2.2.1.1. Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức
So với các nước trên thế giới Cộng hòa liên bang Đức có lịch sử ra đời và phát triển BHXH sớm nhất. Ngay từ năm 1850, điều luật BHXH đầu tiên đã ra
đời và được thực hiện ở Đức. Cho đến nay, chính sách BHXH ở Đức bao gồm các chế độ cụ thể sau: Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người già và người tàn tật; Bảo hiểm ốm đau; Bảo hiểm tai nạn lao động; Bảo hiểm hưu trí.
Hoạt động BHXH ở Cộng hòa liên bang Đức thực hiện theo ba hệ thống chính:
- Hệ thống BHXH bắt buộc; - Hệ thống BHXH tư nhân;
- Hệ thống BHXH ở các xí nghiệp.
Trong đó hệ thống BHXH bắt buộc được tổ chức theo mô hình tự quản, bảo đảm tài chính theo phương pháp lấy thu bù chi. Hệ thống BHXH tư nhân và hệ thống BHXH ở các xí nghiệp hoạt động theo Bộ luật Lao động của Liên bang. Tự chịu là hình thức quản lí tương đối độc lập với sự chỉ đạo của cơ quan quản lí Nhà nước cao nhất. Có thể hiểu rõ thông qua cơ chế quản lí chung của Quỹ hưu trí sau. Cơ quan quản lí cao nhất là một Hội đồng, hội động này bổ nhiệm Ban điều hành, từ Ban điều hành sẽ điều hành mọi hoạt động của tổ chức. Hoạt động tài chính trong năm của Quỹ hưu trí viên chức Liên bang diễn ra như sau:
Vào mùa hè hàng năm, các chuyên gia của Chính phủ Liên bang, tổ chức BHXH, Tổng cục Thống kê sẽ dự kiến nhu cầu tài chính của năm tới theo phương pháp ước tính. Từ đó đưa ra dự kiến số thu, dự kiến số chi, trên cơ sở này xác định tỉ lệ thu cho năm tới và tiến hành đưa ra bằng một văn bản có hiệu lực pháp luật. Quỹ thu thường là đủ dùng chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ, chi hoạt động của bộ máy quản lí và còn một khoản để dự trữ gọi là khoản dự trữ trần. Do sự ổn định của nền kinh tế mà khoản dự trữ này thường chỉ ở mức đủ chi cho các đối tượng do quỹ đảm bảo trong một tháng, từ năm 2001 đã rút xuống khoảng 0,8 tháng. Cách này có những ưu điểm như: hạn chế được những tác động của môi trường kinh tế, dễ dàng cân đối quỹ, giảm thiểu tình trạng bội chi, không hề gây gánh nặng cho NSNN,... .
Cộng hoà Liên bang Đức không có các tổ chức BHXH thực hiện cùng một lúc nhiều chế độ, mà thông thường mỗi tổ chức chỉ chịu trách nhiệm thu, chi cho một loại chế độ nhất định. Điểm đáng lưu ý ở nước này là những công chức Nhà nước (những người được đề cử vào bộ máy quản lí Nhà nước) không phải đóng BHXH, nhưng họ được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Khoản chi này
được lấy từ nguồn thu thuế để trả. Có nhiều tổ chức cùng tham gia thực hiện các chế độ BHXH, đặc biệt là sự có mặt của các tổ chức BHXH tư nhân, có thể mang lại sự cạnh tranh giúp cho hoạt động ngày càng hiệu quả (Vũ Lan Phương, 2015).
2.2.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường phát triển kinh tế và ổ định xã hội, dần dần nâng cao mức sống cho người dân. Chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng thiết lập một hệ thống an sinh xã hội vững chắc và phù hợp với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc chủ yếu bao gồm BHXH, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội và trợ giúp xã hội; trong đó chính sách BHXH giữ một vai trò quan trọng.
Chế độ BHXH bao gồm 5 chế độ là: hưu trí, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp và sinh đẻ. Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung nhất còn quy định cụ thể thì giao cho chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề ra những biện pháp thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Về nguyên tắc, mỗi chế độ có một quỹ riêng. Nguồn quỹ gồm 2 khoản: Một khoản do người lao động đóng và một khoản do chủ sử dụng lao động nộp. Riêng quỹ tai nạn lao động thì do chủ doanh nghiệp đóng, người lao động không phải đóng. Chỉ khi nào mất cân đối thu – chi do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước hỗ trợ từ NSNN cho các quỹ, còn bình thường các doanh nghiệp và người lao động phải tự đảm bảo (Vũ Lan Phương, 2015).