3.1.1. Đặc điểm cơ bản của tỉnh Bắc Ninh
3.1.1.1. Vị Trí địa lý
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, nằm gọn trong châu thổ sông Hồng, liền kề với thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao, giao lưu kinh tế mạnh.
- Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang
- Phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên và một phần Hà Nội - Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương
- Phía Tây giáp thủ đô Hà Nội
Với vị trí như thế, xét tầm không gian lãnh thổ vĩ mô, Bắc Ninh có nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:
- Nằm trên tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 18, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và các tuyến đường thuỷ như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và du khách giao lưu với các tỉnh trong cả nước.
- Gần thủ đô Hà Nội được xem như là một thị trường rộng lớn hàng thứ hai trong cả nước, có sức cuốn hút toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử văn hoá... đồng thời là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ và tiếp thị thuận lợi đối với mọi miền đất nước. Hà Nội sẽ là thị trường tiêu thụ trực tiếp các mặt hàng của Bắc Ninh về nông - lâm - thuỷ sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ... Bắc Ninh cũng là địa bàn mở rộng của Hà Nội qua xây dựng các thành phố vệ tinh, là mạng lưới gia công cho các xí nghiệp của thủ đô trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ có tác động trực tiếp đến hình thành cơ cấu và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh về mọi mặt, trong đó đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ du lịch.
- Là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là cầu nối giữa Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trên đường bộ giao lưu chính với Trung Quốc và có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng.
3.1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên. a. Tài nguyên đất
Bắc Ninh có diện tích tự nhiên chỉ chiếm 0,2% diện tích tự nhiên cả nước và là điạ phương có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Theo kết quả tổng điều tra đất trong tổng diện tích đất tự nhiện của Bắc Ninh, đất nông nghiệp chiếm 64,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 0,8%; đất chuyên dùng chiếm 17,4%; đất ở chiếm 6,5%; còn lại 10,9% là đất có mặt nước, sông suối, đồi núi chưa sử dụng.
Diện tích tự nhiên: 82393 ha. Trong đó Đất nông nghiệp: 46980 ha
Đất lâm nghiệp: 1623 ha Đất chuyên dùng: 18187 ha Đất ở: 7240 ha
Đất chưa sử dụng: 2774 ha
b. Tài nguyên khoáng sản
Bắc Ninh nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu chỉ có vật liệu xây dựng như: Đất sét làm gạch, ngói, gốm, với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn ở Quế Võ và Tiên Du, đất sét làm gạch chịu lửa ở xã Tân Chi, Tiêu Du Bắc Ninh, đá cát kết với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn ở Thị Cầu - Bắc Ninh, đá sa thạch ở Vũ Ninh - Bắc Ninh có trữ lượng khoảng 300.000 m³. Ngoài ra còn có than bùn ở Yên Phong với trữ lượng 60.000 - 200.000 tấn.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn
Bắc Ninh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm là 23,3°C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28,9°C ( tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 15,8°C ( tháng 1 ). Sự chênh lệch nhiệt độ giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 13,1°C.
Lượng mưa trung bình hàng năm dao động trong khoảng 1400 - 1600mm nhưng phân bố không đều trong năm. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.
Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1530 - 1776 giờ, trong đó tháng có nhiều giờ nắng trong năm là tháng 7, tháng có ít giờ nắng trong năm là tháng 1.
Hàng năm có 2 mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam thịnh hành từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm gây mưa rào.
Nhìn chung Bắc Ninh có điều kiện khí hậu đồng đều trong toàn tỉnh và không khác biệt nhiều so với các tỉnh đồng bằng lân cận nên việc xác định các tiêu trí phát triển đô thị có liên quan đến khí hậu như hướng gió, thoát nước mưa, chống nóng, khắc phục độ ẩm... dễ thống nhất cho tất cả các loại đô thị trong vùng; việc xác định tiêu chuẩn qui phạm xây dựng đô thị có thể dựa vào qui định
chung cho các đô thị vùng đồng bằng Bắc bộ
Về thuỷ văn, Bắc Ninh có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, mật độ lưới sông khá cao, trung bình 1,0 - 1,2 km/km², có 3 hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình…
3.1.1.4. Đặc điểm kinh tế - xã hội
Dân số toàn tỉnh (năm 2015): 1.960.919 người. Trong đó: Lao động xã hội (năm 2015): 1.236.787 người.
