Yếu tố ảnh hưởng đến quản trị nợ xấu tại các ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam chi nhánh thái nguyên (Trang 37 - 41)

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nợ xấu là một trong những điểm quan trọng cần phải làm để từ đó đưa ra được chiến lược cũng như phương pháp quản lý và xử lý phù hợp, khả thi và có hiệu quả.

Hoạt động ngân hàng là hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian, do vậy hoạt động của NHTM phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: môi trường pháp lý, môi trường kinh tế cũng như môi trường thiên nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, đạo đức khách hàng và các yếu tố thuộc về chính bản thân ngân hàng…

2.1.4.1.Yếu tố khách quan

a. Môi trường tự nhiên

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi… mà những ngành này thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, của môi trường tự nhiên mà điển hình là Việt Nam. Thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa, dịch bệnh... Đây là những nguyên nhân khách quan do sự biến đổi của môi trường thiên nhiên đã gây ra sự hoạt động thất bại của khách hàng vay, nhất là các khoản cho vay nông nghiệp, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của cả NHTM và các khách hàng vay. Đây là nguyên nhân gây ra rủi ro không thể tránh được, những mất mát do nguyên nhân này gây ra cần được sự sẻ chia của nhà nước, và của cả xã hội.

Nếu như thời tiết thuận lợi, cây trồng đạt năng suất, vật nuôi không bị dịch bệnh, khỏe mạnh,… thì khả năng thu hồi vốn từ người đi vay là rất lớn. Còn ngược lại, môi trường tự nhiên, khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước không thuận lợi, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán thì dự án sẽ thất bại, không thu hồi được vốn, nợ xấu phát sinh. Ngoài ra những ngành khác như xây dựng, vận chuyển hàng hóa quốc tế (đặc biệt là đường biển)… cũng chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết đến tiến độ công trình hoặc thời gian giao

hàng cho khách… Nếu rủi ro xảy ra, doanh nghiệp chậm tiến độ nghiệm thu công trình (xây dựng) hoặc ảnh hưởng chất lượng hàng hóa (vận chuyển), dẫn đến bồi thường hợp đồng, tổn thất cho doanh nghiệp dẫn đến thiếu vốn và không đảm bảo khả năng thanh toán cho ngân hàng, gây ra nợ xấu.

b. Môi trường kinh tế

Nếu môi trường kinh tế chưa thực sự phát triển, cạnh tranh trên thị trường chưa thực sự bình đẳng, tốc độ cũng như trình độ phát triển chưa cao sẽ dẫn đến việc các cá nhân và tổ chức cũng như các doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Mặt khác, với sự thay đổi liên tục trong các chính sách kinh tế vĩ mô như sự thay đổi về cơ chế lãi suất, tỷ giá… chính sách xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng… thay đổi quy hoạch xây dựng hạ tầng, thay đổi cơ chế tài chính, cơ chế sử dụng đất đai… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, khiến các đối tượng này rơi vào thế bị động, do đó nó gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nợ của các đối tượng này tại NHTM. Chúng ta có thể lấy ví dụ như sự thay đổi trong lãi suất: với mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng nhanh sẽ làm gia tăng các khoản nợ xấu. Trong lịch sử, hậu quả của lãi suất tăng không có điểm dừng đã được chứng minh khá nhiều. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 với sự tăng mạnh của lãi suất thị trường các nước trong khu vực. Ở thời điểm đó, lãi suất ở Indonesia tăng mạnh, và khi vượt trên 30% thì các ngân hàng bắt đầu phá sản.

Điều này có thể được giải thích dễ dàng: những doanh nghiệp mạnh sẽ không chấp nhận mức lãi suất quá cao, họ có khả năng tìm đến những nguồn vốn khác thông qua thị trường chứng khoán. Nghi vấn đặt ra đối với những doanh nghiệp dám chấp thuận mức lãi suất cao. Phần lớn sự chấp thuận đó xuất phát từ sự thiếu vốn trầm trọng, năng lực tài chính hạn chế, độ tín nhiệm thấp nên không tiếp cận được những nguồn vốn khác. Và tất nhiên, nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng lên từ nhóm đối tượng này.

