Phần 3 Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đặc điểm cơ bản của thành phố bắc giang và ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
3.1.1. Đặc điểm cơ bản thành phố Bắc Giang
3.1.1.1. Đặc điểm về vị trí địa lý
Thành phố Bắc Giang là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh Bắc Giang, với vị trí thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch chiến lược (gồm đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng. Được xác định là vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng: Nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398, 293…; các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Kép - Hạ Long, Hà Nội - Kép - Thái Nguyên chạy qua; có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng; tiếp cận thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế trên biên giới Lạng Sơn.
Thành phố Bắc Giang (đô thị nằm trong khối địa hình chung, đa dạng, vừa có núi cao, vừa có vùng trung du xen kẽ đồng bằng của tỉnh Bắc Giang) là đến với một đô thị yên bình, phát triển theo định hướng “ Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”…Với khí hậu đặc trưng chịu ảnh hưởng của gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 4 - 10, mùa khô từ tháng 11- 3; nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23,20C - 23,80C; độ ẩm trung bình từ 83 - 84%; tổng lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 1.400 - 1.730mm nên thành phố Bắc Giang có nhiều thuận lợi phát triển KTXH trước mắt cũng như lâu dài.
Năm 2005 UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, theo quy hoạch được hạ tầng kỹ thuật của thành phố được tiến hành đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh theo hướng văn minh, hiện đại; quá trình lập quy hoạch cũng đã tính đến việc phát triển mở rộng địa giới hành chính của thành phố để đáp ứng tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020. Trên cơ sở định hướng quy hoạch, những năm qua trung ương và tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư nhiều dự
án cho thành phố, một số dự án tiêu biểu đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành như: dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố (vốn ODA Đan Mạch), dự án khu dân cư số 1, khu dân cư số 2, dự án HTKT khu dân cư quanh công viên trung tâm, HTKT khu dân cư quanh công viên trung tâm …. Việc hoàn thành các dự án đã góp phần mở rộng đáng kể không gian đô thị của thành phố, cải thiện rõ nét cảnh quan, môi trường đô thị đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố trong thời gian qua. Hiện nay, nhiều khu dân mới đang được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư cho thành phố như: khu dân cư cạnh đường Xương Giang, khu đô thị phía Nam và phía Tây Nam thành phố, …
Đến năm 2016, thành phố có trên 100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có những khách sạn đạt tiêu chuẩn 2, 4 sao như: Mường Thanh, Bắc Giang, Hữu Nghị (Minh Trung), Lam Sơn, Hoà Bình, Hoàng Gia... Hiện nay, thành phố có 02 điểm du lịch tự nhiên, sinh thái và 43 di tích lịch sử (14 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh) đang được khai thác, tiêu biểu như: Di tích Chùa Kế, nghè Cả (phường Dĩnh Kế); đình Thành, chùa Thành (phường Xương Giang), chùa Vẽ (phường Thọ Xương), ... và 62 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội chiến thắng Xương Giang; chùa Hồng Phúc (phường Trần Nguyên Hãn); chùa Dền (phường Lê Lợi); Đình Vĩnh Ninh (phường Hoàng Văn Thụ).... Đến với Bắc Giang - thành phố bên bờ sông Thương - quý khách không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã là đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang được khách du lịch gần xa biết đến như: Chè kho Mỹ Độ, Bún Đa Mai, Bánh đa Kế, Mỳ Kế... mà còn được tham quan di tích lịch sử Thành Xương Giang, trận chiến Xương Giang diễn ra cách đây gần 600 năm nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài của lịch sử dân tộc.
Thành phố Bắc Giang trước kia và nay được biết đến với vai trò là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm - hoá chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thành phố có 06 làng nghề truyền thống được bảo hộ thương hiệu sản phẩm (Nghề Bánh đa Kế, Mỳ Kế, phường Dĩnh Kế; nghề Mộc, xã Dĩnh Trì; nghề sản xuất Bún bánh Đa Mai, phường Đa Mai; nghề tăm lụa, xã Tân Mỹ; nghề sản xuất Rọ tôm, xã Song Khê); 06 cụm công nghiệp vừa và nhỏ (46,3ha) gắn với hệ thống các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh liền kề thành
phố như: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng... đó những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị (UBND thành phố Bắc Giang, 2016).
Tuy nhiên, do tỉnh Bắc Giang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vì vậy việc bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng thành phố Bắc Giang phát triển cơ sở hạ tầng hàng năm còn rất hạn chế chủ yếu là bố trí đầu tư trong khu vực nội thị cũ, các khu đô thị và khu dân cư mới đã và đang thực hiện đều được đầu tư từ nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án; nhìn chung việc đầu tư xây dựng hạ tầng mới chỉ mang tính đơn lẻ, cục bộ, việc đầu tư được hệ thống hạ tầng để kết nối giữa các khu vực, các dự án với nhau còn rất hạn chế, chưa phát huy tối đa được giá trị và hiệu quả đầu tư.
