PHẦN 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH
3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội
3.1.2.1. Tình hình kinh tế
Thái Thụy là một huyện kinh tế chủ yếu nông nghiệp. Trong những năm gần đây cùng với sự đi lên của nền kinh tế đất nước, nển kinh tế Thái Thụy cũng có nhiều chuyển biến tích cực cụ thể :
Về nông nghiệp: Trồng lúa nước, lạc, cói, khoai lang, thuốc lào. Chăn nuôi: lợn, tôm, cá, làm muối, Thủ công dệt, đan chiếu cói, trạm khảm. Nghề thủ công như đóng gạch, mỹ nghệ. Ngành trồng trọt phát triển tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi cũng phát triển theo, số lượng đàn trâu-bò và đàn lợn không ngừng tăng lên qua các năm; sản lượng và chất lượng thịt cũng ngày được nâng cao.
Về chế biến thủy sản và nuôi trồng thủy sản: Với bờ biển dài 27 km và hàng chục nghìn km2 lãnh hải, có 3 cửa sông lớn hàng năm đổ ra biển một
lượng lớn phù sa, vùng biển Thái Thụy có một tiềm năng hải sản phong phú. Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu Hải sản 1, trong vùng biển Thái Thụy có ít nhất 46 loài cá có giá trị kinh tế cao, 10 loài tôm, 5 loài mực v.v... Chế biến nước mắm ngon nổi tiếng Diêm Điền, nuôi tôm, cua, ghẹ, ngao, ngán, cá... Đời sống nông thôn không ngừng được cải thiện từ chỗ thiếu lương thực đã phấn đấu đủ ăn và giành một phần cho xuất khẩu là một điều đáng khích lệ cho người lao động.
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN -TTCN): Là huyện ven biển có nhiều cơ sở sản xuất CN, TTCN và dịch vụ, nằm trong khu kinh tế ven biển của Thái Bình, có nhiều nghề truyền thống: vận tải biển, khai thác, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, có nhiều làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... mặt khác trong chủ trương xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia, các xã đang tập trung phát huy lợi thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển CN, TTCN và dịch vụ.
Huyện được tiếp nhận nhiều dự án lớn của Trung ương, của Tỉnh: Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc và nhà máy sản xuất Amonitorat tại xã Thái Thọ sẽ tạo động lực để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp chế biến và nguyên liệu sản xuất. Đề án phát triển kinh tế biển của tỉnh đến năm 2020, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiêp (CCN) ra phía biển và xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển (KCN Thụy Trường quy mô 300 ha và KCN Thái Thượng quy mô 250 ha...), huy động nguồn lực thực hiện nạo vét luồng lạch, khôi phục cảng Diêm Điềm. Hiện nay danh mục các CCN do huyện quản lý đã được tỉnh phê duyệt đến năm 2025 gồm 7 CCN, đã quy hoạch chi tiết 3 CCN (Mỹ Xuyên, Thái Thọ và Thụy Tân).
Tăng trưởng kinh tế:
Trong những năm qua nền kinh tế của huyện Thái Thụy đã có những bước phát triển khá góp phần vào sự phát triển chung của cả tỉnh. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 22,01%/năm cao hơn mức bình quân 17,72%/năm của thời kỳ 2011 – 2015.
Các lĩnh vực kinh tế thì liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2015-2017 đạt 4,79%/năm; Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất so với các lĩnh vực còn lại đạt 49,03%;
Lĩnh vực dịch vụ đạt 7,29%. So với tốc độ tăng trưởng từng lĩnh vực giai đoạn 2011-2015 thì lĩnh vực công nghiệp xây dựng có tốc độ tăng trưởng lớn và vượt trội do trong giai đoạn này huyện Thái Thụy thực hiện xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 và nhà máy sản xuất Amonitorat có trị giá hàng tỷ USD/công trình do đó đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện.
