Phát triển thị trường thuê đất tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất đã được một số nước thực hiện.
Ở Việt Nam, thị trường thuê mướn đất đã hình thành và sôi động nhất ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, thị trường thuê mướn còn thiếu tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp các thông tin về nhu cầu cho thuê và thuê, giá cả, trung gian chứng thực các giao dịch đảm bảo tính pháp, lý xử lý khi có các tranh chấp. Chủ yếu nhu cầu thuê, hay cho thuê đều tự người dân tìm hiểu thông tin cho nhau theo hoặc theo một số đầu mối gọi là “cò đất”.
Để thúc đẩy tích tụ ruộng đất thì việc chuyển nhượng phải, thuê mướn phải thông thoáng và tạo điều kiện về thủ tục. Hiện nay, giao dịch thuê đất giữa các cá nhân gần như 100% là viết tay, nhiều các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng viết tay, trong khi đó theo luật đất đai hiện hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải thông qua chứng nhận của công chứng. Nhà nước có thể có những chương trình hỗ trợ những hộ đã mua bán đất bằng giấy viết tay làm sổ đỏ để họ yên tâm hơn trong việc tích tụ đất sản xuất.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 thì mức thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 2%. Với giá đất nông nghiệp hiện giờ khá cao (theo số liệu thu thập khảo sát thực địa của đề tài là từ khoảng 300 đến 600 triệu đồng /ha) thì khoản thuế này khá lớn. Do đó nhà nước có thể miễn hoặc giảm khoản thuế này đối với giao dịch chuyển nhượng đất để kích thích người dân và các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, nhưng chỉ áp dụng khi ruộng đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp (không chuyển đổi mục đích sử dụng đất).
Thị trường chuyển nhượng cũng tương tự như cho thuê, cũng chủ yếu tự phát và qua “cò” đất. Nên đã xảy ra những hiện tượng như người bán bị ép giá khi gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc giá cả bị thổi lên bởi những thông tin không chính thức.
Ở Hàn Quốc, một hệ thống ngân hàng đất nông nghiệp được thành lập vào năm 2005 với mục đích giảm thiểu hiện tượng manh mún đất đai và khuyến khích các hộ trẻ thuần nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Nó cung cấp thông tin cho những người muốn mua hoặc thuê đất và những người muốn bán hoặc
cho thuê đất, và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp (IPSARD, 2009).
Việt Nam có thể áp dụng mô hình. Tây Nam Bộ có đặc điểm người dân thuê mướn đất canh tác không chỉ trong địa bàn xã huyện, mà còn ra cả tỉnh khác. Nhất là các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp thì càng cần thông tin trên không gian lớn. Do đó, nên hình thành ngân hàng đất nông nghiệp mang tính chất vùng và đặt các phòng giao dịch tại địa bàn các xã để người dân vừa dễ tiếp cận vừa có thông tin cả vùng (Hoàng Thu Huyền, 2016).