Phần 1 Mở đầu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.6. Nội dung nghiên cứu về vai trò của HTX đối với xã viên
2.1.6.1. Vai trò của HTX trong việc định hướng phát triển sản xuất
Các HTX nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới HTXNN trong nước thông qua quá trình định hướng phát triển, qua dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực,… Xã viên của tất cả các mô hình HTXNN thành công đều tự mình làm chủ tư liệu sản xuất của mình, đều tự do sáng tạo trên mảnh đất của mình dựa trên định hướng phát triển sản xuất được HTX thống nhất quy định từ đại hội xã viên. Điều quan trọng được nhấn mạnh
là các HTXNN được hình thành để thực hiện những công việc mà bản thân người nông dân không thể tự mình thực hiện được hoặc có thực hiện được chỉ với chi phí cao, hiệu quả thấp (Nguyễn Mạnh Dũng, 2015).
2.1.6.2. Vai trò của HTX trong việc thực hiện hỗ trợ các khâu sản xuất cho các xã viên
Theo điều 12 của Nghị định số 43-CP của Chính phủ (1997) về ban hành điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp thì HTX có thể làm dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ và phục vụ đời sống cho xã viên: cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; Tiêu tưới nước; Phòng trừ sâu bệnh cây trồng và dịch bệnh đối với vật nuôi; Thu mua, chế biến, TTSP; các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống của xã viên.
2.1.6.3. Vai trò liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm
Đứng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, HTX nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng hỗ trợ và dẫn dắt kinh tế hộ nông dân phát triển. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của các HTX kiểu mới tạo ra các chuỗi liên kết sản phẩm hiệu quả giữa khu vực sản xuất với doanh nghiệp, thị trường, tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản.
Ngoài việc HTX liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như tín dụng, kinh doanh,… các HTX còn liên kết chặt chẽ các thành viên với nhau nhằm chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất. Tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra là vấn đề khó khăn, nan giải và cần thiết đối với bất kỳ một tổ chức của người nông dân hoặc một tổ chức muốn giúp đỡ người nông dân nào. Đặc biệt trong hoàn cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt như hiện nay. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào quá trình hỗ trợ người nông dân TTSP của mình (Nguyễn Mạnh Dũng, 2015)
2.1.6.4. Vai trò trong việc nâng cao trình độ sản xuất cho các xã viên
Lao động là yếu tố không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp. Địa bàn khu vực nông thôn lực lượng lao động nông nghiệp luôn rất dồi dào. Hiện nay nhận thức về vai trò của HTXNN của các cấp, các ngành và chính
bản thân người nông dân chưa đúng với bản chất của HTX theo Luật năm 2012. Người dân vẫn còn sản xuất dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học và tổ chức giao lưu học hỏi giữa các xã viên giỏi với nhau để nâng cao trình độ cho bà con xã viên.
Cần hướng tới mục tiêu làm sao để tuyệt đại bộ phận nông dân ý thức được cái lợi nhiều mặt của việc hợp tác làm ăn, tự nguyện tham gia hợp tác xã; hợp tác xã nông nghiệp vươn lên đáp ứng toàn diện nhu cầu sản xuất, văn hóa, xã hội của người dân nông thôn (Nguyễn Tiến Quân, 2010)
2.1.6.5. Vai trò trong việc tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho các xã viên
Mặc dù lao động nông nghiệp có số lượng đông đảo nhất, nhưng phần lớn các hộ cá thể, những người lao động tự do, đặc biệt là ở nông thôn, kinh tế hộ gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Phát triển hợp tác xã cần tiếp tục chú trọng vào những tầng lớp và đối tượng này, để họ cùng giúp nhau làm ăn, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa (Nguyễn Tiến Quân, 2010).
2.1.6.6. Vai trò trong việc bảo vệ môi trường
Hoạt động bảo vệ môi trường muốn triển khai tốt cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của cộng đồng. Tại Việt Nam, chính phủ hiện đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo vệ môi trường. Xem xét ở hai góc độ trên, mô hình HTX thể hiện vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường với những đặc điểm sau: là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao nhất; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể trong bảo vệ môi trường; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi (Phạm Tố Oanh, 2014).
2.1.6.7. Hỗ trợ của HTX đối với đời sống văn hóa – xã hội của các xã viên
Hợp tác xã đã và đang tồn tại phổ biến đóng vai trò tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khác với loại hình tổ chức kinh tế khác, ngoài vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, HTX còn có ý nghĩa về đáp ứng các nhu cầu về văn hóa – xã hội của xã viên và cộng đồng theo nguyên tắc tương trợ. Chính sự đa dạng về vai trò của HTX đã
giúp cho HTX ngày càng hoạt động có hiệu quả (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDG, 2012).
2.1.6.8. Đánh giá mức độ hài lòng của các xã viên về vai trò của HTX
Người nông dân là khách hàng của các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã, đồng thời cũng là người hưởng lợi từ các hoạt động. Đây là những người đưa ra những nhận định về mặt tốt, mặt chưa được của các hoạt động dịch vụ mà HTX đang triển khai. Thông qua đánh giá về chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ mà HTX có thể chỉnh sửa khả năng cung ứng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người nông dân (Phùng Thị Hồng Hà và Hồ Công Lưỡng, 2007).