2.1.4.1. Tuyên truyền kiến thức hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, hội viên phụ nữ có vị trí hết sức quan trọng xuyên suốt trong mọi hoạt động của các cấp Hội. Đặc biệt trong giai đoạn cách mạng mới, các cấp Hội luôn tích cực nâng cao năng lực truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước góp phần nâng cao vai trò của Hội trong phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế hộ gia đình cho phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng.
Để phát triển kinh tế hộ gia đình đạt kết quả, trong những năm qua các cấp Hội đã vận động, tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực phát triển kinh tế hộ bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ của Hội; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI (2014) về tầm quan trọng của ruộng đất đối với phát triển kinh tế hộ gia đình; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của phụ nữ trong công cuôc xây dựng nông thôn mới,... nhằm nâng cao vai trò của Hội LHPN, tầm quan trọng của người phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các đợt tuyên truyền cho phụ nữ về tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, tuyên truyền cho phụ nữ về kiến thức quản lý kinh tế, tuyên truyền phổ biến các chủ trương về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ và các đối tượng chính sách khác.
Xã hội ngày càng phát triển, cùng với xu thế hội nhập của đất nước phụ nữ cần tham gia tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay. Hoạt động tuyên truyền giúp phụ nữ có tư duy và cái nhìn mới về vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho phụ nữ là điều cần thiết được các cấp Hội quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện.
2.1.4.2. Tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh
Khoa học kỹ thuật trên thế giới ngày càng phát triển, cùng với các tiến bộ khoa học nông nghiệp ngày càng nhiều. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi luôn được quan tâm.
Với nhiệm vụ của mình, Hội phối hợp với các cơ quan Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh các giống lúa mới, chăm sóc cà rốt,…thông qua các hoạt động trên các cấp Hội đã góp phần làm chuyển biến nhận thức cho các gia đình thay đổi tập quán, thói quen canh tác, dùng giống, phân bón chất lượng cao,
giá cả phù hợp, cấy giống lúa ngắn ngày và các giống lúa có chất lượng cao, áp dụng công thức thâm canh phù hợp từng địa phương.
Một trong những hoạt động được khuyến khích trong thời gian qua là thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề gắn với tiềm năng và lợi thế của địa phương, phát huy tinh thần hợp tác, tương thân tương ái hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và thu hút đông đảo chị em tham gia. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh; mô hình của các làng nghề truyền thống (Khương Thị Lan, 2014).
2.1.4.3. Hoạt động tín chấp
* Nguồn vốn từ hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn
(NHNN &PTNT)
Hội LHPN Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT đã ký Nghị quyết liên tịch số 2310, ngày 18/11/1999 và văn bản thoả thuận liên ngành số 787/TTLN ngày 19/10/2010. Trên cơ sở các nghị quyết và Văn bản thỏa thuận, Hội LHPN đứng ra tín chấp cho hội viên phụ nữ vay vốn không phải thế chấp, thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm.
Tổ chức học tập, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Ngân hàng trong việc cho hộ gia đình là hội viên Hội Phụ nữ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Thành lập các tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ phụ nữ, các tổ vay vốn phải được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện của ngân hàng.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, phổ biến các kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hội viên, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Phối hợp cùng UBND xã, thị trấn, Ngân hàng NN& PTNT xử lý những trường hợp vi phạm quy định của Ngân hàng trong quá trình vay, trả nợ Ngân hàng của các thành viên trong tổ vay vốn.Đại diện cho hội viên bảo vệ các quyền lợi của người vay vốn theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dịch vụ hai bên đã ký kết.
* Nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH)
Theo Điều lệ Hội khoá XI, Hội là một tổ chức chính trị xã hội đại diện quyền và lợi ích của phụ nữ. Để hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ phát triển sản
xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững thực sự tạo bước đột phá, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động cụ thể gắn với vận động phụ nữ thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội đã tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng. Trong đó, vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, phấn đấu thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” bằng ý thức thực hành tiết kiệm; vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình,…
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Hội LHPN Việt Nam đã ký văn bản liên tịch số 213/VBLT ngày 10/3/2003 với Ngân hàng chính sách xã hội về việc tổ chức thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hội Phụ nữ các cấp tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định của Ngân hàng trong việc cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống. Phối hợp chỉ đạo thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để lập kênh dẫn vốn trực tiếp đến hộ nghèo, giúp hộ nghèo vay vốn tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, phát huy truyền thống đoàn kết tương trợ trong cộng đồng, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc nhau trong trả nợ tiền lãi, gốc đúng kỳ hạn cam kết. Cung cấp đúng, đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến vốn nhận ủy thác cho Ngân hàng CSXH và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Triển khai thực hiện nghiêm túc việc cho vay theo hợp đồng ủy thác cho vay. Việc cho vay, thu nợ, thu lãi, xử lý rủi ro… phải tuân theo các văn bản pháp quy, các quy định nghiệp vụ và văn bản liên quan khác của Ngân hàng CSXH. Sử dụng vốn nhận ủy thác đúng mục đích, đúng nội dung đã quy định và cam kết trong hợp đồng ủy thác cho vay. Hoàn trả vốn ủy thác và lãi thu được đúng hạn theo thỏa thuận và cam kết trong hợp đồng ủy thác cho
vay. Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của hộ nghèo và thực hiện báo cáo, thống kê theo quy định của Ngân hàng CSXH. Tham gia xây dựng các tài liệu tập huấn, tổ chức tập huấn và tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ do Ngân hàng CSXH tổ chức. Tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hộ nghèo, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cung cấp cho Ngân hàng CSXH về nguyện vọng của hội viên phụ nữ liên quan đến việc vay vốn Ngân hàng CSXH (Ngân hàng CSXH huyện Yên Phong, 2016).