Với tư cách là trung gian tài chính, rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại chịu ảnh hưởng trực tiếp của tốc độ phát triển của nền kinh tế. Sự thay đổi trong cơ chế, chính sách như: Chính trị, sự điều chỉnh chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước hoặc thay đổi địa giới hành chính các địa phương, sự sáp nhập hay tách ra của các Bộ, ngành trong nền kinh tế. Những sự thay đổi và điều chỉnh này tuy cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế của đất

nước nhưng đôi khi, cũng có tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến ngân hàng và khách hàng dẫn tới làm giảm khả năng trả nợ của khách hàng.

Với những nền kinh tế có quy mô nhỏ, sản xuất công nghiệp còn lạc hậu, chủ yếu là thành phẩm đơn giản như dầu thô, may gia công, chế biến thực phẩm và nguyên liệu,… thì rất dễ bị tổn thương khi nền kinh tế thế giới biến động mạnh. Nếu thế giới ít biến động thì hoạt động của các doanh nghiệp cũng được đảm bảo, khả năng trả nợ cho ngân hàng càng cao. Còn thế giới biến động mạnh mẽ: giá cả, tỷ giá, hạn ngạch, thuế,… thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là có nguy cơ phá sản, mất khả năng thanh toán cho ngân hàng.

c. Nhóm nhân tố chủ quan gây ra từ phía khách hàng

Một số doanh nghiệp cố ý thông báo số liệu tài chính của doanh nghiệp không chính xác, gây sai lệch trong việc thẩm định và cấp tín dụng đã dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ ngân hàng hoặc bản thân doanh nghiệp thiếu ý thức trong vấn đề sử dụng vốn vay và trả nợ, không lo lắng, không quan tâm đến món nợ đối với ngân hàng mặc dù khả năng tài chính của doanh nghiệp có. Một số doanh nghiệp thì lại có tư tưởng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tính toán, chụp giựt, lừa đảo, móc ngoặc.

Nguyên nhân gây ra nợ xấu có thể do phía khách hàng đã không quản lý tốt dự án đi vay. Sự quản lý yếu kém của khách hàng dẫn tới sử dụng khoản vay không có hiệu quả, dễ thua lỗ. Tiếp theo, doanh nghiệp không chịu thu thập, tìm hiểu thông tin về thị trường, sản phẩm, đối tượng khách hàng sẽ dẫn tới những quyết định sai lầm trong kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp dễ dàng lâm vào tình trạng vỡ nợ hoặc phá sản. Một phần nữa cũng quan trọng không kém là đạo đức của khách hàng. Không ít những chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân vay vốn của ngân hàng chẳng những yếu kém về năng lực kinh doanh mà còn thiếu cả tư cách đạo đức. Phần lớn trong số họ đều mong muốn thành đạt trong kinh doanh để có điều kiện trả nợ cho ngân hàng, tuy nhiên, cũng không hiếm những người chỉ mong muốn lừa đảo, chiếm đoạt lấy tiền từ ngân hàng vào những mục đích xấu xa khác như cờ bạc, hụi đề. Thông thường, những khách hàng này đều xuất trình những dự án rất sáng sủa, những lời hứa hẹn hoa mỹ. Các nhà ngân hàng một phần thì thiếu kinh nghiệm, phần nữa có thể do tham một chút lợi nhỏ nên đã đầu tư vào những dự án này và đương nhiên là sẽ gặp rủi ro.

