Mục tiêu của việc lập dự toán xác định các nguồn thu (dự kiến) nhằm tăng cường các khoản thu và có kế hoạch chi tiêu hợp lý, chi đúng mục đích và hiệu quả. Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác lập dự toàn trước hết cần tiến hành hoạt động nghiên cứu và dự báo môi trường bên ngoài cũng như bên trong để có được các thông tin sau:
- Thực trạng tài chính của Bệnh viện; Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách của các năm trước.
- Các tác động của môi trường đến hoạt động tài chính và các quy định của Nhà nước về phân bổ các nguồn tài chính của bệnh viện;
- Các chỉ tiêu của năm kế hoạch về biên chế giường bệnh, được cơ quan chủ quản phân bổ; số liệu về viện trợ năm kế hoạch về thuốc, vật tư.
Để khắc phục tình trạng dự toán theo kiểu dựa trên kết quả của năm trước, ước tính tỷ lệ phần trăm thay đổi để dự toán cho năm tiếp theo như trong quá khứ, việc lập dự toán cần được thực hiện nghiêm túc, có sự phân công quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể đối với từng bộ phận có liên quan. Cụ thể các giải pháp cần thực hiện bao gồm:
- Thực hiện phân cấp và giao nhiệm vụ xây dựng dự toán cho từng phòng, khoa chức năng trong bệnh viện.
Việc thực hiện phân cấp và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận chức năng xây dựng các kế hoạch hoạt động cùng dự toán kèm theo sẽ tạo điều kiện phát huy được khả năng, thế mạnh của từng bộ phận, đồng thời kế hoạch hoạt động và dự toán sẽ sát hơn vơi thực tế khi Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, không còn nguồn bao cấp từ ngân sách nhà nước.
Khi thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn thì việc xây dựng bộ quy định quản lý nguồn thu là hết sức cần thiết đối với Bệnh viện do mỗi nguồn thu có những đặc điểm riêng, các khoản mục chi tiêu từ các nguồn thu này cũng có những đặc trưng và quy định riêng.
Quy định quản lý nguồn thu cần được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của Bệnh viện và các hoạt động liên doanh liên kết. Tận dụng những đổi mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phép. Đa dạng hóa, các nguồn lực, các kênh và cách thức huy động, đặc biệt chú trọng đến việc huy động nguồn lực tài chính từ hoạt động cung cấp dịch vụ, sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học để bù đắp sự giảm sút nguồn từ ngân sách nhà nước.
- Hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ.
Mặc dù quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng, thông qua và đưa vào thực hiện nhưng khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn thì một số khoản mục và định mức chi tiêu sẽ không còn phù hợp. Do vậy, Bệnh viện cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định của nhà nước, của ngành.
Nói chung, đối với việc phân phối kết quả tài chính cần gắn sự phân phối kết quả tài chính với sự cống hiến của các thành viên, các đơn vị trong Bệnh viện và hướng vào sự phát triển bền vững lâu dài của Bệnh viện, đảm bảo những quy định của Nhà nước.Việc phân phối và sử dụng kết quả tài chính hàng năm của Bệnh viện cần thực hiện: Xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực và kết quả hoạt động của cán bộ viên chức trong Bệnh viện dựa trên tính chất từng loại công việc, từ đó đưa ra phương án phân phối và điều chỉnh phương án chi thu nhập tăng thêm cho phù hợp với năng lực, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên.