Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Đánh giá quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện Quế Võ
HUYỆN QUẾ VÕ.
4.4.1. Những kết quả đạt được
Trong những năm qua tình hình cả nước nói chung, tình hình huyện Quế Võ nói riêng đã chịu tác động lớn của một loạt khó khăn thách thức xảy ra, có những khó khăn không lường trước được và vượt quá tầm dự báo trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, như dịch bệnh trong nuôi trồng nông thủy sản. Những khó khăn đó đã tác động không nhỏ tới nội dung chi NSX trên địa bàn huyện, mặc dù vậy nhưng tất cả các xã, thị trấn vẫn vượt qua mọi thách thức và đạt được nhiều kết quả nhất định, đóng góp quan trọng vào quản lý hoạt động kinh tế- xã hội tại chính quyền cơ sở, được thể hiện như sau:
* Công tác lập dự toán: các xã, thị trấn cơ bản đã bám sát theo hướng dẫn tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính theo đúng trình tự, nội dung dự toán đảm bảo đúng yêu cầu quy định. Các đơn vị, đã xây dựng và phân bổ dự toán chi theo đúng yêu cầu của cấp trên. Việc phân bổ ngân sách đã đúng định mức, các khoản chi được thực hiện theo chế độ cụ thể, rõ ràng. Cơ cấu chi NSX tương đối hợp lý, đảm bảo chi thường xuyên cho các hoạt động quản lý nhà nước, sự nghiệp kinh tế, công tác xã hội.
+ Chi thường xuyên:
Nhìn chung, các xã quản lý chi thường xuyên của ngân sách cấp mình tương đối tốt. Nhờ đó, bộ máy chính quyền cấp xã luôn được đảm bảo duy trì, dồng thời là tiền đề cho xã quản lý về kinh tế -xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Các khoản chi thường xuyên tăng dần, năm nay cao hơn so với năm trước, chứng tỏ các cấp chính quyền luôn quan tâm đến hoạt động của cán bộ và nhân dân trong xã,cơ bản từ vật chất đến tinh thần. Các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa xã hội được thúc đẩy mạnh.
Các xã đã tập trung nguồn lực cho xây dựng các công trình thiết yếu như: điện- đường- trường - trạm, các xã đã đạt 19/19 chỉ tiêu Nông thôn mới, góp phần làm bước đà đưa huyện Quế Võ phát triển kinh tế- xã hội mạnh hơn nữa.
- Công tác chấp hành dự toán chi NSX ở các xã, thị trấn thực hiện cơ bản đúng quy định về thời gian và yêu cầu thực tế của địa phương. Tổng hợp quyết toán phản ánh đầy đủ, chi tiết công khai minh bạch các khoản thu chi NSX.
- Hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán từng bước được chuẩn hóa từ ghi chép sổ sách đến thiết lập biểu mẫu kế toán. Hiện nay, công tác kế toán và quản lý NSX đang từng bước được tin học hóa, 21/21 xã sử dụng tin học, các phần mềm chuyên ngành trong công tác quản lý ngân sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý ngân sách cấp xã được kịp thời và hiệu quả.
- Quá trình thực hiện chi NSX cơ bản theo đúng quy định của Luật NSNN, các khoản thu cân đối đã được bố trí chi thường xuyên, các khoản thu do dân đóng, thu từ tiền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
- Đối với công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo kế hoạch và kết hợp với các cơ quan liên quan, luôn được chú trọng và quan tâm, hoạt động này đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm chế độ chính sách tài chính, đẩy lùi tham ô, lãng phí tài sản của nhà nước.
- Huyện Quế Võ cũng luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Tài chính của các xã bằng cách thường xuyên mở các lớp tập huấn phổ biến các văn bản mới và nâng cấp phần mềm kế toán mới. Vì vậy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ ngày càng được cải thiện hơn so với trước đây.
- Hầu hết các xã đã thực hiện quy chế công khai tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp cho nhân dân nắm rõ những vấn đề liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, từ đó hạn chế được tình trạng quan liêu, cửa quyền của cán bộ xã.
4.4.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý chi NSX ở huyện Quế Võ vẫn còn một số tồn tại và hạn chế sau:
4.4.2.1. Đối với quản lý chi ngân sách xã nói chung
Lập dự toán và phân bổ dự toán:
chưa bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Dự toán thu, chi ngân sách hằng năm của xã vẫn còn bị áp đặt, vẫn còn bị giao chỉ tiêu, chưa phù hợp với tình hình của xã. Thẩm định dự toán của Phòng TC-KH còn gặp một số hạn chế, do hồ sơ xét duyệt khá nhiều, thời gian ngắn, chỉ dựa theo văn bản, chưa dựa theo tình hình cụ thể của địa phương.
- Định mức phân bổ dự toán ngân sách ở một số xã còn mang tính chất định tính, theo kinh nghiệm, chưa thích ứng với những biến động của thị trường, chưa phù hợp với tình hình thực tế của một số xã, dẫn đến triển khai nhiệm vụ chi trên địa bàn gặp khó khăn
- Các chế độ chi tiêu tiếp khách, chế độ hội nghị, công tác phí còn thấp, chưa đầy đủ và chậm bổ sung, sửa đổi gây lãng phí và khó khăn trong việc quản lý chi NSX.
- Việc thực hiện quy định về công khai tài chính ngân sách về nội dung và thời gian chưa đảm bảo.
- Đội ngũ cán bộ chuyên môn làm về công tác Tài chính- Kế toán còn hạn chế về nghiệp vụ, một bộ phận chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý ngân sách hiện nay.
4.4.2.2. Đối với thực hiện chi
* Chi thường xuyên:
- Chi thường xuyên hầu hết vượt dự toán, các khoản chi còn dàn trải, chưa gắn với đặc điểm địa phương.
