Quan điểm và định hướng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 115 - 125)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.5. Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý vốn

4.5.1. Quan điểm và định hướng

4.5.1.1. Mục tiêu phát triển thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc

Đề xuất các giải pháp quy hoạch chi tiết phát triển thuỷ lợi, nhằm phát triển bền vững, quản lý khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến 2030. Phương án quy hoạch bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giải quyết các vấn đề về cấp thoát nước phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, sinh hoạt và các ngành kinh tế như công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai bão lũ, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn đất và nước.

4.5.1.2. Nhiệm vụ phát triển thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc

Đến năm 2020 nhiệm vụ rà soát quy hoạch thuỷ lợi tập trung vào những vấn đề sau:

a) Về cấp nước: Tu sửa, nâng cấp các công trình hiện có, đồng thời xây dựng các công trình mới ở cả ba vùng: Đồng bằng, miền núi và trung du, nhằm phục vụ tốt nhất cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể như sau:

+ Cấp nước cho sản xuất trồng trọt: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho 90.000 ha lúa và hoa màu (với mặt bằng canh tác khoảng 41.000 ha, hiện tại mặt bằng canh tác là 43.300 ha đến 2015 dành cho công nghiệp trên 2000 ha); Trong đó: lúa 60 ngàn ha; Ngô 15 - 17 ngàn ha; Rau, hoa 5 ngàn ha; Cây ăn quả vùng đồi 10.000 ha.

+ Cấp nước cho chăn nuôi gia súc gia cầm: Đảm bảo đủ nước cho 150 ngàn con trâu, bò; 600 ngàn con lợn; 7,5 - 8 triệu con gia cầm.

+ Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho 4.500 - 5.000 ha nuôi trồng thuỷ sản Trong đó: Nuôi thâm canh, chuyên canh 500 ha;Nuôi 1 vụ cá, 1 lúa 3.500 - 4.500 ha.

+ Cấp nước cho công nghiệp, dịch vụ: Đáp ứng đủ nước theo yêu cầu dùng nước của các khu công nghiệp và dịch vụ.

+ Cấp nước tạo nguồn cho sinh hoạt khu vực nông thôn: Đến năm 2010 đảm bảo 85% dân cư nông thôn, khoảng 500 ngàn nười được sử dụng nước hợp vệ sinh với mức tối thiểu 60 lít/người ngày.

b) Về tiêu úng:

Phương châm: ưu tiên những công trình tiêu thoát nước tự chảy, kết hợp tiêu úng với nuôi trồng thuỷ sản, giải pháp lâu dài tiêu động lực kết hợp với trọng lực, đảm bảo tiêu thoát cho nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và dân sinh với mức đảm bảo hợp lý hiệu quả.

Nhiệm vụ:

+ Trước mắt tập trung tu sửa, nâng cấp các công trình tiêu úng hiện có, các trạm bơm tiêu cục bộ, nạo vét các trục tiêu, cầu Triệu, cầu Đọ, cầu Mai, sông Phan, sông Cà Lồ, kênh tiêu Bến Tre, kênh tiêu Nam Yên Lạc...;

+ Từng bước triển khai xây dựng công trình tiêu mới trên cơ sở qui hoạch tiêu úng tổng thể sông Phan - Cà Lồ và tiêu úng của các vùng khác phân định rõ và kết hợp hài hoà giữa khoanh vùng tiêu úng với chuyển đổi cơ cấu 1 lúa + 1 cá.

c) Về phòng lũ và chỉnh trị sông: Tiếp tục hoàn chỉnh việc nâng cấp toàn bộ hệ thống đê theo qui hoạch phòng lũ, đảm bảo chống được lũ theo tiêu chuẩn phòng, chống lũ đồng bằng sông Hồng.

- Tiếp tục tu sửa các tuyến kè để chống sạt lở bờ sông, bảo vệ sản xuất vùng bãi.

- Cải tạo, nâng cấp các cống dưới đê, đảm bảo tiêu nước nội đồng trong điều kiện mực nước sông thấp hơn trong đồng.

- Xây dựng mới một số hồ để góp phần giảm lũ trong nội đồng, cắt giảm lũ quét cho hạ du công trình.

d) Về môi trường

Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tính bền vững của môi trường sinh thái vùng nghiên cứu.

e) Các vấn đề khác

- Đề ra các chính sách quản lý, đảm bảo khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước, phát triển bền vững chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Nâng cao được năng lực quản lý nguồn nước của các hệ thống. Ngoài ra còn xem xét các giải pháp quản lý, khai thác vận hành các công trình có phù hợp với tỉnh Vĩnh Phúc hay không từ đó đề xuất các giải pháp về quản lý có hiệu quả hơn.

