- Tác động đến người sản xuất
Tích tụ và tập trung đất đai diễn ra với hoạt động chuyển đổi, chuyển nhượng và cho thuê đất đai. Có nghĩa là khi tích tụ và tập trung đất đai thì người
muốn sử dụng đất phải trả tiền để tập trung được một quy mô mong muốn. Khi phải trả tiền cho việc sử dụng đất, người sử dụng đất sẽ sử dụng có hiệu quả hơn và nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc khi người sử dụng đất làm ăn kém hiệu quả họ sẽ chuyển nhượng lại cho người khác. Điều đó làm cho đất đai có những người canh tác giỏi, phù hợp với sự phá triển của cơ chế thị trường. Như vậy tích tụ và tập trung đất đai sẽ chọn lựa ra những người sản xuất kinh doanh ưu tú trong nông nghiệp, nông thôn. Đất đai được khai thác hiệu quả, bền vững, qua đó chất lượng đất ngày càng được nâng cao. Những người không có kinh nghiệm và khả năng quản lý, sử dụng đất sẽ phải tìm kiếm những cơ hội khác ở những ngành nghề, lĩnh vực khác (Lã Văn Lý, 2008)
- Tác động đến xu hướng sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp
Mục đích của sản xuất nông nghiệp là tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, đơn vị của sản xuất nông nghiệp là các hộ gia đình, do đó sản xuất nông nghiệp trước hết là đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình phần sản phẩm còn dư mới đem bán. Nhưng đến nay sản xuất nông nghiệp không chỉ mang tính chất tự cấp, tự túc mà nó đã phát triển thành sản xuất hàng hóa. Ta thấy rằng sản lượng sản xuất có quan hệ tỷ lệ thuận với quy mô đất đai. Nếu quy mô đất đai càng lớn thì người sản xuất càng có điều kiện áp dụng khoa học, kxy thuật, thực hiện chuyên môn hóa sản xuất, qua đó sản lượng nông sản cũng sẽ tăng lên, lượng hàng hóa dư sẽ ra nhiều hơn và lượng hàng hóa này được đem bán trên thị trường. Do đó tích tụ và tập trung đất đai là điều kiện căn bản để sản xuất hàng hóa.
Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tỷ suất hàng hóa của các trang trại có quan hệ tỷ lệ thuận với quy mô đất của trang trại. Chỉ những hộ gia đình có quy mô tập trung đất đai lớn gấp 3 đến 5 lần mức trung bình của các hộ trong vùng thì phương hướng sản xuất mới được xác định rõ nét, sản xuất mới bắt đầu đi vào tập trung hóa, chuyên môn hóa, nên tỷ suất sản phẩm hàng hóa mới bắt đầu vượt trôi so với các hộ sản xuất trong vùng (Hoàng Ngọc Hoà, 2010).
- Tác động đến công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Tích tụ và tập trung đất đai nhằm đạt được một quy mô đất đai mong muốn để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhất trong sản xuất nông nghiệp. Giống như các ngành sản xuất khác, quy mô và trình độ hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Thông thường trình độ hiện đại hóa sẽ
tỷ lệ thuận với quy mô sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô, diện tích đất đai là điều kiện tiền đề để đưa thiết bị máy móc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Máy móc thiết bị và khoa học kỹ thuật mới sẽ được đưa vào sản xuất nếu người sản xuất thấy rằng việc làm này sẽ có lợi hơn. Điều đó chỉ xảy ra khi quy mô đất đai đủ lớn có khả năng tạo được một khối hàng hóa lớn đủ để bù đắp vào chi phí mua sắm thiết bị máy móc và chi phí cho ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Sản xuất nông nghiệp gắn liền với đất đai và đất đai sẽ được sử dụng có hiệu quả và hợp lý nhất khi đất đai được gắn liền với người trực tiếp sống và làm việc trên đó. Thiết bị máy móc và khoa học kỹ thuật sẽ được áp dụng vào sản xuất hiệu quả nhất khi người nông dân thu lợi từ việc ứng dụng đó. Muốn vậy người nông dân phải tích tụ và tập trung đất đai đến một quy mô nhất định. Do vậy, tích tụ đất đai là điều kiện tiền đề để khi có điều kiên người nông dân sẽ đưa thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất. Thực tế cho thấy nhiều nơi ở vùng Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng trình độ dản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu, lao động thủ công vẫn được sử dụng rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp, công cụ sản xuất vẫn còn thô sơ, đơn giản. Bên cạnh đó, một số vùng phát triển nông nghiệp ở Nam Trung Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long trình độ sản xuất nông nghiệp đã được cải thiện rõ rệt, máy móc thiết bị được đưa vào áp dụng ở nhiều khâu trong sản xuất. Như vậy, tích tụ và tập trung đất đai chính là điều kiện tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và là điều kiện quan trọng để đất đai được sử dụng tốt nhất, gắn người sản xuất giỏi với đất đai Hoàng Ngọc Hoà (2010) và Lã Văn Lý (2008).
- Tác động đến sự phân công lao động trong nông nghiệp nông thôn
Đất nông nghiệp là một đại lượng cố định và ngày càng giảm đi do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Do đó việc tích tụ và tập trung đất đai dẫn đến tình trạng người này tăng quy mô, diện tích thì người kia sẽ giảm quy mô, diện tích hoặc không còn đất đai sản xuất. Người không có đất sản xuất sẽ phải tìm công việc khác, hoặc chuyển sang lĩnh vực sản xuất khác để làm để đảm bảo đời sống của họ và gia đình họ. Một bộ phận có khả năng chuyển đổ sang ngành nghề khác mang lại thu nhập cao hơn thì họ sẵn sàng bán lượng đất đai sở hữu cho người có nhu cầu. Nhờ vậy, tích tụ và tập trung đất đai dựa trên cơ sở chuyển đổi, chuyển nhượng và cho thuê đất đai, việc này làm cho đất đai sẽ nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp, một lực lượng lao động sẽ
được giải phóng khỏi ngành sản xuất nông nghiệp, xu hướng tích tụ đất đai tạo nên áp lực cho họ phải tìm một ngành nghề mới để kiếm sống. Như vậy việc tích tụ và tập trung đất đai dựa trên hoạt động chuyển đổi chuyển nhượng và cho thuê sẽ tạo ra sự phân công lao động trong nông nghiệp nông thôn Hoàng Ngọc Hoà (2010) và Chu Tiến Quang, Lưu Đức Hải (2009).