Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm kiểm soát tổn thất điện tại Việt Nam
2.2.2.1. TạiCông ty Điện lực Bắc Ninh
Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) đã trở thành điểm sáng của ngành điện miền Bắc về giảm tổn thất điện năng.
Theo ông Vũ Anh Tài - Phó giám đốc Công ty, trong vòng 5 năm (từ năm 2011 - 2015), Công ty đã giảm TTĐN từ 7,01% xuống còn 4,42% (giảm 2,59%). Để đạt được kết quả này là cả quá trình nỗ lực từ Ban giám đốc đến CBCNV Công ty. Cụ thể, PC Bắc Ninh đã giao chỉ tiêu tổn thất cụ thể đến các tổ, đội và công nhân quản lý vận hành. Đặc biệt, hàng tháng, Lãnh đạo Công ty đều tiến hành phân tích, đánh giá và kiểm điểm kết quả thực hiện TTĐN, từ đó rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục.Hàng quý, mỗi điện lực sẽ tiến hành xử lý 5 TBA có tổn thất điện năng cao theo Chương trình giảm TTĐN đã được xây dựng ngay từ đầu năm, như: Phúc tra khách hàng có sản lượng điện tăng/giảm bất thường, thực hiện cân pha san tải, phát quang hành lang... Nhờ đó, đến cuối quý, các TBA này đều giảm TTĐN so với quý trước liền kề. Với các đường dây trung áp, hàng tháng các điện lực tổng hợp số liệu, lũy kế từ đầu năm để so sánh với tháng trước liền kề và tháng cùng kỳ năm trước. Nếu đường dây nào tổn thất còn cao, sẽ tiến hành phân tích, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, PC Bắc Ninh còn sử dụng các chương trình CMIS 2.0 và PSS/ADEPT để tính toán TTĐN với tất cả các đường dây trung áp và trạm biến áp (TBA) công cộng. Tổ chức chốt chỉ số tất cả công tơ đầu đường dây trung áp và công tơ tổng các phụ tải đấu nối trên đường dây đó vào ngày mồng một hàng tháng, so sánh với tổn thất tính toán trên CMIS 2.0. Các đường dây và TBA có tổn thất biến động đều được phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp xử lý.
PC Bắc Ninh cũng quản lý hiệu quả hệ thống đo đếm, thay, kiểm công tơ theo đúng thời gian quy định, tăng cường các giải pháp chống trộm cắp điện, ứng dụng công nghệ đo xa trong quản lý và đo đếm điện năng... 7 tháng đầu năm 2016, Công ty đã thay thế gần 43.000 công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có chức năng đo xa. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, PC Bắc Ninh sẽ tiếp tục thay thế 15.000 công tơ cơ bằng công tơ điện tử trong toàn tỉnh.
Để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, PC Bắc Ninh đang vận hành lưới điện theo phương thức kết dây với tiêu chí TTĐN thấp, thao tác linh hoạt trong
điều hành, xử lý sự cố. Cụ thể, Công ty đã xây dựng phương án kết dây cơ bản lưới điện trung thế sau các TBA 110 kV; tính toán kết dây liên lạc giữa các TBA 110 kV, đưa ra phương thức vận hành hợp lý; theo dõi và duy trì điện áp tại các thanh cái trung áp ở các TBA 110 kV theo biểu đồ điện áp đã được Tổng công ty quy định... Từ các giải pháp trên, 7 tháng đầu năm 2016, PC Bắc Ninh cũng đã đóng điện và san tải được 79 TBA; hoán đổi và nâng công suất 105 TBA quá tải và non tải; cân pha, san tải 145 TBA. Các TBA sau khi cân pha, san tải, tỷ lệ tổn thất đã giảm từ 0,3-1%, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện cân pha, san tải thêm 200 TBA trên toàn địa bàn.
PC Bắc Ninh cũng chú trọng lắp đặt tụ bù lưới điện trung và hạ thế. Kết quả cho thấy, việc lắp đặt tụ bù hạ thế đã làm giảm khoảng 0,7-1% TTĐN so với trước khi lắp tụ. Bên cạnh đó, PC Bắc Ninh cũng thực hiện hiệu quả công tác đầu tư, xây dựng, góp phần giảm tổn thất điện năng. Chỉ qua 7 tháng đầu năm 2016, Công ty đã xóa được 02 TBA trung gian; nâng cấp điện áp của 27 km đường dây từ 10 kV lên 22 kV, qua đó, giảm 1% tổn thất. Công ty còn xây dựng thêm 12 xuất tuyến trung áp sau các TBA 110 kV với chiều dài gần 57 km, cấy thêm 127 TBA phân phối, san tải cho các trạm hiện có. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ đóng điện và đưa vào sử dụng 14 hạng mục xây dựng.
Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn, cường độ lao động của cán bộ công nhân viên luôn ở mức cao trong khi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng gây áp lực rất lớn cho các đơn vị trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm TTĐN. Cùng với đó, việc cân đối giữa thực hiện các công việc cần ngừng cung cấp điện để duy tu, sữa chữa, nâng cấp điện, thay thế định kỳ hệ thống đo đếm với việc đảm bảo chỉ số SAIFI và SAIDI cũng khiến nhiều đơn vị gặp khó.
