2.1.2.1. Khái niệm mức sống và tính chất, đặc điểm của mức sống
a. Khái niệm mức sống
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm mức sống:
Mức sống là một phạm trù kinh tế phức tạp và phong phú về mặt nội dung
Mức sống phản ánh quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội giữa người với người trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng sản phẩm xã hội.
Mức sống được xác định bằng mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất tinh thần mọi thành viên trong xã hội hoặc các tầng lớp giai cấp xã hội khác nhau
Mức sống được hiểu chung nhất là tổng giá trị hàng hóa và các dịch vụ sinh hoạt mà với cơ cấu của sản xuất ra các tư liệu có khả năng thỏa mãn nhu cầu vật chất và văn hóa của người dân tại một thời điểm kinh tế xã hội của đất nước .
Theo Các Mác : “Mức sống không chỉ là sự thỏa mãn những nhu cầu của đời sống vật chất mà cả những nhu cầu nhất định được sản sinh ra bởi chính những điều kiện mà con người đang sống và trưởng thành”
b. Tính chất và đặc điểm của mức sống
Nhu cầu về vật chất và tinh thần càng phát triển và mức độ thỏa mãn nhu cầu đó càng cao bao nhiêu thì mức sống càng cao bấy nhiêu.
Nhu cầu là sự cần thiết được đảm bảo bằng các điều kiẹn vật chất và tinh thần nào đó nhằm thỏa mãn những đòi hỏi để cho con người tồn tại và phát triển trong những điều kiện kinh tế và xã hội nhất định.
Nhu cầu không tồn tại độc lập, chung chung, trừu tượng, bất biến. Nó được sản sinh, tồn tại và được thực hiện trong những phương thức sản xuất xã hội nhất định. Quy mô và tính chất của nhu cầu bị giới hạn bởi những quan hệ kinh tế nhất định. Nhu cầu hình thành và phát triển không phải do tâm lý và sinh lý con người hoặc những nguyên nhân tự nhiên hay sinh học nào khác quyết định. Yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của nhu cầu chính là điều kiện kinh tế xã hội, trong đó sản xuất đóng vai trò quan trọng, quyết định nhất đối với sự hình thành và phát triển của nhu cầu. Bởi vì sản xuất tạo ra những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để thỏa mãn nhu cầu. Nhu cầu đến lượtnó lại tác động trở lại đối với sản xuất, định hướng cho sản xuất phát triển. Tăng nhanh nhu cầu là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nhu cầu của con người rất đa dạng và phong phú, không ngừng biến đổi và phát triển , thỏa mãn nhu cầu này là phương tiện phát triển, là điều kiện, là động lực, kích thích để nhu cầu mới nảy sinh. Có thể nói cùng với sự phát triển của sản xuất xã hội, nhu cầu của con người thường xuyên thay đổi.
Mức sống và nhu cầu liên quan trực tiếp và gắn bó chặt chẽ với nhau. Thỏa mãn nhu cầu thực tế trong quá trình tồn tại và phát triển con người, thực chất là mức sống của họ.
Nhu cầu của con người được thỏa mãn đến đâu lại phụ thuộc vào sự tiêu dùng của họ. Không có tiêu dùng, nhu cầu sẽ không được thực hiện và mức sống cũng không được thể hiện. Mức độ thỏa mãn nhu cầu được biểu hiện và được đánh giá thông qua mức độ tiêu dùng. Một khối lượng của cải vật chất và tinh thần được sử dụng cho tiêu dùng càng nhiều bao nhiêu thì nhu cầu càng được thỏa mãn, càng đầy đủ bấy nhiêu và mức sống càng cao bấy nhiêu. Do vậy trong thực tế khi xác định mức sống người ta thường không đo lường và tính toán nó bằng mức độ thỏa mãn nhu cầu, mà lại tính bằng số lượng và chất lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng trong năm. Cùng một chất lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không đổi, khi số lượng sản phẩm và các dạng dịch vụ tiêu dùng bình quân trên đầu người càng cao bao nhiêu thì mức sống của người dân nước đó càng cao bấy nhiêu so với nước khác.
Khi nhu cầu vật chất và tinh thần cũng như sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng cần thiết, bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu đó tăng lên, thì mức sống người dân cũng tăng theo. Do đó quá trình nâng cao mức sống có thể được đặc trưng bằng quá trình thay đổi cơ cấu nhu cầu, mở rộng và tăng quy mô, mức độ của các nhu cầu, bảo đảm các phương tiện và điều kiện để thỏa mãn đầy đủ và tối ưu các nhu cầu truyền thống, nhu cầu hiện tại và nhu cầu mới nảy sinh.
