượt 1,92% so với kế hoạch đã đề ra. Nhờ đó, tổng doanh thu của VRG đạt 22.686 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch, tổng lợi nhuận trước thuế 4.367 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, theo ông Bảo mặc dù tình hình được dự đoán sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng VRG đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác từ 320.250 tấn trở lên, thu mua 75.255 tấn, sản lượng tiêu thụ kế hoạch 395.000 tấn.
Tổng doanh thu các công ty có vốn góp của Tập đoàn dự kiến là 30.700 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018 và lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2018.
Lãnh đạo VRG cho biết thêm, năm 2019 VRG dự kiến nộp ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng, chưa bao gồm cổ tức phần vốn Nhà nước được chia của năm 2019 dự kiến là 2.300 tỷ đồng.
Tập đoàn Cao su Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa từ đầu năm 2018.Tuy nhiên phiên đấu giá cổ phần bán ra công chúng không thành công khi chỉ bán được 21% số cổ phần.Phần lớn cổ phần của VRG vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
Báo cáo trước đợt cổ phần hóa, VRG cho biết đang sở hữu diện tích cao su khoảng 415 nghìn ha đến cuối năm 2015.Trong đó diện tích khai thác là 152 nghìn ha, diện tích vườn cây đang chăm sóc là 243 nghìn ha.Cao su của VRG được chế biến mủ tại 40 nhà máy với công suất 354 nghìn tấn/ năm.
Ngoài ra, từ nguồn gỗ cao su thanh lý, VRG đang vận hành 7 nhà máy đồ gỗ xuất khẩu, 1 nhà máy chế biến gỗ MDF và 6 nhà máy gỗ phôi cao su, gỗ ghép
tấm. Trong lĩnh vực khu công nghiệp, VRG đang quản lý 13 khu công nghiệp với diện tích 6000 ha cho thuê.
Theo một kế hoạch kinh doanh được phê duyệt cuối năm 2017, tập đoàn có mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân 18%/năm, trong giai đoạn 2016 - 2020.
Diện tích cao su của tập đoàn đến năm 2020 là 400 nghìn ha trải dài khắp nước và đầu tư trồng cao su ở Lào và Campuchia với trên 81.000 công nhân lao động, trong đó ở nước ngoài là 115 nghìn ha. Sản lượng cao su đến năm 2020 đạt 414 nghìn tấn, tăng trưởng bình quân 15%/năm. Đối với mảng chế biến gỗ, tập đoàn sẽ tăng gấp đôi sản lượng MDF lên 900 nghìn m3 vào năm 2020.
Tập đoàn có kế hoạch chuyển 5.000 ha đất phù hợp thuận tiện giao thông sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.
4.1.2. Chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn
Trong giai đoạn 2019 - 2024, VRG sẽ tập trung thực hiện thành công chứng chỉ FSC (chứng nhận quốc tế về bảo vệ rừng) trong thời gian sớm nhất; phục hồi 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su. Đồng thời, xây dựng hệ thống giải trình gỗ cao su hợp pháp; tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
VRG tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung các quy chế nội bộ của Tập đoàn về trách nhiệm xã hội và môi trường, chính sách tuyển dụng và chế độ của người lao động, tham vấn và kết nối cộng đồng…tuân thủ pháp luật Việt Nam và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế FSC.
VRG cũng có kế hoạch xây dựng và thực hiện khoanh nuôi tái sinh, phát triển khoảng 5.000 ha rừng trong vùng dự án cao su; thúc đẩy hợp tác giữa VRG và IKEA (Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thuỵ Điển) để có nguồn gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm cao su bền vững; khuyến khích, hỗ trợ các thành viên áp dụng giải pháp sản xuất sạch, quản lý bền vững, đạt chứng nhận bền vững nhằm xây dựng và củng cố thương hiệu VRG…
Phát biểu tại lễ công bố, Tổng Giám đốc VRG Huỳnh Văn Bảo cho biết: Là một Tập đoàn có quy mô lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, Ban lãnh đạo VRG nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của một doanh nghiệp phát triển bền vững là gắn liền với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Chủ trương và định hướng đó được thống nhất và cụ thể hóa thông qua những Nghị quyết, kế hoạch tổ chức thực hiện của Ban điều hành Tập đoàn VRG. Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững tại Tập đoàn; tại các công ty thành viên và thành lập Tổ Thực hiện chứng chỉ rừng bền vững và Quan hệ - tham vấn cộng đồng. Chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn được công bố trên Website Tập đoàn và các phương tiện truyền thông khác. Tập đoàn đã ban hành “Hướng dẫn tham vấn ý kiến cộng đồng” và “Sổ tay quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế” để các công ty cao su thành viên áp dụng...
Bên cạnh đó, Tập đoàn VRG đã phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về chủ đề phát triển bền vững; trao đổi với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững, hướng đến được cấp giấy chứng nhận cho nguyên liệu và sản phẩm cao su theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Để triển khai chương trình và kế hoạch phát triển bền vững, VRG đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp; thỏa thuận hợp tác với tổ chức Oxfam, PanNature; ký hợp đồng tư vấn thực hiện chứng chỉ rừng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn với Viện Nghiên cứu Lâm sinh và Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp nhiệt đới thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG Trần Ngọc Thuận tin tưởng rằng, các nội dung được ký kết giữa VRG với các đối tác hôm nay sẽ được triển khai một cách thực chất, phù hợp và hiệu quả, góp phần để Tập đoàn phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG Trần Ngọc Thuận mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cơ quan, tổ chức, khách hàng, đối tác và các cơ quan truyền thông đối với chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn trong thời gian tới. VRG cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai quyết liệt và đồng bộ chương trình phát triển bền vững gắn với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và bền vững của ngành Cao su Việt Nam.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao kế hoạch hành động của VRG, đồng thời nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn toàn ủng hộ chương trình và kế hoạch phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ hợp tác, hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình phát triển bền vững. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm của mình; coi sự thành công về phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN cũng là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải quyết tâm hơn nữa trong việc quản lý rừng để được cấp chứng chỉ rừng bền vững trong 1 – 2 năm tới; đồng thời bám sát Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2018 và thực hiện bộ tiêu chí chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam hài hòa với quốc tế.