Đặc điểm tự nhiên, kinh tế và xã hội của huyện Đông Anh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 34 - 37)

3.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Đông Anh là huyện ngoại thành ở phía đông bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 15 km theo đường quốc lộ số 3 (Hà Nội - Thái Nguyên), có tổng diện tích tự nhiên là 18.213,89 ha, với 24 đơn vị hành chính, trong đó 23 xã và 1 thị trấn.

Huyện Đông Anh có địa giới hành chính tiếp giáp: Phía Bắc, Đông Bắc giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Thị xã Từ Sơn (TP Hà Nội); Phía Đông giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội); Phía Tây giáp huyện Mê Linh (Hà Nội); Phía Nam giáp quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Đông Anh được coi là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, với nhiều tuyến đường huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc như quốc lộ 3, quốc lộ 3B, quốc lộ 18, quốc lộ 23, quốc lộ 23B, quốc lộ 5 kéo dài, đường cao tốc từ trung tâm Hà Nội đi sân bay quốc tế Nội Bài cửa ngõ thông thương với quốc tế, 2 tuyến đường sắt chạy qua, là các tuyến nối trung tâm Hà Nội với Thái Nguyên và với Lào Cai và một số tuyến đường đang được triển khai và hoàn thiện trên địa bàn như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ngoài ra, Đông Anh có hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ và sông Ngũ Huyện Khê với các lưu lượng nước rất lớn như sông Hồng là 2.309 m3/s, mực nước trung bình hàng năm khoảng 5,3m; sông Đuống có lưu lượng là 3.027 m3/s, mực nước trung bình hàng năm khoảng 9,01m… là điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển đường thủy cũng như cung cấp nguồn nước phong phú cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Như vậy, Đông Anh có nhiều lợi thế về vị trí, tiềm năng và thế mạnh có khả năng thu hút thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

3.1.1.2. Đặc điểm kinh tế và xã hội

Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, kinh tế huyện Đông Anh cũng chuyển biến mạnh mẽ. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn năm 2015 tăng 1,34 lần so với năm 2010 (không tính liên doanh), tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2010 đến 2015 năm đạt 8,3%. Giá trị gia tăng

các ngành kinh tế thuộc huyện quản lý năm 2015 tăng 1,46 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 7,8%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt 29 triệu/người/năm.

Cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh có sự chuyển dịch rất tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ, ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đặc biệt trên địa bàn Đông Anh có các khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn như khu công nghiệp Bắc Thăng Long (do Thành phố Hà Nội quản lý), khu công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên khê (do huyện Đông Anh quản lý), Công ty TNHH 1 thành viên ô tô 1/5, Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP chế tạo máy điện Việt Nam Hung ga ri, Công ty TNHH 1 thành viên cơ khí Đông Anh … nên giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, chiếm gần 90% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Riêng giá trị sản xuất khu vực do huyện quản lý, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trưởng (Cụ thể năm 2006, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp là 23,5%, thì năm 2015 chỉ còn 18,5%; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng công nghiệp năm 2006 là 45,4% thì năm 2015 là 51,5%; tỷ trọng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ năm 2006 là 31,1% thì năm 2015 là 30,0%). Tiếp tục xu thế phát triển hiện nay, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp.

Dân số huyện Đông Anh năm 2015 là 336.933 người, mật độ dân số đạt

1.848 người/1km2, trong đó nam có 161.509 người và nữ có 175.424 người. Tỷ

lệ tăng dân số tự nhiên 1,52%. Tổng số lao động trong độ tuổi năm 2015 của huyện có 197.263 người, chiếm 58,55% dân số. Tuy nhiên lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nên hiệu quả kinh tế thấp.

Trong những năm qua cùng với việc phát triển của nền kinh tế, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Truyền thống văn hóa ngàn năm, bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng và những giá trị bản sắc dân tộc vẫn được lưu giữ và phát huy. Cho đến nay, vùng đất Đông Anh có nhiều đổi mới về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội với nhiều làng nghề truyền thống được phát huy như nghề trạm khắc gỗ, làm mộc, nghề đan... Dân cư sống tập trung thành các làng xóm đông đúc, là nơi hội tụ nhân tài đó là những động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Đông Anh những năm tới.