- Đề xuất, xây dựng các công trình ưu tiên từ nay đến 2015 và sau 2015. - Dự kiến nguồn vốn đầu tư.

4.5.1.3. Quan điểm quy hoạch thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc

Quy hoạch thuỷ lợi của tỉnh Vĩnh Phúc cần phải phù hợp với:

Định hướng Chiến lược phát triển thuỷ lợi Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ký ngày 09/10/2009.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Quy hoạch phát triển nông lâm thuỷ sản tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế (sử dụng đất, công nghiệp, du lịch, giao thông,...) tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

4.5.1.4. Phương hướng tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc

- Hoàn thiện quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phải bảo đảm tính hiệu quả của vốn đầu tư.

- Hoàn thiện quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phải đảm bảo cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp của tỉnh được chuyển dịch theo hướng hiệu quả.

- Hoàn thiện quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phải đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp quản lý.

4.5.2. Giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc

4.5.2.1. Giải pháp hoàn hiện phân cấp quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc

- Hoàn thiện phân cấp thẩm quyền, thẩm định đối với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi.

Tăng cường phân cấp thẩm quyền trong thẩm định vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi theo hướng phân cấp cần triệt để, rõ ràng hơn, cụ thể, không duy trì việc một cơ quan có tư cách pháp lý kép (vừa là người quyết định đầu tư, vừa là chủ đầu tư), tăng quyền hạn và trách nhiệm của các cấp, chỉ thực hiện uỷ quyền trong trường hợp không thể phân cấp được.

Các giải pháp cụ thể:

Một là, cần tách bạch quyền quyết định đầu tư và quyền chủ đầu tư trong thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi tại tỉnh Vĩnh Phúc. Với một quy mô vốn đầu tư nhất định, cơ quan quản lý ở một cấp đã được phân cấp quyết định vốn đầu tư thì không được phân cấp làm chủ vốn đầu tư; hoặc cơ quan quản lý ở một cấp được phân cấp làm chủ đầu tư thì không thực hiện thẩm quyền quyết định vốn đầu tư.

Hai là, việc phân cấp thẩm quyền thẩm định vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phải dựa trên cơ sở năng lực thực tế và các điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị nhằm, một mặt phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp, mặt khác phải đảm bảo chất lượng quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thiện phân cấp phân bổ ngân sách đầu tư.

Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm lập dự toán chi tiêu công tại cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp huyện, chi tiết theo các lĩnh vực và khoản mục chi, trong đó phải cụ thể cho từng công trình thủy lợi ở các địa phương trong từng giai đoạn. Ban quản lý đầu tư tham mưu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ ngân sách đầu tư cho các công trình thủy lợi trong phạm vi ngân sách

cấp tỉnh, trình uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng quyết định điều chỉnh dự toán chi cho các công trình thủy lợi khi thấy cần thiết. Ban quản lý đầu tư quyết định các biện pháp để triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư cho các công trình thủy lợi theo các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, giám sát việc thực hiện các hoạt động chi đầu tư vốn từ ngân sách Nhà nước cho các công trình thủy lợi đã được thông qua. Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương cho việc đầu tư các công trình thủy lợi, trong trường hợp cần thiết, dự toán này có thể được điều chỉnh và phải báo cáo lại cơ quan quản lý Nhà nước trung ương, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp.

4.5.2.2. Giải pháp hoàn thiện lập kế hoạch ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc

a. Nâng cao chất lượng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của tỉnh

Nâng cao chất lượng lập kế hoạch vốn đầu tư theo hướng tăng cường nghiên cứu cơ bản, xã hội hóa việc đề xuất ý tưởng đầu tư, nâng cao tính khoa học của luận chứng đầu tư nhằm đảm bảo tính sát thực của việc đưa ý tưởng hình thành đầu tư vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, vùng, quy hoạch phát triển thủy lợi của các địa phương, các chương trình đầu tư có sử dụng ngân sách Nhà nước. Để đảm bảo chất lượng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi được nâng cao đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính nói chung và là căn cứ chắc chắn cho việc kế hoạch hoá hoạt động tại các công trình thủy lợi được đầu tư từ ngân sách nhà nước cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Một là, tạo khung khổ pháp lý đủ mạnh, đồng bộ cho việc lập kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, đồng thời kiện toàn việc lập, phê duyệt và quản lý kế hoạch vốn ở tất cả các ngành, đơn vị có liên quan trong lĩnh vực thủy lợi. Đặt phương thức, nội dung và phương pháp lập kế hoạch trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Chú trọng kế hoạch dự báo và cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều cho đơn vị, các công ty TNHH một thành viên thủy lợi, nhằm phục vụ công tác xây dựng kế hoạch vốn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi. Tuân thủ các quy luật của thị trường để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng của tổ chức tư vấn (tư vấn thiết kế xây dựng công trình thủy lợi) thuộc mọi thành phần kinh tế, đồng thời có chế tài đủ mạnh, gắn quyền lợi, trách