Bảng 3.2. Tăng trưởng kinh tế của huyện Thái Thụy giai đoạn 2015-2017
Chỉ tiêu Năm 2015 (tỷ đồng) Năm 2016 (tỷ đồng) Năm 2017 (tỷ đồng) Tốc độ tăng trưởng (%) 2011- 2015 2015- 2017 Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) 11.946,3 13.486,2 17.784,7 17,72 22,01 - Nông, lâm, thủy sản 4.294,0 4.458,0 4.715,5 4,81 4,79 - Công nghiệp, xây dựng 3.982,0 5.047,1 8.844,0 29,53 49,03
- Dịch vụ 3.670,3 3.981,1 4.225,2 15,74 7,29
Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Thái Thụy (2018) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng dần tỷ trọng ngành phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp (Tuy nhiên giá trị tuyệt đối các ngành nông nghiệp vẫn tăng).
Lĩnh vực nông, lâm , thủy sản giảm tỷ trọng từ 36,0% năm 2015 xuống 26,5% năm 2017. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng đột phá, tăng tỷ trọng từ 33,3% năm 2015 lên 49,7% năm 2017. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ giảm từ 30,7% năm 2015 xuống 23,8% năm 2017.
3.1.2.2. Dân số và lao động
Theo công bố tại niên giám thống kê tỉnh Thái Bình năm 2016 thì tổng dân số huyện Thái Thụy là 248.975 người; Trong đó nam là 120.469 người chiếm 48,39%, nữ là 128.506 người chiếm 51,61%; Phân theo khu vực: Thành thị là 11.922 người chiếm 4,79%; Nông thôn là 237.053 người chiếm 95,21 %.
Tỷ lệ tăng tự nhiên là 0,32%; Mật độ dân số là 927 người/km2. Như vậy, số người dân sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ rất cao tới 95,21%, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân huyện Thái Thụy (Cục thống kê tỉnh Thái Bình, 2017).
Cơ cấu lao động của huyện Thái Thụy năm 2017 là: Lao động nông, lâm, thủy sản chiếm 58,2%; Lao động công nghiệp, xây dựng chiếm 23,6%; Dịch vụ chiếm 18,2%; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 55%; Trong đó qua đào tạo nghề đạt 41,5%.
58.2%
23.6%
18.2%
Nông, lâm, thủy sản Công nghiệp, xây dựng
Dịch vụ
Đồ thị 3.1. Cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Thái Thụy năm 2017
Nguồn: Chi cục thống kê huyện Thái Thụy (2018) Qua đồ thị cho thấy, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Thái Thụy thì lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ rất cao, do đó việc đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có ý nghĩa rất lớn với đại bộ phận người lao động của huyện.
3.1.2.4. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội
Hạ tầng giao thông: Trong nhiều năm qua, Thái Thụy đã tập trung đầu tư để nâng cấp đường giao thông do tỉnh, huyện quản lý, rải nhựa, rải cấp phối và thường xuyên duy tu, sửa chữa được nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn. Thái Thụy có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, với Quốc lộ
39, Quốc lộ 37; Quốc lộ 37B, 47, 216, 456... chạy qua; đường thủy trên sông Trà Lý, Diêm Hộ, Sông Hóa. Huyện có hai bến xe lớn là Chợ Lục, xã Thái Xuyên và thị trấn Diêm Điền. Đồng thời cũng là là địa phương có dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua.
