Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn huyện
4.3.6. Nhận thức của người dân vềan toàn thực phẩm
Người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm vốn xuất thân là nông dân và một bộ phận công nhân tại các khu công nghiệp, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng lưu trú; do vậy trình độ dân trí không đồng đều, nên mức độ hiểu biết về thực phẩm làm ra có đảm bảo về ATTP không nắm hết, đa phần người dân có thói quen lựa chọn thực phẩm theo cảm tính nên họ dễ dàng quyết định mua hàng với tâm lý xông xênh.
Để hiểu rõ hơn hiệu quả của công tác thông tin, giáo dục truyền thông, tác giả tiến hành nghiên cứu trên 60 đối tượng người tiêu dùng thu được kết quả như
sau: tỷ lệ người dân có hiểu biết đúng về kiến thức ATTP là 65%. Người dân nhận thức đúng về vấn đề ATTP có thể điều chỉnh hành vi, tạo tính tự giác thực hiện pháp luật về ATTP của cộng đồng qua tác động của dư luận xã hội như: Ca ngợi, khuyến khích việc thiện, việc tốt; lên án việc xấu… Từ đó, có tác động tích cực trong điều chỉnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Ví dụ: Luật ATTP nghiêm cấm các hành vi như: Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm… Những hành vi vi phạm này cũng sẽ bị dư luận lên án vì không phù hợp với những nguyên tắc đạo đức xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và QLNN về ATTP.
Qua đó, thấy được nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề ATTP chưa cao. Còn 35% nhận thức chưa đúng. Đây là cản trở lớn trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP và cần phải được khắc phục.
Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm ngày phát triển, đời sống của người dân càng được nâng cao thì nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, ăn uống thoải mái hơn. Thay vì những bữa cơm ở nhà thì người dân cùng gia đình, bạn bè, khách hàng đến các hàng quán để ăn uống;thói quen “sử dụng đồ ăn nhanh, ăn sẵn” cũng hình thành khi học sinh, sinh viên đi học, công nhân lao động về để tiết kiệm thời gian. Chính vì cầu tăng, hàng loạt những cơ sở kinh doanh, dịch vụ mọc lên do thị yếu của người tiêu dùng tăng. Họ vẫn tiêu dùng các loại thực phẩm không đảm bảo do giá rẻ, thuận tiện, nhanh chóng, đa dạng món ăn và cho rằng ít ăn ngoài nên không cần để ý quán ăn đó có đảm bảo ATTP, ngoài ra các hộ gia đình khi có người bị ngộ độc, các bệnh đường ruột thường ít đến các cơ sở y tế mà tự chữa theo kinh nghiệm dân gian, nên vấn đề thống kê về vụ ngộ độc để các cơ quan ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra thói quen sinh hoạt thiếu khoa học trong ăn uống của cộng đồng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả QLNN về ATTP như: Tiêu thụ thịt lợn quá 8 tiếng mà không có các biện pháp bảo quản phù hơp; sử dụng quá liệu cho phép của các chất phụ gia, chất điều vị nhằm đảm bảo theo thói quen cảm nhận về yếu tố hương vị của thực phẩm.