2.1.4.2. Yếu tố chủ quan

Đây là những yếu tố xuất phát từ chính bản thân các ngân hàng. Đó có thể là do một chính hiệu quả sách tín dụng kém, sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, giám sát hay các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng.

a. Sự quản lý yếu kém của ngân hàng

Sự quản lý yếu kém của ngân hàng thể hiện ở chính sách chính sách tín dụng thiếu độ chính xác, không đầy đủ và không nhất quán, không phù hợp với nền kinh tế sẽ tạo ra kẽ hở cho người sử dụng vốn và dẫn tới rủi ro tín dụng. Một chính sách tín dụng không đầy đủ, không đồng bộ và thống nhất sẽ dẫn tới việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngân hàng. Mặt khác để thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần, nhiều NHTM đã bỏ qua một số bước trong quy trình tín dụng, cơ chế cho vay được đơn giản hóa, tự ý hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá khách hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn yếu kém trong khâu quản lý thông tin khách hàng đi vay dẫn đến thiếu thông tin về khách hàng nên ngân hàng rất dễ gặp các rủi ro như khách hàng cố tình vi phạm, che giấu thông tin hoặc làm sai lệch thông tin về mình (lập báo cáo tài chính thiếu trung thực, sử dụng vốn vay sai mục đích...). Khách hàng thì do không có đầy đủ thông tin về thị trường sẽ dẫn tới những quyết định kinh doanh sai lầm. Do đó, việc sản xuất kinh doanh không đáp ứng nhu cầu và dẫn tới làm ăn thua lỗ, không trả được nợ cho ngân hàng.

Sự yếu kém trong quản lý của ngân hàng còn thể hiện ở chỗ ngân hàng thiếu một cơ chế theo dõi, quản lý rủi ro, thiếu hạn mức tín dụng tối đa cho từng khách hàng thuộc từng ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm, địa phương khách nhau để phân tán rủi ro, chưa có các tiêu thức đo lường rủi ro, độ rủi ro cho phép chấp nhận đối với mỗi đối tượng khách hàng. Ngân hàng chưa đánh giá đúng mức về khoản vay, về người đi vay hoặc do chủ quan tin tưởng khách hàng quen biết mà coi nhẹ khâu kiểm tra về tình hình tài chính, khả năng thanh toán hiện tại và tương lai, nguồn trả nợ.

b. Trình độ yếu kém của cán bộ tín dụng ngân hàng

Cán bộ tín dụng là người trực tiếp giao dịch với khách hàng, nắm bắt đặc điểm cũng như chất lượng khách hàng, khoản vay. Điều này đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có kiến thức, kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng phân tích, dự báo... Một bộ phân cán bộ tín dụng trình độ yếu kém không đánh giá được hết

các khả năng rủi ro liên quan đến khoản vay sẽ dần đến quyết định cho vay sai lầm và nguy cơ phát sinh nợ xấu rất cao.

Một số cán bộ của hệ thống NHTM sa sút về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, thiếu vững vàng do đó đã lợi dụng công việc được giao để móc ngoặc với con nợ, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm giàu bất hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản và tiền vốn. Đây là rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng.

Ngoài ra, năng lực quản trị điều hành của ban lãnh đạo ngân hàng không tốt như: Buông lỏng quản lý, khoán trắng mọi việc cho cán bộ tín dụng, việc quản lý con người chưa đúng mức cũng như các hoạt động khác trong quản lý ngân hàng dẫn đến những sai lầm trong các quyết định cho vay, đưa đến chất lượng tín dụng kém kéo dài. Ngoài ra, vấn đề rủi ro đạo đức cũng xảy ra khi lãnh đạo ngân hàng có quan hệ lợi ích với khách hàng. Sự yếu kém của cán bộ tín dụng ngân hàng thể hiện ở chỗ nếu cán bộ tín dụng không tính toán chính xác hiệu quả đầu tư của dự án xin vay thì họ sẽ dễ dàng có những những quyết định sai lầm trong cho vay. Hoặc người cán bộ tín dụng khi chưa được đào tạo đầy đủ, không am hiểu về lĩnh vực kinh doanh mà mình đang cho vay sẽ không thể đánh giá hết khả năng sinh lời cũng như những rủi ro của khách hàng. Đôi khi, những cán bộ tín dụng vì một lý do nào đó vẫn cố ý cho vay mặc dù biết dự án không có hiệu quả sẽ dẫn tới rủi ro cho ngân hàng. Trong những trường hợp như vậy thì khả năng mất vốn của Ngân hàng là rất cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam chi nhánh thái nguyên (Trang 37 - 41)