Những yêu cầu cơ bản đối với tổ chức thực thi chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện đan phượng, thành phố hà nội (Trang 26 - 28)

2.1.4.1. Yêu cầu thực hiện mục tiêu

Đây là yêu cầu quan trọng đầu tiên để thu hút mọi hoạt động thực thi chính sách theo một định hướng. Thực thi chính sách là những hoạt động cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng chính sách nhằm đạt những mục tiêu trực tiếp. Ứng với một mục tiêu trực tiếp này là những chương trình, dự án cụ thể. Kết quả thực thi chính sách theo quá trình hoạt động trong từng thời kỳ được lượng hóa bằng những thước đo cụ thể. Tổng hợp kết quả thực hiện mục tiêu của các chương trình, dự án và các hoạt động thực thi khác thành mục tiêu chung của chính sách. Theo nguyên lý vận động đó, muốn thực hiện thành công các chính sách, Nhà nước phải xác định mục tiêu của từng chính sách cụ thể, rõ ràng và chuẩn xác. Đồng thời các cơ quan chuyên trách phải triển khai được mục tiêu chính sách thành những kế hoạch và chương trình cụ thể.

2.1.4.2. Yêu cầu đảm bảo tính hệ thống

Tổ chức thực thi chính sách là một bộ phận cấu thành trong chu trình chính sách. Nó kết hợp chặt chẽ với các bộ phận khác trong chu trình tạo nên một hệ thống thống nhất. Ngay quá trình tổ chức thực thi cũng bao gồm nhiều bước hợp thành một hệ thống, vì thế khi tiến hành tổ chức thực thi chính sách cần thiết phải đảm bảo tính hệ thống trong mỗi quá trình. Nội dung của tính hệ thống bao

gồm: hệ thống mục tiêu và biện pháp của chính sách; hệ thống trong tổ chức bộ máy tổ chức thực thi chính sách; hệ thống trong điều hành, phối hợp thực hiện; hệ thống sử dụng công cụ chính sách với các công cụ quản lý khác của Nhà nước. Điều này có thể thấy trong thực tế các địa phương không coi trọng bước phổ biến, tuyên truyền chính sách nên nhiều đối tượng chính sách và cán bộ, công chức duy trì trực tiếp không hiểu rõ về mục tiêu chính sách. Họ suy diễn, cải biến cả mục tiêu và biện pháp chính sách, làm cho chính sách rất khó đi vào cuộc sống.

Tuy vậy chúng ta cũng không nên thực hiện một cách quá máy móc lộ trình và phương pháp thực thi chính sách của Nhà nước. Tùy theo những điều kiện cụ thể mà tiến hành thực thi các bước sao cho hợp lý.

2.1.4.3. Yêu cầu các cơ quan nhà nước phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý trong tổ chức thực hiện chính sách

Yêu cầu này đòi hỏi hệ thống bộ máy quản lý nhà nước phải gọn, nhẹ đủ năng lực tổ chức thực thi chính sách theo quy trình khoa học. Tính khoa học thể hiện trong quá trình tổ chức thực thi sách và việc phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý chính sách, việc thu hút các nguồn lực hướng mạnh vào thực hiện mục tiêu chính sách, hình thức các chương trình, dự án để thực hiện có hiệu quả một chính sách. Quy trình thực thi chính sách lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khi nó được triển khai vào đời sống xã hội. Bởi vậy tính khoa học của quá trình tổ chức thực thi chính sách phải thể hiện được sức sống để tồn tại trong thực tế như: mục tiêu cụ thể của chính sách phải phù hợp với mục tiêu phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ; các biện pháp thực hiện mục tiêu chính sách phải tương ứng với trình độ nhận thức và tài nguyên của vùng hay của địa phương…Như vậy, không thể thực hiện các bước theo quy trình khoa học một cách máy móc. Tùy theo tình hình thực tê mà lựa chọn cách thức tổ chức thực thi chính sách cho phù hợp. Tuy vậy quá trình vận dụng vẫn phải tuân theo các nguyên tắc pháp lý để đảm bảo tính tập trung, thống nhất trong chấp hành chính sách. Tính pháp lý được thể hiện trong tổ chức thực thi chính sách là việc chấp hành các định chế về thực thi chính sách như: trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân được giao thực thi chính sách, thủ tục giải quyết các mối quan hệ trong thực thi chính sách, cưỡng chế thực hiện chính sách trong những trường hợp cần thiết.

2.1.4.4. Yêu cầu đảm bảo lợi ích thật sự cho các đối tượng thụ hưởng

Trong xã hội tồn tại nhiều nhóm lợi ích, các nhóm lợi ích lại biến động theo không gian và thời gian. Tùy theo tính chất của mỗi xã hội, mà các nhóm lợi ích sẽ được thụ hưởng khác nhau. Dưới chế độ xã hội tư bản, nhóm lợi ích thuộc giai cấp tư sản thường được quan tâm bảo vệ và được đối xử ưu ái hơn nhiều so với tầng lớp lao động. Nhà nước thường ra tay bảo vệ và chuyển lợi ích đến các đối tượng thụ hưởng trong xã hội bằng chính sách. Để công cụ này phát huy tác dụng, cần phải có sự hưởng ứng thực hiện một cách tự giác trên cơ sở lòng tin của dân chúng vào chính sách của Nhà nước. Kết quả trên có được chỉ khi chính sách thật sự mang lại lợi ích cho mỗi đối tượng thực hiện và toàn xã hội (Nguyễn Phượng Lê, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện đan phượng, thành phố hà nội (Trang 26 - 28)