Văn hoá du lịch: Huyện Thái Thụy có nhiều địa điểm du lịch nghỉ mát như bãi biển Cồn Đen (thuộc xã Thái Đô), rừng ngập mặn ven biển Thụy Xuân - Thụy Trường, Rừng ngập mặn ven biển xã Thái Thượng - Thái Đô (trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng) với rất nhiều loài chim quý hiếm như sếu đầu đỏ, cò,... và các loại thủy hải sản quý như ngao, tôm sú, cua..., mặt khác trong huyện cũng có rất nhiều các khu du lịch văn hóa nổi tiếng của tỉnh Thái Bình như lễ hội Chùa Bảo Linh (xã Thuỵ Phúc), Đền Hệ (xã Thuỵ Ninh), Đền Hét (xã Thái Thượng), Đền Hạ Đồng (xã Thụy Sơn), Đền Tam Tòa (xã Thụy Trường), Đình Từ và Đình Đông xã Thái Xuyên là những nơi thờ các vị anh hùng của dân tộc như Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo. Là quê hương anh hùng dân tộc Lý Bí. Có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Quê hương của Nguyễn Đức Cảnh, người tham gia rất sớm vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thái Thụy còn nổi tiếng với món ẩm thực gỏi nhệch, cá khoai, chả cá, sứa chua, canh don, và gỏi sứa.
Công tác hoạt động văn hoá - thể dục thể thao mang tính quần chúng rộng rãi được giữ vững và phát huy được bản sắc dân tộc. Công tác đoàn thể ở địa phương hoạt động sôi nổi, công tác đoàn, đội, hội ở các xã thường xuyên được quan tâm và giữ vững được vai trò của mình. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá từ các gia đình đến làng xã tiếp tục được nhân rộng. Phong trào dân số - kế hoạch hoá gia đình, nếp sống văn minh, gia đình văn hoá cùng với việc đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, đã góp phần giữ vững an ninh, ổn định kinh tế chính trị trên địa bàn. Đến nay, các xã trong huyện đều có đội văn nghệ, các di tích lịch sử văn hoá được bảo tổn tôn tạo, các hoạt động sinh hoạt truyền thống, lễ hội phát huy được nền văn hoá tốt đẹp của địa phương. Nhìn chung công tác xoá đói giảm nghèo, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình nông thôn đang đi vào ổn định vững chắc, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Giáo dục: Thái Thụy có 5 trường Trung học phổ thông; 1 trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 145 trường: Mầm non, Tiểu học và
trung học cơ sở. (72,4%) đạt chuẩn quốc gia (tăng 3,4% so với năm 2014). Trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Mạng lưới trường lớp phân bố khá đều trên khắp địa bàn, đáp ứng đủ điều kiện cho tất cả học sinh trong độ tuổi có thể đến trường. Công tác giáo dục - đào tạo đạt thành tích tốt. Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ huy động các cháu đến Nhà trẻ đạt 72,6%, Mẫu giáo 100%, trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; Tiểu học và Trung học cơ sở đạt 100%; học sinh tiểu học được khen thưởng cấp huyện trở lên 3.100 học sinh (đạt 18,9%), học sinh Trung học cơ sở đạt loại giỏi 3.281 (chiếm 23,55%), học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 98.9%, tốt nghiệp lớp 5 đạt 100%, học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 Trung học phổ thông đạt 71.5%; giáo viên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 79.3% (tăng 5%) (trong đó Mầm non 78,1% (tăng 10%); Tiểu học 90,4% (tăng 5%); Trung học cơ sở 71,5% (tăng 3%);
Y tế: Hệ thống cơ sở y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nhân dân về khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được nâng cấp. Ngành y tế đã tăng cường triển khai thực hiện công tác y tế dự phòng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Các hoạt động cấp cứu, khám, điều trị phục vụ người bệnh ở tuyến huyện và cơ sở được bảo đảm, không có tai biến lớn trong điều trị. Các chương trình mục tiêu y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình được thực hiện nghiêm túc. Hiện nay 100% số xã, thị trấn có trạm y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm còn 13,08% (giảm 0,53% so với năm 2014), tiêm chủng đủ mũi cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 99,5%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 75% (tăng so với năm 2014 là 1,2%); Số sinh ước năm 2015 là 3.887 ca (giảm 166 ca so với năm 2014), sinh con thứ 3 là 632 ca (tăng 19 ca so với năm 2014).