nhiệm của tổ chức tư vấn này đối với sản phẩm tư vấn thiết kế; đảm bảo có sự kết hợp hài hòa, hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi của từng địa phương với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, quy hoạch sử dụng đất… Đảm bảo tính kết nối giữa các loại quy hoạch của tỉnh trong địa phương.

Hai là, công khai, minh bạch, tăng cường công tác giám sát, tham gia của cộng đồng đối với việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, trong đó đặc biệt ưu tiên sự tham gia của cán bộ các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và cán bộ các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Vĩnh Phúc, cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc… Bản kế hoạch phân bổ vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi cần phải có sự phản biện của các ngành, đơn vị hữu quan, của chính quyền cấp huyện hay của cộng đồng dân cư nông thôn nhằm tập hợp được đông đảo trí tuệ của tập thể, hạn chế tối đa những bất cập, sai sót và tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi. Bản đồ quy hoạch xây dựng mới, sửa chưa, nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa mặt bờ kênh các loại... cần phải được công khai để các chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận, sử dụng trong quá trình lập quản lý vốn đâu tư.

Ba là, gắn trách nhiệm kinh tế, chính trị, chức vụ với chất lượng quyết định phê duyệt các quy hoạch của người có thẩm quyền. Triệt để xóa bỏ tư tưởng làm quy hoạch theo nhiệm kỳ, theo ý đồ cá nhân, ngành, đơn vị tỉnh có thẩm quyền.

b. Đổi mới phương thức lập kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của tỉnh Một là, cần tăng cường sự phối hợp các ngành, đơn vị trong việc lập kế hoạch ngân sách (vốn ngân sách) đầu tư. Kế hoạch vốn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi cần được xây dựng cho kỳ kế hoạch 5 năm cùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà Đảng và Nhà nước đã hoạch định để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch vốn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi cần được xây dựng căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu cụ thể của kế hoạch 5 năm và căn cứ vào khả năng huy động các nguồn vốn của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chi Cục thủy lợi tỉnh, các Công ty TNHH MTV thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc… cần xây dựng

chiến lược phát triển của ngành, của đơn vị mình từ nay đến năm 2020 để trình UBND tỉnh thông qua, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch phát triển thủy lợi, quy hoạch sử dụng vốn ngân sách đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của tỉnh trong giai đoạn tới.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, với tư cách là cơ quan chủ trì, tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi cần có cơ chế tham gia phối hợp của các ngành, đơn vị. Các đơn vị hiểu rõ hơn ai hết nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch của mình và khả năng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các loại nguồn vốn khác đáp ứng kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi của tỉnh. Vì vậy, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi của tỉnh là giải pháp cần thiết để ngân sách đâu tư trong lĩnh vực thủy lợi của tỉnh thực sự là công cụ kế hoạch của tỉnh, ngành, đơn vị trong đầu tư.

Hai là, lập kế hoạch ngân sách vốn đầu tư trong lĩnh vực thủy lợi phải đảm bảo tính kịp thời của kế hoạch vốn. UBND tỉnh cần ấn định thời gian lập kế hoạch vốn ngân sách đâu tư trong lĩnh vực thủy lợi chậm nhất vào cuối quý I năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trên cơ sở ấn định thời điểm phê duyệt, Sở Kế hoạch và đầu tư có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng ngân sách với sự tham gia sâu rộng của các ngành, đơn vị, các nhà khoa học. Trên thực tế, ngân sách đâu tư giai đoạn 2006 - 2010 được UBND tỉnh phê duyệt chậm sau gần 1 năm kể từ tháng đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Điều đó làm ảnh hưởng tới quá trình xây dựng, quản lý thực hiện dự án và quản lý vốn ngân sách đâu tư trong lĩnh vực thủy lợi.

4.5.2.3. Giải pháp hoàn hiện tổ chức thực hiện kế hoạch vốn đầu tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 115 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)