Cơ chế sinh bệnh và phương thức truyền lây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh học và sinh học phân tử của chủng virus cường độc KTY PRRS 06 gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (Trang 25 - 27)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản

2.3.4. Cơ chế sinh bệnh và phương thức truyền lây

* Cơ chế sinh bệnh:

Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, đích tấn công của virus là các đại thực bào, đặc biệt là đại thực bào ở vùng phổi. Bình thường các đại thực bào với các chân giả có tác dụng bắt giữ và tiêu diệt tất cả các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus,... xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên đối với virus PRRS, các đại thực bào ở phế nang, phế quản là tế bào duy nhất có receptor phù hợp với cấu trúc hạt virus, vì thế virus hấp thụ và thực hiện quá trình nhân lên chỉ trong tế bào này và phá huỷ nó. Virus nhân lên ngay trong đại thực bào, sau đó phá hủy và giết chết đại thực bào (tới 40%)

Lúc đầu, PRRSV có thể kích thích các tế bào này, nhưng sau 2 hoặc 3 ngày virus sẽ giết chết chúng, các virion được giải phóng và ồ ạt xâm nhiễm sang các tế bào khác. Ở giai đoạn đầu của quá trình xâm nhiễm của PRRSV, dường như hiệu giá kháng thể kháng lại các loại virus và vi khuẩn khác không liên quan trong cơ thể của lợn tăng cao do sự kích hoạt của đại thực bào trong hệ thống miễn dịch.

Điều này rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong việc đánh giá mức độ miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm ở cơ thể lợn.

Hình 2.4. Virus PRRS xâm nhập và phá hủy tế bào đại thực bào

Đối với cơ thể, hệ thống miễn dịch được xem là hàng rào tự nhiên giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh, trong đó đại thực bào là tế bào có thẩm quyền miễn dịch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng miễn dịch kể cả đặc hiệu và không đặc hiệu, đây là loại tế bào trình diện kháng nguyên thiết yếu mở đầu cho quá trình đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

Khi bị virus phá huỷ, tế bào đại thực bào không còn các chân giả, mất khả năng bắt giữ và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh làm cho các phản ứng miễn dịch không xảy ra được, lợn nhiễm bệnh rơi vào trạng thái suy giảm miễn dịch nghiêm trọng và dễ dàng mắc các bệnh nhiễm trùng thứ phát.

Tác nhân chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng kế phát là: Haemophilus parasuis, Streptococcus suis, Salmonella cholerasuis, Pasteurella multocida và Actinobacillus pneuropneumoniae, SIV, EMCV, virus giả dại (Aujeszky), Porcine Cytomegalovirus, Porcine Respiratory Coronavirus và Porcine Paramyxovirus.

Điều này cũng có thể thấy rõ ở những đàn lợn vỗ béo chuẩn bị giết thịt, khi bị nhiễm PRRSV sẽ có sự tăng đột biến về tỷ lệ viêm phổi kế phát do những vi khuẩn vốn sẵn có trong đường hô hấp.

Nguyễn Hữu Nam và Nguyễn Thị Lan (2007) trong nghiên cứu về PRRS cho rằng, phổi chắc đặc làm suy giảm sự trao đổi khí ở các phế nang chính là nguyên nhân gây khó thở dẫn đến thiếu oxy tại máu và các mô bào làm máu của gia súc bệnh có màu sẫm, màu này có thể nhìn được từ bên ngoài tại các vùng da mỏng, các vùng da có nhiều mạch quản như vùng tai, bẹn, bụng.... Vì vậy mà có triệu chứng Tai xanh.

Mặt khác, viêm phổi làm thiếu oxy nên gây rối loạn chuyển hóa của thai, thai bị suy dinh dưỡng và gây chết thai, sảy thai. Lợn chửa kỳ cuối thì nhu cầu oxy tăng cao vì phải nuôi dưỡng thai, hơn nữa thời kỳ cuối thai tăng trưởng rất nhanh nên nhu cầu về oxy cũng tăng lên gấp bội vì vậy lượng thiếu hụt oxy càng nghiêm trọng nên hay bị sảy thai. Sau sảy thai tế bào nội mạc tử cung bị thoái hóa, hoại tử nên làm chậm các quá trình sinh lý khác.

* Phương thức truyền lây

Bệnh có thể lây lan trực tiếp thông qua sự tiếp xúc giữa lợn bệnh, lợn mang trùng với lợn khỏe và có thể lây gián tiếp qua các nhân tố trung gian bị ô nhiễm virus như: Phân, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi,…

Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, qua thụ tinh nhân tạo, tiếp xúc trực tiếp. Ở lợn mẹ mang trùng virus có thể lây nhiễm cho bào thai ở giai đoạn kỳ giữa trở đi và virus cũng được bài xuất qua nước bọt và sữa. Lợn trưởng thành có thể bài thải virus trong 14 ngày, trong khi đó lợn con và lợn choai bài thải virus tới 1-2 tháng.

Virus có khả năng phân tán thông qua các hình thức: vận chuyển lợn mang trùng, phân tán theo gió (có thể đi xa tới 3 km), qua bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số chim hoang dã.

Sự vận chuyển lợn bệnh, sự lây lan cục bộ qua không khí được coi như là phương tiện truyền lây phổ biến nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh học và sinh học phân tử của chủng virus cường độc KTY PRRS 06 gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)