Tích tụ đất đai ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu được thực hiện do thỏa thuận giữa các hộ nông dân có nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê đất với
các hộ nông dân có nhu cầu mở rộng thêm đất để nâng quy mô sản xuất của hộ gia đình, trên cơ sở vận dụng Luật đất đai năm 2003 và các chính sách phát triển kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP. Đến nay, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều hộ nông dân thực hiện sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp. Trong 5 năm qua từ năm 2010 đến năm 2015, số trang trại của cả nước đã tăng từ 119.586 trang trại lên 135.437 trang trại và diện tích đất nông nghiệp do các trang trại quản lý tăng thêm gần 142 nghìn ha. Bình quân mỗi năm tăng thêm 7.570 trang trại và khoảng 28.400 ha đất nông nghiệp.
2.2.2.1. Kinh nghiệm tích tụ đất đai huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Tích tụ đất đai ở tỉnh Thái Bình được thực hiện bằng cách chính quyền vận động nhân dân cho thuê đất. Đồng thời, xác nhận làm chứng hợp đồng cho thuê giữa người dân và doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho hai bên
Giải pháp tích tụ của huyện Hưng Hà được thực hiện thông qua tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn thông qua tích tụ đất đai. Các hình thức tích tụ gồm: Cho thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tích tụ phát triển sản xuất nông nghiệp tối thiểu 20 năm. Chính quyền chỉ vận động, tuyên truyền, việc thuê và cho thuê là thỏa thuận tự nguyện giữa người dân và doanh nghiệp. Khi hai bên đạt được thỏa thuận ký kết hợp đồng, chính quyền sẽ xác nhận hợp đồng làm chứng, đảm bảo hành lang pháp lý, quyền lợi cho hai bên. Hiện nay, tỉnh đã ban hành mẫu hợp đồng sử dụng cho tích tụ đất đai.
Về cơ chế chính sách, huyện Hưng Hà bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của người dân để phát triển hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với điều kiện không phá vỡ mặt bằng đất canh tác. Đối với tổ chức, cá nhân được hỗ trợ xúc tiến thương mại, hưởng chính sách khuyến nông, khuyến ngư theo các chính sách hiện hành của tỉnh. Đặc biệt, đối với người nông dân trong tuổi lao động có diện tích đất chuyển cho tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ được hỗ trợ đào tạo để chuyển đồi nghề đảm bảo đời sống (Trần Vĩnh Huệ, 2008).
2.2.2.2. Kinh nghiệm tích tụ đất đai huyện Lý Nhân, Hà Nam
Sau gần một năm triển khai, tính đến ngày 31/12/2017, huyện Lý Nhân đã cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất. Trước khi chuyển đổi bình
quân mỗi hộ nhận 8,1 thửa, trong đó có hộ lên tới 20 thửa. Sau chuyển đổi bình quân mỗi hộ chỉ còn 4,18 thửa, giảm gần 4 thửa/hộ. Toàn huyện số thửa sau chuyển đổi giảm 48,60% so với trước chuyển đổi.
Huyện ủy, UBND huyện Lý Nhân đã trực tiếp triển khai thuê đất của người dân. Theo đó, Nhà nước đứng thuê đất nông nghiệp của người dân và cho doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó huyện có cơ chế ứng tiền ngân sách, hỗ trợ lãi suất để tích tụ đất đai.
Lý Nhân thực hiện chuyển đổi (đất đổi đất) đối với những hộ dân có nhu cầu tiếp tục trực tiếp sản xuất nông nghiệp ra khỏi vùng quy hoạch.
Lý Nhân cũng làm hạ tầng gắn với quy hoạch để thu hút đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (Trần Vĩnh Huệ, 2008).
2.2.2.3. Kinh nghiệm tích tụ đất đai huyện Nho Quan, Ninh Bình
Trên địa bàn huyện Nho Quan hiện đã xuất hiện hàng trăm trang trại với hơn 2.300 ha đất sử dụng tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, với giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng. Để công tác tích tụ đất đai đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa thì thời gian tới Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chủ trương đúng đắn này đến với người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và quan trọng nhất là tăng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân (Trần Vĩnh Huệ, 2008).
2.2.2.4. Kinh nghiệm tích tụ đất đai huyện Yên Thành, Nghệ An
Tại Yên Thành, nhờ chủ trương đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất, từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã có hơn 260 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và 18 mô hình cánh đồng lớn. Với gần 350 hộ gia đình tham gia dồn điền, đổi thửa, hiện tại huyện đã có 11 nghìn ha đất nông nghiệp đủ điều kiện để phát triển sản xuất tập trung; từ đó, năng suất lao động và giá trị hàng hóa nông nghiệp ngày càng cao. Việc chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn ở Yên Thành là một bước quan trọng trong công cuộc cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cơ chế thị trường trong giai đoạn (Trần Vĩnh Huệ, 2008).