Nội dung thực thi chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện đan phượng, thành phố hà nội (Trang 25 - 26)

Theo Đỗ Kim Chung (2011), nội dung thực thi chính sách bao gồm các bước cơ bản sau:

2.1.3.1. Chuẩn bị triển khai chính sách

Đây là bước cần thiết và quan trọng vì tổ chức thực thi chính sách là quá trình phức tạp và diễn ra trong thời gian dài, do đó phải được chuẩn bị trước khi đưa chính sách vào cuộc sống. Các văn bản chính sách thường được xây dựng mang tính định hướng và khái quát cao. Vì vậy, khi đưa vào thực hiện, các chính sách hay chương trình đó cần được chuẩn bị sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, công tác chuẩn bị bao gồm: xây dựng cơ quan tổ chức thực thi; xây dựng chương trình hành động (lập kế hoạch về tổ chức, vật lực, nhân lực…); ra văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn cán bộ thực thi chính sách.

2.1.3.2. Phổ biến, tuyên truyền chính sách

Đây là công đoạn tiếp theo sau khi chính sách đã được thông qua. Công đoạn này cần thiết vì nó giúp đối tượng hưởng lợi và các cấp chính quyền hiểu được về chính sách, giúp chính sách được triển khai thuận lợi, có hiệu quả. Đồng thời còn giúp cho mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức thực thi nhận thức được đầy đủ tính chất, trình độ, quy mô của chính sách và đời sống xã hội để chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực thi có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách được giao.

2.1.3.3. Phân công phối hợp thực hiện

Một chính sách thường được thực thi trên một địa bàn rộng lớn và nhiều tổ chức tham gia, do đó phải có sự phối hợp, phân công hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặt khác, các hoạt động thực thi có mục tiêu rất đa dạng, phức tạp nên cần có sự phối hợp giữa các cấp để triển khai chính sách.

2.1.3.4. Duy trì chính sách

Duy trì chính sách là làm cho chính sách tồn tại được và phát huy hết tác dụng trong môi trường thực tế. Muốn cho chính sách được duy trì, đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hợp lực của cả người tổ chức, người thực thi và môi trường tồn tại. 2.1.3.5. Điều chỉnh chính sách

Đây là việc làm cần thiết, diễn ra thường xuyên trong quá trình tổ chức thực thi chính sách. Nó được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,

thông thường cơ qua nào lập chính sách đó thì có thẩm quyền điều chỉnh. Tuy nhiên trên thực tế việc điều chỉnh các vấn đề của chính sách diễn ra rất năng động, linh hoạt, vì thế cơ quan Nhà nước các ngành, các cấp chủ động điều chỉnh để thực hiện hiệu quả chính sách.

2.1.3.6. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách

Mọi hoạt động triển khai đều cần kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo chính sách được thực hiện đúng và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Các cơ quan Nhà nước thực hiện việc kiểm tra này và nếu tiến hành thường xuyên sẽ giúp đối tượng thực thi nắm vững được tình hình thực thi chính sách, phát hiện được những thiếu sót để điều chỉnh và có được những kết luận chính xác nhất về chính sách, đồng thời tạo sự tập trung thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu chính sách.

2.1.3.7. Đánh giá tổng kết tổ chức thực thi chính sách

Được hiểu là quá trình xem xét, kết luận về chỉ đạo – điều hành và chấp hành chính sách của các đối tượng thực thi chính sách.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện đan phượng, thành phố hà nội (Trang 25 - 26)