Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng
2.2.2. Khả năng cho thịt của gia cầm
Sức sản xuất thịt của gia cầm là chỉ tiêu và yếu tố quan trọng nhất đối với gia cầm nuôi thịt. Khả năng cho thịt của gia cầm là khả năng tạo nên khối lượng cơ thể đến tuổi giết thịt. Khả năng này của từng giống, dòng là khác nhau. Và phụ thuộc vào nhiều yếu tố đó là đặc điểm ngoại hình, khối lượng cơ thể, tốc độ tăng khối lượng, chế độ dinh dưỡng, khả năng hấp thụ thức ăn,... Khả năng sản xuất thịt được biểu hiện thông qua 2 chỉ tiêu đó là năng suất thịt và chất lượng thân thịt.
* Năng suất thịt: năng suất thịt được biểu thị thông qua các chỉ tiêu như khối lượng sống, khối lượng và tỷ lệ phần ăn được, khối lượng và tỷ lệ thân thịt, khối lượng và tỷ lệ thịt đùi, khối lượng và tỷ lệ thịt ngực. Theo Nguyễn Thị Thúy Mỵ (1977) cho biết mối tương quan giữa khối lượng sống với khối lượng thịt xẻ là khá cao (0,9); còn giữa khối lượng sống với khối lượng mỡ bụng thấp hơn (0,2 - 0,5).
Năng suất thịt phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước hết đó là giống, dòng, tính biệt, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng,...
Theo Chambers (1990), các giống, các dòng khác nhau thì năng suất thịt cũng khác nhau. Giữa các dòng luôn có sự khác nhau di truyền về năng suất thịt xẻ hay năng suất các phần thịt như thịt ngực, thịt đùi...và từng phần thịt còn lại.
Kết quả khảo sát trên vịt đực Cỏ (là vịt chuyên trứng) của Phạm Văn Trượng (1994) cho biết: nuôi vỗ béo vịt Cỏ đến 70 ngày tuổi tỷ lệ thân thịt đạt 69%, tỷ lệ thịt đùi 16%, thịt ức 7,3%.
Nguyễn Đức Trọng và cs. (2009), khảo sát vịt Đốm-Pấtlài (là vịt kiêm dụng) ở 10 tuần tuổi (70 ngày) cho thấy tỷ lệ thân thịt của vịt Đốm-Pấtlài là 65,9%, tỷ lệ thịt đùi là 12,4% và tỷ lệ thịt ức là 12,9%.
Dương Xuân Tuyển và cs. (2009), khảo sát vịt chuyên thịt V1, V2, V5, V7 ở 7 tuần tuổi cho biết khối lượng thịt xẻ của các dòng vịt tương ứng là 1991,9g; 2181,5g; 2120,1g và 1987,2g (chiếm 67,22%; 70,07%; 70,09% và 67,43%), tỷ lệ thịt đùi lần lượt là 14,72%; 16,32%; 15,72% và 14,66%. Tỷ lệ thịt ức là 18,17%; 19,04%; 18,22% và 18,09%.
Vịt SM3SH thương phẩm nuôi đến 7 tuần tuổi có tỷ lệ thân thịt là 70,3%, tỷ lệ thịt ức là 15,21% và tỷ lệ thịt đùi là 13,89%; nuôi đến 8 tuần tuổi tương ứng là 72,04%; 17,32% và 12,18% (Nguyễn Đức Trọng và cs., 2009).
Sự khác nhau về mặt di truyền đối với mỗi giống, dòng ở khối lượng sống và khối lượng thịt xẻ cũng được nhiều tác giả nghiên cứu. Theo Kosba (1995) cho biết hệ số di truyền tuyệt đối của thịt xẻ như sau: hệ số di truyền theo bố là 0,19 - 0,22; theo mẹ là 1,02 - 1,09 và theo cả bố và mẹ là 0,6 - 0,66. Theo Decraville et al. (1985), tỷ lệ thịt xẻ của vịt phụ thuộc vào tính biệt, vịt đực Bắc Kinh có tỷ lệ thịt xẻ là 61% còn vịt mái có tỷ lệ thịt xẻ là 60,3%.
Theo Lewcsuk et al. (1984), khối lượng thịt xẻ vịt trống Cherry Valley cao hơn khối lượng thịt xẻ của vịt mái là 72g.
Như vậy, năng suất thịt của thủy cầm nói chung và gia cầm nói riêng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chúng ta có thể cải thiện năng suất thịt của chúng bằng cách chọn lọc và lai tạo tạo ra con lai có năng suất chất lượng tốt hơn.
* Chất lượng thịt: thịt gia cầm nói chung và thủy cầm nói riêng được mọi người ưa thích vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy vậy không chỉ đánh giá chất lượng thịt thông qua cảm quan mà chất lượng thịt phải được phản ánh thông qua các thành phần hóa học, sinh học và một số chỉ tiêu sinh hóa, hóa học của thịt. Các chỉ tiêu đánh giá thường là hàm lượng vật chất khô, hàm lượng protein, tỷ lệ mỡ, tỷ lệ chất khoáng...Tổng hợp các chỉ tiêu đó tạo nên chất lượng của thịt: vật chất khô thể hiện độ chắc của thịt, protein phản ánh giá trị dinh dưỡng, mỡ thể hiện độ béo của thịt, khoáng tạo nên sự cân bằng các yếu tố trong thịt.
Ngoài các yêu tố trên thì chúng ta có thể nhận biết chất lượng thịt thông qua cảm quan như mùi vị, màu sắc, độ đàn hồi, độ, mịn, độ dai chắc của sợi
cơ. Chúng ta có thể cải thiện chất lượng thịt bằng nhiều biện pháp khác nhau từ việc chọn lọc, lai tạo đến việc áp dụng các phương thức chăn nuôi khác nhau, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và kể cả việc phương pháp giết mổ, bảo quản thịt.