4.3.2.1. Về địa lý tự nhiên
Yên Khánh là huyện đồng bằng duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Nằm ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình với diện tích 139 km2, Yên Khánh có địa hình tương đối bằng phẳng, không cónúi và biển nhưng có mạng lưới sông ngòi phân bố đều tới các xã. Yên Khánh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, gần biển nên mát mẻ. Tuy vậy, thời tiết vẫn chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa hạ nắng nóng, có ảnh hưởng của gió mùa TâyNam. Mùa đông, ảnh hưởng khá lớn của gió mùa Đông Bắc, có sương muối nhưng không nhiều như các huyện phía Bắc của tỉnh. Điều kiện tự nhiên thuận lợi nên thế mạnh của Yên Khánh chính là phát triển nông nghiệp. Những năm đầu khi mới tái lập Huyện, Yên Khánh đã ban hành các nghị
quyết, chương trình hành động nhằm phát huy nguồn lực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy, hình thành các vùng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Luôn xác định phát huy tối đa thế mạnh nông nghiệp, huyện Yên Khánh tích cực đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất, mạnh dạn chỉ đạo quyết liệt một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới nhằm thay đổi tập quán canh tác đã cũ, hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Với tất cả những điều kiện thuận lợi như trên thì kinh tế huyện nhà đang từng bước phát triển, khoa học kỹ thuật được đưa vào áp dụng rộng rãi, hỗ trợ rất
nhiều cho phụ nữ trong việc tăng gia sản xuất, công việc quán xuyến gia đình của người phụ nữ được nhanh gọn, dễ dàng hơn.
4.3.2.2. Về yếu tố dân cư, con người, phong tục tập quán
Phụ nữ phương Đông được biết đến là người của gia đình, mọi công việc trong gia đình như nội trợ, chăm lo cho con cái đều một tay họ làm và bao đời nay phụ nữ nước ta vẫn thế. Quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, mặc dù không còn những hủ tục hay những quan niệm khắt khe, song trên địa bàn thị trấn vấn đề bất bình đẳng vẫn còn tồn tại ít nhiều trong các gia đình. Xã hội từ xưa đã áp đặt cho người phụ nữ phải thế này, phải thế kia. Cho rằng đối với người phụ nữ, gia đình là trến hết thậm chí phải hi sinh cả sức khỏe và nguyện vọng cá nhân, người phụ nữ phải tuân thủ quyền lực của nam giới. Tuy hiện nay xã hội phát triển hơn, phụ nữ đã nhìn nhận được quyền bình đẳng của mình đối với nam giới nhưng những quan niệm xưa vẫn ảnh hưởng với họ. Chính vì vậy có nhiều phụ nữ khi được điều tra đều trả lời rằng đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái là việc của phụ nữ, những công việc đó là việc mà họ phải làm. Từ sự quan niệm sai lệch và bất bình đẳng này lại làm mất đi cơ hội được học hỏi vươn lên tự khẳng định mình của một số phụ nữ. Một điều không thể phủ nhận được rằng bình đẳng giới và sự phát triển có quan hệ mật thiết với nhau. Bình đẳng giới được đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững thì gia đình xã hội ổn định.
Hộp 4.5. Cách nhìn nhận của phụ nữ về bình đẳng giới
Từ xưa đến nay phụ nữ luôn là người phải chăm lo việc nhà rồi, nấu cơm giặt dũ là việc của tôi, còn chuyện lớn bên ngoài cứ để đàn ông lo.
Đàn bà con gái học vừa thôi, đằng nào cũng phải lấy chồng sinh con, học để bằng bạn bằng bè là được. Con trai mới cần học nhiều để còn thành đạt sau này.
(Bà Trần Thị Ngọc, 51 tuổi, xã Khánh Nhạc)
Mặc dù đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc cải thiện địa vị của đại đa số dân cư nông thôn, song vẫn còn chênh lệch giữa nữ giới và nam giới trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực.
Về đất đai, mặc dù luật đất đai và luật hôn nhân gia đình, đảm bảo cho cả nữ giới và nam giới được hưởng các quyền như nhau đối với đất đai. Nhưng trong thực tế (trước năm 2000), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
chung của hộ gia đình cũng như sổ địa chính của địa phương đăng ký tên chủ hộ đa số là nam giới. Tình trạng này gây khó khăn cho phụ nữ khi họ cần thế chấp để vay vốn. Việc phụ nữ không được hưởng các quyền mà lẽ ra họ phải được hưởng từ chính sách giao đất đã làm hạn chế phần nào những tác động của chính sách đổi mới này trong sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đồng thời nó cũng hạn chế đi sự phát triển của phụ nữ, năng lực của phụ nữ. Từ năm 2003 đến nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có chỗ để ghi tên cả vợ và chồng. Đây được coi là sự tiến bộ rõ rệt cải tạo khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất củaphụ nữ.
Về thủ tục vay vốn, ở các địa phương đặc biệt là khu vực nông thôn còn rườm rà thủ tục vay vốn, cơ chế cho vay không linh hoạt cộng với dư nợ vốn vay cho phụ nữ không nhiều đã cản trở khe năng tiếp cận vốn của phụ nữ, đó là một nguyên nhân làm cho phụ nữ nông thôn không có điều kiện mở rộng sản xuất để phát triển kinh tế.
Trên địa bàn huyện những khó khăn đó vẫn còn diễn ra tại ở một số gia đình. Gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế hộ cũng như vai trò của phụ nữ. Nhiều người đàn ông vẫn cho rằng việc nội trợ, chăm con là của phụ nữ, gánh nặng công việc đặt lên vai của người phụ nữ. Vẫn có gia đình quan niệm rằng phải sinh con trai, con gái là con của người ta, con trai mới là người chăm sóc mình khi về già. Do đó việc phân biệt giới là điều đáng lo ngại. Trong gia đình
cần phải có sự quan tâm chia sẻ, thấu hiểu giữa các thành viên, cần loại bỏ những định kiến để giúp cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hộp 4.6. Quan niệm về sinh con trai
Chồng tôi thích con trai lắm, 2 lần đầu tôi sinh đều một bề con gái, may mà lần sau này sinh được con trai cho ông ấy phấn khởi. Nhà tôi thì chỉ làm ruộng nên nuôi được 3 đứa ăn học vất vả lắm.
(Chị Hoàng Thị Hà, 44 tuổi, xã Khánh Thành)