2.1.4.4. Huy động và cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế
Nhằm nâng cao nhận thức, từng bước giúp hội viên trong Hội LHPN hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng; phát huy nội lực, tạo lập nguồn vốn chủ động trong các chi hội, giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hội LHPN huyện triển khai kế hoạch và phát động thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ vào nguồn quỹ tiết kiệm tại chi, tổ Hội.
Đối tượng tham gia tiết kiệm và ủng hộ gồm: cán bộ, hội viên phụ nữ tại chi, tổ Hội, các nhà hảo tâm, tổ chức do cán bộ chi Hội PN trực tiếp vận động. Nguyên tắc là “vận động tiết kiệm và quản lý tại cộng đồng”.
Hội viên phụ nữ bầu ra tổ quản lý gồm tổ trưởng, tổ phó và thư ký. Chi hội trưởng (tổ trưởng) là người chủ trì và quản lý danh sách hội viên tham gia tiết kiệm. Căn cứ vào số tiền tiết kiệm được của hội viên, chi Hội xét duyệt lấy ý kiến 2/3 hội viên có mặt trong buổi sinh hoạt đồng ý danh sách cho chị em vay (ưu tiên cho chị em khó khăn) và thống nhất phương thức trả vốn, lãi. Lãi suất vay (có hay không) do chi Hội quyết định, nếu tính lãi suất thì cũng không cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng chính sách cùng thời kỳ. Thời hạn vay: ba tháng, sáu tháng, 12 tháng. Thời gian thu hồi vốn vay theo sự thống nhất của hội viên trong chi Hội. Vốn vay được thu hồi tại các cuộc họp chi Hội.
Tất cả các hoạt động tiết kiệm, cho vay đều phải được công khai trong chi Hội và có sổ sách biên bản họp chi/tổ danh sách thu tiết kiệm, nhận vốn và hoàn trả gốc, lãi, theo dõi việc sử dụng lãi, định kỳ báo cáo cho Hội cấp trên (Hội LHPN huyện Yên Phong, 2016).
2.1.4.5. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh
Hội phụ nữ các cấp đã lựa chọn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ ở các địa phương, căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, tiềm lực kinh tế từng vùng, từng điều kiện sẵn có để phát triển.
Các cấp Hội thống nhất chọn mô hình là chủ hộ có tâm huyết, có ý chí và có hiểu biết nhất định về khoa học kỹ thuật. Đã có thời gian sản xuất kinh doanh từ 3 năm trở lên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Sau đó các cấp Hội hướng dẫn vào việc đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ vốn, tập huấn KHKT, tổ chức thăm quan mô hình; phối hợp cho vay vốn, tư vấn thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ phát triển.
Sau khi phối hợp tập huấn kỹ thuật, các cấp Hội đã chỉ đạo và cùng chủ hộ tổ chức thực hiện trong thực tế. Hàng tháng, quý tổ chức kiểm tra giám sát, đồng thời có định hướng để các hộ sản xuất đạt hiệu quả.
Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, hỗ trợ giống, vốn… có định hướng tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại. Sau những vụ sản xuất, các cấp Hội đều sơ kết đánh giá mô hình và rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
Thực hiện khâu đột phá tạo sự chuyển biến mới về chất lượng hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Hội LHPN các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ, chi Hội phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ như: Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng an toàn dịch bệnh, mô hình chế biến và tiêu thụ nấm ăn, mô hình trồng hoa lan trong nhà kính,…
Khi tham gia các mô hình sản xuất kinh doanh các hội viên sẽ được Hội LHPN hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, cây giống, con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi,… và bao tiêu sản phẩm cho các hội viên (Hội LHPN huyện Yên Phong, 2016).
2.1.4.6. Phối hợp tổ chức mở lớp dạy nghề
Ngoài việc quan tâm khai thác các nguồn vốn, để tạo việc làm ổn định cho lao động nữ trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 295/QĐ-TTg, 26/02/2010 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn
2010 - 2015". Các cấp Hội phụ nữ trong huyện đã luôn quan tâm đến công tác tào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, thường xuyên phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập.
- Hội các cấp đã chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục rà soát các đối tượng phụ nữ chưa qua đào tạo, các địa bàn bị thu hồi đất làm các dự án của Tỉnh, Huyện, các phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có việc làm để các hội viên được học nghề; Phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy nghề như: Trồng hoa cây cảnh, nấu ăn, làm đẹp, tin học… để họ dễ xin việc vào các cơ sở có nhu về lao động.
- Thường xuyên nắm bắt các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để phối hợp đào tạo nghề tại chỗ, giới thiệu ngay việc làm khi chị em có nhu cầu. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, tạo cơ hội để phụ nữ tìm được một việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định giúp chị em giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
2.1.4.7. Hoạt động giới thiệu việc làm
Phụ nữ nông thôn đa phần là làm nông nghiệp theo mùa vụ, do đó lượng lao động nhàn rỗi rất nhiều và thu nhập rất thấp. Để giúp các hội viên có thu nhập cao hơn, việc làm ổn định hơn Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo Hội LHPN các cấp thường xuyên liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ để giới thiệu cho các hội viên của mình. Hoạt động này đã giúp cho các hội viên có việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao đời sống cho các gia đình hội viên (Hội LHPN huyện Yên Phong, 2016).