3.1.1.2. Đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Bắc Giang a. Lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng khá. Các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn như ngành may mặc, điện tử, điện,... sản xuất ổn định, là động lực tăng trưởng chính cho ngành công nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 73.450 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được sự phát triển ổn định, giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 27.350 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2015.
Tổng diện tích gieo trồng đạt 172.850 ha, bằng 98,5% so với năm 2015. Năng suất các loại cây trồng chính đều tăng so với cùng kỳ. Giá trị trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng, tăng 13,8% so với năm 2015. Sản lượng lương thực có hạt đạt 661.285 tấn (trong đó, sản lượng lúa đạt 618.041 tấn vượt 1,2%). Sản lượng vải thiều đạt 142.000 tấn, bằng 73% so với năm 2015. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 230 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Đến hết 2016, toàn tỉnh trồng rừng được 7.945 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,3%.
Diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 12.320 ha, tăng 1% so với năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt 38.900 tấn, tăng 7,5%.
Đến hết tháng 12/2016, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt được/xã là 13,2 tiêu chí, tăng 0,5 tiêu chí, đạt kế hoạch đề ra, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 14 xã so với năm 2015.
Hoạt động thương mại, dịch vụ
Ngành dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 32.730 tỷ đồng, tăng 15,0% so với năm 2015.
Thương mại, giá cả, xuất, nhập khẩu
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2016 đạt 19.425 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu có bước tăng vượt bậc, giá trị xuất khẩu đạt 3.630 triệu USD, tăng 47,6% so với cùng kỳ, đạt 125,2% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.795 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.352,8 tỷ đồng, vượt 20,9% dự toán, trong đó thu nội địa là 3.672,8 tỷ đồng, bằng 122,4%, thu thuế xuất nhập khẩu 680 tỷ đồng, bằng 113,3% dự toán năm.
Chi ngân sách cả năm đạt 11.074,8 tỷ đồng, bằng 124,4% dự toán.
Tổng huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng khá. Đến 31/12/2016, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 28,8%; dư nợ tín dụng đạt 30.450 tỷ đồng, tăng 18,3%.
Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Khối lượng vận chuyển hành khách đạt gần 25,8 triệu lượt người, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 22,9 triệu tấn. Doanh thu từ hoạt động vận tải đạt 3.160 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2015
Doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 1.710 tỷ đồng, tăng 2,0%, nộp ngân sách đạt 126 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2015.
Dịch vụ du lịch
Số lượng khách du lịch tới tỉnh đạt 492.000 lượt, tăng 20,6% so với năm 2015.
Đầu tư phát triển
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015.
Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Toàn tỉnh đã thu hút mới được 151 dự án đầu tư, trong đó có 112 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 12.098 tỷ đồng, gấp 3,7 lần; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 686,6 triệu USD, trong đó cấp mới 39 dự án vốn đăng ký 618 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 68,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với năm 2015.
Nhìn chung, các dự án đầu tư trên địa bàn có quy mô lớn hơn, các dự án đầu tư trong nước đạt 108 tỷ đồng/dự án, gấp 3,6 lần, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,9 triệu USD/dự án, gấp 2,9 lần so với năm 2015. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.093 dự án đầu tư, trong đó có 839 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký là 53.767 tỷ đồng; 254 dự án FDI vốn đăng ký 3.473,6 triệu USD.
Có 758 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 34%, vốn đăng ký là 11.235 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2015. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5.761 doanh nghiệp; trong đó có 5.514 doanh nghiệp trong nước, vốn đăng ký là 32.323 tỷ đồng, 247 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký là 2.968 triệu USD và 827 chi nhánh, văn phòng đại diện.
b. Lĩnh vực văn hóa - xã hội Giáo dục và Đào tạo
Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm học 2015-2016, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước về chất lượng giải, tăng 5 bậc so với năm học 2014-2015; xếp thứ 2 toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 khu vực I; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPH năm 2016 đạt 98,6%, tăng 0,4% so với năm 2015...
Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì, đã có 224/230 xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, tăng 5 xã so với cùng kỳ. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 84,8%, bằng 99%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 81,6%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tiếp tục được đầu tư để đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2016, tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 90,9%.
Công tác tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình được thực hiện có hiệu quả. Năm 2016, mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,16‰; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1,16%; tỷ số giới tính khi sinh (nam/100 nữ) là 115,7/100, tăng 0,3 điểm so với năm 2015.
Công tác văn hóa, thể thao
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện hiệu quả; Tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá đạt 69%, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 85%. Phong trào thể thao tiếp tục phát triển.
Tình hình đời sống nhân dân, lao động, việc làm và chính sách xã hội Đời sống nhân dân trên địa bàn cơ bản ổn định. Đến hết năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11,9%.
Năm 2016, đã tạo việc làm mới cho trên 28.600 lao động (trong đó xuất khẩu lao động là 4.026 người chiếm 14,1%) (UBND tỉnh Bắc Giang, 2016).