- Công tác ghi chép sổ sách chưa thực sự rõ ràng, phân chia không đúng khoản mục, biểu mẫu chưa thống nhất. Có những khoản chi còn lãng phí, chưa được quản lý chặt chẽ, nhất là chi Văn phòng phẩm, hội nghị, tiếp khách.
- Khâu quyết toán một số đơn vị còn chậm so với thời gian quy định. - Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một số xã vẫn còn sai phạm trong quản lý chi NSX như: chi tiêu chưa đúng định mức, chứng từ hóa đơn còn chưa đảm bảo.
* Chi đầu tư phát triển
Công tác lập dự toán chưa sát với thực tế, quyết toán lớn hơn dự toán lên tới hơn 10 lần, do nhu cầu đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, nên việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB vẫn còn hiện tượng
phân tán, dàn trải, mất cân đối giữa khả năng và nhu cầu, chưa xác định được thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình theo mục tiêu phát triển của địa phương dẫn đến tình trạng đầu tư còn dàn trải, tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, hiệu quả chưa thực sự cao.
Mặt khác, huyện chưa chủ động phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án theo chương trình, nghị quyết của HĐND. Trong khi có nhiều dự án đang dang dở, chưa bố trí đủ vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng, thì đã phải bố trí vốn cho các dự án mới cấp bách hơn, do vậy càng gây áp lực cho việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Về quyết toán các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, công tác lập báo cáo quyết toán các công trình còn mang tính hình thức, chưa được kiểm soát chặt chẽ, công tác lập và nộp báo cáo còn chậm so với yêu cầu.
4.4.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý chi ngân sách xã tại địa bàn huyện Quế Võ huyện Quế Võ
4.4.3.1. Nhân tố chủ quan
* Năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý chi NSX
Cán bộ quản lý chi NSX phải biết đưa ra các chiến lược, các kế hoạch triển khai để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phải là người cán bộ có năng lực về lĩnh vực quản lý tài chính, công tư phân minh, biết từ chối các hình thức đút lót, biếu xén, không tham ô, tham nhũng, không chạy theo bệnh thành tích. Biết tham mưu cho lãnh đạo những phương pháp quản lý chi ngân sách phù hợp với tình hình địa phương và đúng quy định của pháp luật.
* Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ
Năng lực của một số cán bộ kế toán xã còn hạn chế về chuyên môn, đôi khi vẫn còn mắc bệnh xu nịnh, chiều chuộng cấp trên, dẫn đến cơ chế xin cho. Biết chi sai, những vẫn làm, dẫn đến thất thoát tiền và tài sản của nhà nước. Đến nay, còn một số xã có cán bộ kế toán tuổi cao nên hạn chế trong việc sử dụng máy tính, dẫn đến nhập phần mềm kế toán trên máy gặp nhiều khó khăn.
* Tổ chức bộ máy quản lý
Phòng TC-KH huyện Quế Võ hiện nay có 8 cán bộ, trong đó chỉ có một cán bộ phụ trách quản lý chi NSX dẫn đến công tác triển khai, cập nhật các văn bản mới chưa kịp thời, kiểm soát các xã thực hiện công tác kế toán, quyết toán,
tình hình thực hiện thu, chi tại xã là công việc thường xuyên và trực tiếp của Phòng TC-KH cấp huyện, tuy nhiên, do hạn chế về số lượng cán bộ quản lý, lại kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến chưa đi sâu, đi sát cơ sở để kịp thời giúp đỡ cơ sở trong quá trình triển khai Luật NSNN.
Vai trò giám sát của HĐND xã đối với UBND cùng cấp trong, quyết toán chi ngân sách ở một số đơn vị hiệu quả còn hạn chế.
Việc xây dựng kế hoạch dự toán tại các xã chủ yếu dựa vào chỉ tiêu huyện giao mà chưa bám sát tình hình điều kiện thực tế của địa phương.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra quyết toán ngân sách mặc dù đảm bảo theo kế hoạch song chất lượng chưa cao.
4.4.3.2. Nhân tố khách quan
Hệ thống chính sách về NSNN qua nhiều lần cải cách vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa chuyển hướng kịp thời để thích nghi với môi trường kinh tế ngày càng đổi mới. Chưa dự báo hết những chuyển biến nhanh chóng của quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
Các văn bản hướng dẫn và đánh giá trước, trong và sau chi NSNN còn chưa thống nhất. Các khoản chi thường xuyên về cơ bản được điều chỉnh bởi Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN. Còn chi đầu tư được quản lý bởi hệ thống các văn bản pháp lý về chi đầu tư, dẫn tới không có một khung thống nhất để xem xét tổng chi phí và tổng lợi ích có được từ các đề án, dự án sử dụng ngân sách.
NSNN Việt Nam còn mang tính "lồng ghép", NSNN bao gồm Ngân sách địa phươngvà Ngân sách trung ương, cả 04 cấp hợp lại thành NSNN. Ngân sách cấp dưới là một bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên, mà ngân sách cấp trên không chỉ bao gồm ngân sách cấp mình, mà còn ngân sách cấp dưới. Tính lồng ghép này đã tạo điều kiện quản lý ngân sách tập trung, nhưng đồng thời cũng hạn chế tính độc lập của ngân sách cấp dưới và đặc biệt tạo sự phức tạp trong quản lý ngân sách, trách nhiệm của các cấp ngân sách không được phân biệt rõ ràng.
Một số định mức chi tiêu ngân sách hiện nay còn thấp so với mức giá hiện hành, không phù hợp với thực tế, không theo kịp với mức độ lạm phát. Nên quyết toán một số nội dung thiếu sự trung thực trong việc chi ngân sách.