Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà
Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
2.1.4.1. Yếu tố khách quan
a. Yếu tố thuộc về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước luôn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói chung và sự phát triển của ngành, lĩnh vực nói riêng. Do đó, nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước luôn phải bám sát phục vụ các mục tiêu này kể cả về quy mô và phạm vi đầu tư. Chẳng hạn, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, phân bổ chi ngân sách Nhà nước phải có sự ưu tiên cho vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi và duy trì việc vận hành các công trình này để đảm bảo phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp (Phô Thi San Sa May, 2014).
b. Yếu tố thuộc về chính sách tài chính quốc gia
Nội dung chủ yếu của chính sách tài chính quốc gia bao gồm chính sách huy động (vốn trong nước, vốn nước ngoài), chính sách thuế, chính sách sử dụng
ngân sách Nhà nước, chính sách tài chính đối ngoại, chính sách tài chính doanh nghiệp... việc thực thi các chính sách này sẽ quyết định đến quy mô, cơ cấu nguồn lực tập trung vào tay Nhà nước đến mức độ nào, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tài chính cho vốn đầu tư. Quy mô, cơ cấu nguồn lực thực cho việc vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đặt ra yêu cầu quản lý, điều tiết của Nhà nước cũng như phương thức quản lý. Trong điều kiện kinh tế thị trường, xu hướng chung là Nhà nước thực hiện đa dạng hóa nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo, xóa bao cấp bất hợp lý từ ngân sách Nhà nước; tăng tỷ trọng ngân sách cho vốn đầu tư nguồn nhân lực và cho các lĩnh vực văn hóa – xã hội, kết hợp nguồn lực của Nhà nước với các nguồn vốn khác nhằm phát triển mạnh mẽ các công trình công cộng, coi trọng tính hiệu quả sử dụng nguồn lực trên cơ sở theo hướng gắn liền các điều kiện cung cấp các yếu tố đầu vào kết hợp với kết quả đầu ra, tăng cường dân chủ, minh bạch và phát huy tính tự chủ tài chính của Nhà nước (Phô Thi San Sa May, 2014).
2.1.4.2. Yếu tố chủ quan
a. Mô hình tổ chức bộ máy quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước
Mỗi cơ chế quản lý, vận hành của hệ thống chỉ có thể tồn tại gắn liền với cơ cấu nhất định của hệ thống đó. Do đó, mô hình tổ chức bộ máy chi phối trực tiếp đến quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Mô hình tổ chức bộ máy là cơ sở cho việc thiết lập cơ chế phân cấp quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (bao gồm phân quyền, trách nhiệm trong quản lý, phân công nhiệm vụ trong quản lý) và định ra các nguyên tắc xác lập mối quan hệ phối hợp trong quản lý giữa các cấp. Mô hình tổ chức quản lý cũng chi phối đến quy trình lập, phê duyệt, phân bổ ngân sách Nhà nước cho vốn đầu tư, đồng thời nó cũng đặt ra yêu cầu phải thiết lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát tương ứng đối với tất cả các giai đoạn của quá trình vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nếu mô hình tổ chức quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước phù hợp sẽ tạo điều kiện cho việc phân cấp quản lý và thiết lập mối quan hệ phối hợp thuận lợi giữa các cấp (Phô Thi San Sa May, 2014).
b. Năng lực và trình độ quản lý của cán bộ các cấp
Trình độ quản lý chi phối đến việc quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là cơ chế phân cấp quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nếu trình độ quản lý đồng đều, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong điều kiện kinh tế
thị trường sẽ xác lập được cơ chế quản lý tốt, có khả năng tăng cường phân cấp sâu rộng trong quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trình độ quản lý cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật của thị trường, khả năng triển khai các nguyên tắc, phương pháp quản lý, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào quản lý cũng như khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (Phô Thi San Sa May, 2014).
* Năng lực chuyên môn của các cơ quan tư vấn
Năng lực chuyên môn của các cơ quan tư vấn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi còn nhiều bất cập, chất lượng thiết kế các công trình thủy lợi của các cơ quan tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất, dẫn đến tiến độ thực hiện xây dựng công trình thủy lợi còn chậm, hiệu quả thấp hoặc phải duyệt lại dự án, duyệt lại thiết kế và dự toán công trình.
Công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế, thậm chí còn mang tính hình thức, thiếu các cán bộ có năng lực chuyên môn đảm nhiệm khâu thẩm định dự án, thiết kế và dự toán tại các cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến chất lượng dự án và thiết kế công trình chưa đảm bảo.
Công tác thẩm định thiết kế, dự toán và công tác xét thầu còn nhiều phiền hà, phức tạp. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự phối hợp chưa đồng bộ, chưa nhịp nhàng ăn khớp. Mặt khác, với sự thay đổi của các chính sách về quản lý đầu tư và xây dựng, đấu thầu và chỉ định thầu nên việc triển khai các thủ tục còn chậm.
* Năng lực quản lý của chủ đầu tư
Năng lực quản lý của chủ đầu tư có ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi. Phần lớn các cán bộ đều là kiêm nhiệm, thiếu thời gian, thiếu chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, nên quá trình chỉ đạo thực hiện từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến nghiệm thu thường chậm, chất lượng lập dự án chưa cao, thiếu các dữ liệu hoặc các dữ liệu mang tính chất ước lượng, năng lực nghiệm thu của các nhà thầu còn hạn chế.
Công tác chuẩn bị đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chưa sát với tình hình thực tế, việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, các huyện, các ngành chưa chủ động thực hiện việc chuẩn bị đầu tư, mặt khác do tính cấp bách nên một số dự án chưa hoàn thành thủ tục vẫn đưa vào kế hoạch đầu tư nên tiến độ triển khai rất chậm.
Các nhân tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các dự án đầu tư, do vậy muốn thực hiện đầu tư có hiệu quả thì địa phương phải có các cơ chế quản lý vốn một cách hợp lý. Đội ngũ cán bộ phải được đào tạo sâu về chuyên môn. Đối với đơn vị thực hiện đầu tư phải nghiên cứu, đầu tư sao cho có hiệu quả cao nhất, tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.