Cơ sở khám chữa bệnh: 147 cơ sở. Trong đó có 02 bệnh viện đạt tiêu chuẩn
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng với các cơ chế và giải pháp phát triển kinh tế hợp lý, Bắc Ninh đã và đang khai thác các tiềm năng hiện có của tỉnh để trở thành một trung tâm kinh tế- văn hóa phụ trợ, một thành phố vệ tinh quan trọng cho Hà Nội và là một điểm nhấn trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh. Nơi đây vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là khu vực cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm nông sản, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ… cho các tỉnh thành trong vùng đồng bằng Sông Hồng và các vùng lân cận. Cùng với việc khai thác lợi thế của các làng nghề thủ công truyền thống, Bắc Ninh đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, mở rộng về quy mô sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm tạo thành các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề nhằm cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, trong nước và xuất khẩu. Song song với việc phát triển công nghiệp, Bắc Ninh đang tập trung khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp- nguồn tài nguyên đất chiếm hơn 60% tổng diện tích tự nhiên- bằng việc hình thành và phát triển các vùng cây, con có giá trị thương mại theo hướng chuyên canh. Tỉnh đang từng bước đưa chăn nuôi trở thành một ngành chính tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Với mục tiêu phát triển toàn diện, Bắc Ninh luôn chú trọng vào việc phát triển con người và các vấn đề xã hội, nâng cao trình độ dân trí và mức sống của nhân dân. Phát huy truyền thống cần cù, khéo léo, năng động sáng tạo của người dân Kinh Bắc, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lao động, kỹ năng giao tiếp cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất đồng bằng Sông Hồng và cũng là tỉnh nhỏ nhất nước, với dân số cũng chỉ hơn một triệu người, nhưng Bắc Ninh có tốc độ tăng GDP năm 2010 là 32,74%, đứng vị trí thứ nhất trong số các tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ.
Về môi trường đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của Bắc Ninh là 59,57, đứng thứ 16 trong số 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn như Canon, Nippon Steell, Nikon Seiki, Sumsung, Sentec, Nokia… đã đầu tư, mở cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh.
Nhờ phát huy những lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh và những truyền thống nhân văn tốt đẹp, kết hợp với việc chủ động tìm tòi và khai thác những cơ hội
phát triển trong thời đại mới, Bắc Ninh đang từng bước khẳng định vị thế của
mình trong khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Bắc Ninh còn tiến nhanh và vững chắc hơn nữa trong bước đường hội nhập, xây dựng một xã hội văn minh hiện đại.
3.1.2. Khái quát về Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT tỉnh Bắc Ninh
3.1.2.1. Vị trí, chức năng
Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh Bắc Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, có chức năng tổ chức, thực hiện kế hoạch huấn luyện, quản lý các đội dự tuyển, đội tuyển, đội tuyển trẻ các môn thể thao và đào tạo năng khiếu các môn thể thao của tỉnh; tham gia thi đấu thể thao theo kế hoạch của Sở
Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh Bắc Ninh có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật
Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh Bắc Ninh có trụ sở đặt tại sân vận động Suối Hoa, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác đầu tư, đãi ngộ nên thể thao thành tích cao của tỉnh không ngừng khởi sắc, lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế cho thể thao tỉnh trên đấu trường trong cũng như ngoài nước. Đóng góp vào thành tích chung ấy có công sức của đội ngũ gần 40 cán bộ, huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh Bắc Ninh.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh Bắc Ninh luôn là đơn vị chủ lực, tiên phong trong công tác tuyển chọn,
đào tạo VĐV chất lượng cao cho thể thao tỉnh. Từ đây, không ít tài năng được phát hiện, mài giũa trở thành những VĐV nòng cốt của đội tuyển tỉnh cũng như Quốc gia.
Hiện nay, Trung tâm đang đào tạo 212 VĐV ở 10 môn thể thao: Vật, Cầu lông, Karate-do, Đấu kiếm, Cử tạ, Đá cầu, Boxing, Cờ vua, Whusu và Judo. Trong đó có 2 môn mới Whusu và Judo vừa được đưa vào đào tạo trong năm 2015 theo lộ trình phát triển. Những môn thể thao này đều phù hợp với tố chất các VĐV và xu hướng đầu tư phát triển các môn thể thao thi đấu ở Olympic, ASIAD, SEA Games.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh trong việc định hướng, đầu tư cho sự phát triển của thể thao tỉnh nhà, hàng năm Trung tâm đều xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo VĐV ở các bộ môn phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển theo từng giai đoạn, lộ trình được qui hoạch. Vì vậy, số lượng và chất lượng VĐV được đào tạo tại Trung tâm luôn bảo đảm tính kế thừa, mỗi cá nhân đều có điều kiện, cơ hội để phát huy hết khả năng vốn có.