3.1.1.3. Một số thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Đông Anh

a. Thuận lợi

- Quỹ đất của Đông Anh là lợi thế hàng đầu của huyện trong quá trình đô thị hóa và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của toàn Thành phố là đi trước cả nước 5 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Vị trí địa lý của Đông Anh là điều kiện thuận lợi để huyện hợp tác, giao lưu với các quận, huyện khác của Thành phố Hà Nội cũng như với các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế.

- Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy của Đông Anh rất thuận lợi và phong phú với các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc lớn chạy qua địa bàn huyện. Đông Anh liền kề với sân bay quốc tế Nội Bài, là đầu mối giao thông hàng không lớn nhất khu vực phía Bắc, cửa ngõ giao lưu quốc tế của Thủ đô Hà Nội. Đó là những thuận lợi, lợi thế to lớn để phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện.

- Truyền thống văn hóa ngàn năm, bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng và những giá trị bản sắc dân tộc vẫn được lưu giữ và phát huy là những động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Đông Anh những năm tới.

- Nguồn lao động khá dồi dào, nhiệt huyết là yếu tố thuận lợi để Đông Anh thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tiềm năng về thị trường hàng hóa, dịch vụ của huyện khá lớn, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là nhân tố có tính động lực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

- Tiềm năng về cung cấp dịch vụ hàng hóa nông nghiệp sạch, an toàn (rau, trứng, cá, sữa…) cho thị trường Hà Nội và các vùng phụ cận đã trở thành thương hiệu, mở rộng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường đã làm cho Đông Anh thực sự chuyển đổi, phát triển bền vững.

- Chủ trương của Trung ương và Thành phố về định hướng quy hoạch phát triển đô thị của Đông Anh tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi, kim chỉ nam cho huyện phát triển nhanh, mạnh theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa.

b. Khó khăn

- Thực trạng phát triển kinh tế xã hội huyện còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng khiến cho xuất phát điểm của huyện khá thấp trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, khó tạo nên sự phát triển mang tính đột phá tới đây.

- Nguồn lao động của Đông Anh khá đông đảo nhưng chất lượng lao động thấp, chậm thích nghi với cơ chế thị trường, không đáp ứng được yêu cầu của các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Điểm hạn chế này có thể khiến Đông Anh mất đi lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư lớn.

- Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mang tính tự phát thời gian qua đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Đông Anh. Kinh tế tăng trưởng là kết quả của các hoạt động sản xuất gia tăng, nhưng sự gia tăng các hoạt động sản xuất nhất là tại các làng nghề mà thiếu sự kiểm soát đã dẫn đến môi trường sinh thái, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững kinh tế xã hội tại các khu vực này.

- Quá trình đô thị hóa mặc dù chỉ mới bắt đầu ở Đông Anh nhưng do thiếu các định hướng quy hoạch và chậm xử lý các vấn đề phát sinh nên đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, đặc biệt là vấn đề người dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Đây là thách thức lớn đối với Đông Anh trong quá trình đô thị hóa những năm tới mà nếu không được giải quyết sẽ xóa nhòa những thành quả của quá trình phát triển.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn Đông Anh còn chưa đồng bộ và yếu kém. Trên địa bàn huyện hầu như chưa có hạ tầng kỹ thuật đô thị. Điều kiện hạ tầng tại các khu dân cư nông thôn hết sức lạc hậu và bất cập trong quá trình đô thị hóa. Ngoài tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, các tuyến đường khác trên địa bàn huyện đã xuống cấp hoặc quá tải. Sự bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng gây khó khăn lớn đối với việc thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn huyện.

- Nguồn vốn trên địa bàn huyện rất hạn hẹp. Kinh tế chưa phát triển mạnh, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít (khoảng 200 người dân mới có một doanh nghiệp) nên tích lũy thấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)