Nghiên cứu mức sống cần đặt nó trong mối quan hệ tác động qua lại với sản xuất, nhu cầu và tiêu dùng cho phép chúng ta đánh giá đúng đắn, đầy đủ hơn về phạm trù này. Từ đó chúng ta có thể nói rằng: nâng cao mức sống không phải chỉ là quá trình tăng về quy mô tiêu dùng, mà phải được xem như là yếu tố để thúc đẩy nhanh quá trình tái sản xuất xã hội.
Mức sống suy cho cùng được biểu hiện và đánh giá thông qua hiệu quả của quá trình tái sản xuất sức lao động và tái sản xuất cuộc sống con người. Mức sống cao hay thấp được phản ánh ở khả năng, mức độ và kết quả của quá trình tái sản xuất sức lao động và tái sản xuất cuộc sống con người.
Quá trình tái sản xuất sức lao động và tái sản xuất cuộc sống con người là quá trình tiêu dùng các loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Cùng một số lượng, chất lượng, cơ cấu sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng như nhau, nếu mức độ sử dụng
chúng khác nhau, cho ta kết quả khác trong tiêu dùng, khác nhau cả về số lượng, chất lượng sức lao động tái tạo ra. Sự khác nhau trong kết quả tiêu dùng càng lớn, nếu như chúng ta thay đổi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, chẳng hạn như tăng tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng có lợi cho sức khỏe và cho các
hoạt động có ích khác của con người, và giảm tỷ trọng dịch vụ và tiêu dùng có hại cho sức khỏe thì kết quả tiêu dùng sẽ tăng lên và mức sống của cũng tăng theo. Nói cách khác: với một lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng như nhau, nếu mức độ sử dụng có ích của các sản phẩm và dịch vụ càng cao bao nhiêu thì mức sống của dân cư càng cao bấy nhiêu.
Nếu ký hiệu M là mức sống của người dân, Q là sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người trong năm, K là mức độ sử dụng có ích của các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng đó, thì mức sống của người dân được biểu thị như sau:
M = K.Q
Mức độ sử dụng có ích của các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng phản ánh về mặt chất lượng của tiêu dùng trong quá trình tái sản xuất sức lao động và tái sản xuất cuộc sống con người. Chất lượng tiêu dùng là mức độ sử dụng có ích của các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như sau:
- Giá trị sử dụng có ích của sức lao động, trong một thời điểm nào đó (sức sản xuất của lao động hay năng suất lao động)
- Thời gian trung bình mà một người có thể tham gia hoạt động lao động có ích cho xã hội.
- Tuổi thọ trung bình của dân cư.
Khi phân tích, đánh giá mức sống hộ gia đình không những chỉ so sánh
xem bao nhiêu số lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người (mặt lượng của tiêu dùng), mà còn phải đánh giá cả mức độ sử dụng có ích (mặt chất lượng của tiêu dùng) của các loại sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng đó nữa. Bởi vì chất lượng tiêu dùng phản ánh một mặt cơ bản của phạm trù mức sống.
Nâng cao mức sống không phải chỉ là quá trình tăng về quy mô tiêu dùng, mà có thể thay đổi cả tổng cơ cấu tiêu dùng, thể hiện phân phối sản phẩm và các dạng dịch vụ tiêu dùng hợp lý, bảo đảm sử dụng có ích cho cuộc sống và cho hoạt động lao động của con người.
Tiêu dùng: Khi nói đến phạm trù mức sống, không thể không gắn bó với phạm trù tiêu dùng. Bởi vì tiêu dùng và mức sống có liên quan chặt chẽ và gắn bó mật thiết với mức sống. Làm rõ sự khác nhau và trong mối liên quan giữa chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lý luận cũng như sự khác nhau trong thực tiễn. Bởi vì trong thực tế khi so sánh mức sống giữa thời kỳ này với thời kỳ khác, giữa nước này với nước khác, người ta không dùng chỉ tiêu mức sống mà
dùng các chỉ tiêu đặc trưng cho sự tiêu dùng để đánh giá.
Bởi vì mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân (tức là mức sống) thường xuyên thay đổi và khó có thể lượng hóa được.
Phạm trù tiêu dùng bao gồm tất cả những gì có liên quan đến quá trình
hoạt động có tính chất tiêu dùng của con người. Nó thể hiện bản chất của những quá trình kinh tế diễn ra trong một thời điểm nhất định của quá trình tái sản xuất xã hội mà thôi.