Trung tâm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, chỗ ở cho các VĐV tập luyện, thi đấu trong cũng như ngoài tỉnh. Nhiều VĐV ở xa được Trung tâm bố trí phòng nghỉ, cũng như thời gian để theo học chương trình văn hóa. Do đó tâm lý các bậc phụ huynh luôn yên tâm khi gửi gắm con em mình cho Trung tâm đào tạo.
Trung tâm luôn quan tâm tới việc nâng cao trình độ chuyên môn, trang bị kỹ năng, kiến thức cho các huấn luyện viên, coi đây là yếu tố then chốt trong quá trình đào tạo VĐV. Hàng năm, Trung tâm đều tiến hành rà soát lực lượng, HLV, VĐV, nhằm đánh giá, phân loại trình độ, dự báo khả năng phát triển, trên cơ sở đó có kế hoạch sàng lọc, tuyển chọn bổ sung, thay thế sắp xếp HLV, VĐV cho phù hợp với sự phát triển của từng môn, theo từng giai đoạn”.
Bên cạnh việc huấn luyện, đào tạo tại chỗ, Trung tâm còn làm tốt việc phối hợp liên kết đào tạo với các đơn vị có điều kiện và thế mạnh như Cờ vua liên kết với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; Cử tạ, Đấu kiếm liên kết với Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội… Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ, HLV, VĐV đi tập huấn trong cũng như ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là dịp để VĐV được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trong thi đấu. Nhờ đó, trong nhiều năm qua Trung tâm luôn duy trì và phát triển
vững chắc về thành tích, số lượng huy chương giành được hàng năm luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong năm 2015, chỉ tiêu đặt ra là giành 125 huy chương, thì đến nay (hết tháng 10) Trung tâm đem về 138 huy chương từ các giải đấu trong cũng như ngoài nước. Từ nay đến cuối năm, môn đấu kiếm và Boxing tham gia 3 giải nữa, dự tính giành thêm từ 8-10 huy chương.
Thành tích Trung tâm đạt được là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên khó khăn, thách thức trong khâu đào tạo, cơ sở vật chất… vẫn còn phía trước. Nếu theo chỉ tiêu đặt ra cho thể thao thành tích cao của tỉnh từ nay cho đến năm 2020 là hằng năm thi đấu tại các giải Quốc gia, Quốc tế giành từ 140- 160 huy chương các loại; đứng thứ 20-22 tỉnh, thành, ngành trong cả nước tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018), dù đây không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”, song để đạt được điều này cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, nhiều bộ môn như Judo, Wushu, Cầu lông, Đá cầu… vẫn còn thiếu thốn về VĐV, sân tập, dụng cụ, trang phục… trong khi đó cơ chế đãi ngộ cho cán bộ, HLV, VĐV dù đã được quan tâm song vẫn chưa tương xứng. Hi vọng những khó khăn, thách thức này sẽ sớm được khắc phục để Trung tâm có điều kiện “cần và đủ” gặt hái được nhiều hơn nữa trên đấu trường trong nước và Quốc tế.
3.1.2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn
- Trình Giám đốc Sở chương trình, kế hoạch hoạt động của Trung tâm và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Chịu trách nhiệm toàn diện trước Giám đốc Sở về thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, quản lý, phục vụ các đội dự tuyển, đội tuyển, đội tuyển trẻ, lớp năng khiếu các môn thể thao của tỉnh tại Trung tâm, tổ chức huấn luyện, tham gia thi đấu các giải thao theo kế hoạch của Sở.
+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở giúp Giám đốc Sở xây dựng kế hoạch tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên tham gia các đội dự tuyển, đội tuyển, đội tuyển trẻ, các lớp năng khiếu các môn thể thao của tỉnh và tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tham gia thi đấu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Tiếp nhận, quản lý và tổ chức phục vụ ăn, ở, sinh hoạt văn hóa tinh thần và thực hiện chế độ chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên đội dự tuyển, đội tuyển, đội tuyển trẻ, lớp năng khiếu các môn thể thao của tỉnh theo quy định hiện hành;
+ Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch huấn luyện ngắn hạn, dài hạn, kế hoạch thi đấu đảm bảo khoa học;
+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nhân cách, lối sống, học tập văn hóa phổ thông cho vận động viên các đội dự tuyển, đội tuyển, đội tuyển