Bảng 2.1. Tổn thất điện năng của PC Bắc Ninh qua 3 năm 2011-2016
Năm Tổn thất điện năng (%)
2011 7,01 2012 6,44 2013 5,81 2014 4,96 2015 4,42 Kế hoạch 2016 4,1 Nguồn: PC Bắc Ninh (2015)
2.2.2.1. TạiĐiện lực huyện Kỳ Anh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh
Một trong những nhiệm vụ mà Điện lực Kỳ Anh quan tâm hiện nay là công tác chống TTĐN. Trong năm qua, mặc dầu đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể về phong trào thi đua chống tổn thất điện năng, nhưng hiệu quả vẫn không đạt như mong muốn. Kết thúc năm 2017 tỷ lệ tổn thất điệnnăng ở Kỳ Anh vẫn trên 9,75 %, tăng so với kế hoạch của PC Hà Tĩnh giao là 2,77%.
Ông Hà Minh Đông cho rằng, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trình độ dân trí còn bất cập, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nên trình trạng câu móc, trộm cắp điện còn diễn ra khá phổ biến. Riêng trong năm 2017 đã phát hiện và xử phạt gần 80 trường hợp câu móc điện trái phép, xử phạt gần 250 triệu đồng. Tuy vậy, tệ nạn trộm cáp điện vẫn không giảm và có chiều hướng tăng lên. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện, xử lý 18 vụ trộm cắp điện, truy thu gần 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đông thì đơn vị chỉ có kiểm tra phát hiện và khi phát hiện được thì truy thu tổn thất, chứ không thể thực hiện được hình thức nào khác, bởi vậy rất cần sự tự giác của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ngành chức năng.
Thị xã Kỳ Anh có 5 khu tái định cư là Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Phương và Đông Yên (thuộc xã Kỳ Lợi). Hệ thống lưới điện ngầm tại các khu tái định cư này do một đơn vị xây dựng, một đơn vị nghiệm thu, sau đó mới giao cho ngành điện quản lý nên không những bất cập về công tác thu tiền điện mà việc xử lý sự cố hỏng hóc cũng gặp nhiều khó khăn. Không những thế, đến nay người dân thôn Đông Yên ( Kỳ Lợi) vẫn còn nợ đọng trên 400 triệu đồng tiền sử dụng điện.
Trong khi đó, thực trạng lưới điện nông thôn ở Kỳ Anh chất lượng thấp, các đường dây, nhánh rẽ 0,2kV không đảm bảo kỹ thuật, đường dây dài (bán kính cấp điện lớn) tiết diện dây dẫn nhỏ, nhiều chủng loại, chất lượng điện áp không đảm bảo, tổn thất điện năng cao. Phần lớn hành lang lưới điện hạ thế nằm trong thẻ đỏ của dân được cấp đất cho nên việc cải tạo lưới điện trên tuyến cũng gặp không ít khó khăn do dân đòi đền bù giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó là lưới hạ áp xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao, việc sửa chữa thường xuyên, nhỏ lẻ không thể kịp thời do địa bàn quá rộng. Trong khi đó
việc ghi chỉ số và giám sát chỉ số chưa chặt chẽ, chưa đúng quy trình nên dẫn đến trình trạng không thống nhất thời gian ghi và thời gian chốt chỉ số. Việc kiểm tra giám sát mua bán điện do địa bàn rộng không bao quát hết nên vẫn còn trình trạng vi phạm sử dụng điện như câu móc đấu nối ngoài công tơ. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tổn thất điện năng của Kỳ Anh vẫn còn cao so với các điện lực khác trong tỉnh.
Vậy làm thế nào để đạt được 145 triệu kWh, tăng 15% so với kế hoạch năm 2017, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng như chỉ tiêu được giao và tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên?
Qua khó khăn thử thách, Điện lực Kỳ Anh càng có thêm kinh nghiệm. Đó là tính kiên quyết của cán bộ quản lý, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Theo đó, Điện lực Kỳ Anh sẽ thực hiện đồng bộ các công tác xử lý khiếm khuyết, kết hợp giải phóng hành lang hạ thế, bó gọn dây trước và sau công tơ, chỉnh trang lưới điện nông thôn theo kế hoạch đã được duyệt. Phát huy mạnh mẽ tinh thần lao động sáng tạo của cán bộ công nhân viên, người lao động. Có chính sách động viên khen thưởng kịp thời, nhất là đối với những cán bộ công nhân có sáng kiến, kinh nghiệm hay trong công tác giảm tổn thất điện năng.
Mặt khác, Điện lực Kỳ Anh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận từng người dân, triển khai các chương trình thi đua "tiết kiệm điện", phối hợp với địa phương và các ngành chức năng xử lý kịp thời những trường hợp trộm cắp điện, vi phạm hành lang an toàn lưới điện, vận động khách hàng sử dụng các thiết bị ít công suất, có phương án sản xuất hợp lý, hạn chế sử dụng điện trong giời cao điểm, sử dụng bóng tiết kiệm điện và tắt điện khi không sử dụng.