Phạm trù mức sống lại bao gồm tất cả những gì có liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhu cầu xã hội, nhu cầu văn hóa và tinh thần . Do đó nó có thể liên quan tới tất cả các giai đoạn, các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. Trong phạm trù mức sống, không chỉ bao gồm những kết quả lao động hiện tại, mà còn chứa đựng cả những kết quả của lao động quá khứ, biểu hiện dưới hình thức tài sản Quốc gia. Ngòai ra phạm trù mức sống còn chứa đựng một yếu tố quan trọng khác mà phạm trù tiêu dùng không có đó là điều kiện lao động.
Mức sống không chỉ là tiêu dùng. Ngoài tiêu dùng là thành phần cốt lõi nhất thì mức sống còn bao gồm nhiều yếu tố, thành phần khác nữa.
2.1.2.2. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức sống
Mức sống là một phạm trù kinh tế xã hội rất tổng hợp. Để phản ánh tình hình mức sống không thể sử dụng một vài chỉ tiêu nào đó, mà phải sử dụng một hệ thống nhiều chỉ tiêu. Bởi vì mỗi một chỉ tiêu đặc trưng cho mức sống chỉ phản ánh nhất thời hoặc phản ánh một mặt nào đó của mức sống mà thôi. Do vậy khi đánh giá tình hình mức sống hộ gia đìnhthông thường phải sử dụng tổng hợp các hệ thống các chỉ tiêu khác nhau. Ta có thể phân loại các chỉ tiêu đánh giá mức sống thành các nhóm sau:
a. Những chỉ tiêu phản ánh đặc điểm và điều kiện lao động như:
- Mức độ đảm bảo việc làm cho người lao động
- Độ dài thời gian làm việc bình quân trong ngày - Thời gian nghỉ ngơi
- Cường độ lao động
- Tỷ trọng công việc lao động được cơ giới hóa và tự động hóa trong tổng số lao động hao phí nói chung
- Tình hình bảo hiểm xã hội cho người lao động, vệ sinh an toàn lao động nơi làm việc, điều kiện lao động, nghỉ ngơi và tổ chức lao động
- Sinh hoạt văn hóa, tinh thần nơi làm việc
- Phương tiện giao thông, đi lại từ nơi cư trú đến nơi làm việc
b. Những chỉ tiêu phản ánh mức tiêu dùng của cải vật chất trong xã hội
- Quy mô tài sản quốc gia, tổng thu nhập quốc dân, thu nhập bình quân đầu người
- Thu nhập thực tế của từng nhóm dân cư và từng người
- Mức tiêu dùng lương thực thực phẩm và những vật phẩm thiết yếu
- Điều kiện nhà ở (diện tích bình quân, loại nhà, công trình hạ tầng cơ sở)
- Đồ dùng lâu bền
c. Những chỉ tiêu phản ánh điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần và đảm bảo
sức khỏe
- Sự phát triển của hệ thống Giáo dục và Đào tạo
- Trình độ học vấn
- Tình trạng chăm sóc sức khỏe nhân dân ( số bác sĩ, y tá, giường bệnh
trên 1000 dân)
- Sự phát triển của các công trình văn hóa công cộng (nhà hát, rạp chiếu bóng, nhà văn hóa, sân vận động, công viên vui chơi, giải trí…)
- Hệ thống giáo thông công cộng
- Tình hình vệ sinh môi trường và ô nhiễm môi trường
d. Những chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả tác động giữa các yếu tố
- Tuổi thọ trung bình của dân số và của từng nhóm hộ riêng biệt
- Chỉ số phát triển con người HDI
- Mức độ tham gia quản lý xã hội của dân cư
- Độ dài thời gian làm việc bình quân theo quy định cuả pháp luật
Liên Hợp Quốc sử dụng 12 chỉ tiêu để đánh giá mức sống bao gồm Ytế, lương thực , thưc phẩm, giáo dục, nhà ở, phương tiện giao thông đi lại, điều kiện lao động, việc làm cho người trong độ tuổi lao động, quỹ tích lũy tiêu dùng, quần áo, nghỉ ngơi, giải trí, mức độ tự do của con người, bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên việc lựa chọn các chỉ tiêu đặc trưng cho mức sống như trên chỉ mang tính chất tương đối nhằm đánh giá mức sống vào một thời điểm nào đó. Nhưng khi so sánh giữa các thời kỳ khác nhau, giữa cácnước khác nhau thì việc sử dụng chỉ tiêu trên gặp nhiều khó khăn. Thông thường người ta chỉ xem xét nó trên từng khía cạnh, từng phương diện hoặc căn cứ vào mục đích, yêu cầu cụ thể của việc nghiên cứu mà mặt dạnh mặt này hay mặt khác.