Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn huyện
4.3.4. Sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước
Việc phân cấp chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến quản lý chồng chéo trong quản lý: Nhiều cơ quan cùng quản lý 1 cơ sở, cùng 1 lúc tiến hành thanh tra, kiểm tra, cấp phép đã gây khó khăn, tạo áp lực cho cơ sở thực phẩm.Sự phối hợp giữa các ngành còn mang tính bị động, chưa có quy chế phối hợp chưa có kế hoạch chủ động phối hợp, sự phối hợp không thường xuyên, liên tục. Phòng Y tế là cơ quan thường trực của BCĐ liên ngành về ATTP, chịu trách nhiệm trước UBND huyện về sự thống nhất quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế là cơ quan ngang cấp trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, nên khi có sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn, Trung tâm Y tế phải báo cáo UBND huyện đề nghị UBND chỉ đạo sự phối hợp của các ngành liên ngành gây mất thời gian trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay.
Trong công tác quản lý ATTP, ngoài các biện pháp theo quy định của pháp luật, năng lực của cán bộ trực tiếp thi hành công vụ, công tác tuyên truyền vận động, sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị, xã hội đóng vai trò quan trọng. Trong các phương pháp để tổ chức thực hiện quản lý ATTP, nếu thiếu sự phối kết hợp của các tổ chức, các đoàn thể sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả. Sự phối kết hợp của các tổ chức, đoàn thể sẽ tạo sức mạnh tổng thể của chính quyền nhà nước, tạp ra một thể thống nhất chung và vững mạnh, việc đó được thể hiện cá tổ chức, đoàn thể cần được tham dự bàn, họp quyết định các định hướng nhiệm vụ công tác, từ đó đưa vào chương trình công tác tháng, quý năm của tổ chức, đoàn thể mình, xây dựng phương án tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng các quy định trong công tác quản lý ATTP để đảm bảo quá trình sản xuất đạt chất lượng.
Trên thực tế trong công tác quản lý ATTP không phải lúc nào, tổ chức nào, công dân nào cũng sẵn sàng thực hiện. Nhiều đối tượng kinh doanh cố tình gây sai phạm cho công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị-xã hội đã hạn chế bớt các biểu hiện như trên. Muốn vậy không phải chỉ có tổ chức họp, tuyên truyền vận động mà cần có các cuộc tiếp xúc chính thức và không chính thức hoặc các đoàn công tác gặp gỡ, nắm bắt trao đổi các ý kiến nguyện vọng, tháo gỡ các vướng mắc tạo sự thoải mái tư tưởng, nhận thức trách nhiệm của mình đối với xã hội.