Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước vềan toàn thực phẩm
2.1 Cơ sở lý luận
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về ATTP
2.1.4.1. Chính sách, pháp luật về ATTP
Chính sách, pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Chính sách, pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chính sách pháp luật được đưa ra phù hợp với thực tiễn, sau khi được luật hóa, sẽ nâng cao hiệu quả thi hành của pháp luật từ đó tạo nền tảng để hoạt động QLNN đạt hiệu quả cao và ngược lại.
Trong tình hình hiện nay, để QLNN về ATTP đạt hiệu quả cao thì chính sách và pháp luật về ATTP của Đảng và Nhà nước ta phải được xây dựng và phát triển một cách phù hợp, đúng với vị trí và vai trò của nó đối với thực tiễn xã hội từ đó sẽ nâng cao hiệu quả thi hành và tạo nền tảng để hoạt động QLNN về ATTP đạt hiệu quả cao.
Sơ đồ 2.1. Hệ thống chính sách pháp luật
Nghị định, nghị quyết
Thông tư, quyết định, hướng dẫn
Quyết định, chỉ thị, công văn chỉ đạo, thực hiện Luật an toàn thực phẩm
2.1.4.2. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP
Bộ máy quản lý hành chính các cấp gồm cấp uỷ đảng lãnh đạo chung, HĐND giám sát, UBND chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phòng Y tế, Kinh tế, các UBND xã, thị trấn là cơ quan tham mưu về công tác quản lý, giám sát, kiểm tra ATTP. Nếu phòng Kinh tế, phòng Y tế, cấp cơ sở có năng lực, được sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo bằng chủ trương, chính sách của UBND, sự phối kết hợp nhịp nhàng với Uỷ ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Trạm Y tế..., tăng cường tuyên truyền giáo dục, động viên, khuyến khích nhân dân thực hiện công tác sản xuất đảm bảo ATTP, tích cực phát triển sản xuất kinh doanh, thi đua làm giàu chính đáng thì sẽ giảm được tình trạng mất an toàn thực phẩm. Khi đó, UBND huyện phải chỉ đạo phòng Kinh tế, Phòng Y tế huyện, các tuyến cơ sở tìm các biện pháp để quản lý chặt chẽ công tác đảm bảo ATTP (Hữu Danh, 2016).
2.1.4.3. Nguồn lực đầu tư cho quản lý nhà nước về ATTP
Nguồn lực đầu tư cho QLNN về ATTP được hiểu là tổng hòa tất cả các nguồn lực được huy động tham gia vào QLNN về ATTP như: Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan QLNN về ATTP từ trung ương tới địa phương; nguồn tài chính; cơ sở vật chất và trang thiết bị... Trong đó, yếu tố về con người (đội ngũ cán bộ, công chức) luôn là quan trọng nhất. Năng lực, trình độ của các cán bộ, công chức có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động QLNN về ATTP. Hiệu quả QLNN về ATTP phụ thuộc phần lớn vào yếu tố con người, yếu tố con ngườilà cơ sở của các nguồn lực khác và là cơ sở cho mọi thành công hay thất bại của hoạt động QLNN về ATTP. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về ATTP đòi hỏi phải có kiến thức, tư duy khoa học, có khả năng nghiên cứu và am hiểu các văn bản chính sách pháp luật của nhà nước, có kinh nghiệm thực tế…
Cơ sở vật chất cũng là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công việc của cán bộ làm công tác quản lý. Để kiểm tra chất lượng thực phẩm có đảm bảo ATTP hay không cần sự hỗ trợ rất lớn từ các phương tiện máy móc, mẫu thử test hiện đại. Nếu chỉ dựa vào quan sát, sẽ không thể thấy được các mối nguy hiểm ẩn sâu trong thực phẩm đó do sự dụng hóa chất độc hại.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đây là yếu tố tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới hệ thống quản lý ATTP. Về cơ bản, công tác quản lý Nhà nước về ATTP bao gồm cấp phép, tuyên truyền,
tập huấn, thanh tra và xử lý vi phạm. Mỗi hoạt động được triển khai đều cần có sự đầu tư về nguồn lực vật chất và trang thiết bị cần thiết trong công việc. Việc đáp ứng đầy đủ hay không đầy đủ các nguồn lực sẽ tác động tới hiệu lực quản lý ở chừng mực nhất định (Nguyễn Hữu Hải, 2014).
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm việc trang bị các thiết bị, máy móc phù hợp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm, phản ánh tính chính xác, giúp cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
2.1.4.4. Sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP
Liên kết, phối kết hợp là cùng nhau làm việc theo một kế hoạch chung để đạt mục đích chung. Đó là một trong những kỹ năng quan trọng của nhà quản lý. Bởi lẽ mỗi người, mỗi đơn vị chỉ có thời gian, năng lực để làm một lĩnh vực nào đó, không thể bao quát tất cả các lĩnh vực. Cơ quan y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là cơ quan thường trực, đầu mối của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP. Vì vậy giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp với nhau để việc đảm bảo an toàn thực phẩm đạt được kết quả tốt, thông qua các cuộc thanh tra liên ngành được tổ chức thường xuyên, liên tục vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán, tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, tết Trung thu hay thanh tra theo chuyên đề. Phối kết hợp trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu khoa học hay trong hoạt động kiểm nghiệm… Thường xuyên duy trì phối hợp với các cơ quan thông tin như: Đài, báo, truyền hình… đưa tin các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, qua đó tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật.
2.1.4.5. Các yếu tố thuộc về cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm
Khả năng tiếp cận và ý thức chấp hành các quy định về ATTP của người dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa cao, gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP. Bên cạnh đó các trang thiết bị, dụng cụ của các hộ kinh doanh không đáp ứng yêu cầu cũng gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Chính sách ATTP có được đảm bảo thực hiện hiệu quả hay không, thị trường kinh doanh thực phẩm có lành mạnh hay không là phụ thuộc một phần rất lớn ở trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đây là những người đưa
trực tiếp thực phẩm đến tay người tiêu dùng, cung cấp hàng hóa đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau về thực phẩm của người tiêu dùng. Các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm cần nhận thức đúng đắn và đảm bảo thực hiện đúng theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, nắm rõ các quy định, quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo thực hiện đúng các quy chuẩn đề ra trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo ATTP. Đồng thời, việc nâng cao “tính nhân đạo” của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hết sức cần thiết… từ đó, có thể mang những hàng hóa có chất lượng, đảm bảo ATTP đến với người tiêu dùng, góp phần vào việc thực hiện tốt mục tiêu chính sách đảm bảo ATTP (Lê Công Thuấn, 2010).
2.1.4.6. Nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm
Nhận thức về ATTP của người dân chưa thấy được mức độ nguy hiểm của các loại thực phẩm không đủ tiêu chuẩn mà vẫn tiêu dùng do thấy giá rẻ, thuận tiện đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, sử dụng nhiều chất bảo quản và phụ gia tăng lên, gây ra mối nguy hiểm lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Như chúng ta đã thấy ở khu vực nông thôn, trình độ văn hóa là một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hướng đến tình hình quản lý an toàn thực phẩm. Nếu trình độ hiểu biết của chủ hộ tốt, họ sẽ nhận thức tốt hơn về công tác an toàn thực phẩm nói chung và công tác cấp phép nói riêng trên địa bàn và ngược lại (Hồ Văn Vĩnh, 2013).