7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
2.5.5. Kế hoạch chiến lược
Nhân tố này được đo lường thông qua mức độ lập kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp, bao gồm mức độ ban quản lý cấp cao và cán bộ quản lý các phòng ban đưa ra mục tiêu và định hướng phát triển công ty trong tương lai và trong năm kế hoạch (về tăng trưởng doanh số, lợi nhuận, chi phí…) một cách cụ thể, rõ ràng. Nhân tố kế hoạch chiến lược được đo lường tương tự như nghiên cứu của Horngren và cộng sự (2008), Hồ Mỹ Hạnh (2013) theo thang đo Likert từ 1 (không có) đến 5 (rất nhiều). Tác giả vận dụng các nghiên cứu trước và xây dựng lại thang đo phù hợp với đề tài nghiên cứu theo các tiêu chí như sau: mức độ thiết lập mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp; mức độ xây dựng các chính sách, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đã đề ra; mức độ chuẩn bị ngân sách, nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược và mức độ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch, chiến lược đã đặt ra của doanh nghiệp.
2.5.6. Trình độ, năng lực lập dự toán
Trong nghiên cứu này, trình độ, năng lực lập dự toán được đánh giá về mức độ kiến thức, kỹ năng kế toán tài chính, khả năng phân tích, phán đoán và ước lượng số liệu của nhân viên trong việc thực hiện công tác lập dự toán. Dựa trên thang đo Likert đề xuất bởi Ismail và King (2014) trong nghiên cứu tại Malaysia, tác giả đề xuất thang đo trình độ, năng lực lập dự toán trong
nghiên cứu này theo thang đo Likert với 1 (kém) đến 5 (rất tốt) theo 4 tiêu chí sau: mức độ am hiểu về kế toán, tài chính của nhân viên lập dự toán; khả năng phân tích, tổng hợp các thông số liên quan đến lập dự toán; khả năng dự đoán, ước lượng các thông số liên quan đến lập dự toán và khả năng tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ của nhân viên lập dự toán.
2.5.7. Phân cấp quản lý doanh nghiệp
Để đo mức độ phân cấp quản lý, Gordon và Narayanan (1984) và Chia (1995) đã sử dụng 5 tiêu chí sau để đo lường: mức độ phân cấp quản lý trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới; thuê và sa thải nhân viên; chọn lựa việc đầu tư; quyết định về giá và phân bổ ngân sách. Người tham gia khảo sát được yêu cầu trả lời cho mỗi khía cạnh dựa trên thang đo Likert từ 1 (không có) đến 5 (rất cao) theo các tiêu chí trên.
2.5.8. Cơ sở vật chất, công nghệ - kỹ thuật
Nhân tố này được đo lường thông qua mức độ ứng dụng cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ - kỹ thuật tiên tiến của doanh nghiệp và được đánh giá theo thang đo do Tayles và Drury (1994) xây dựng. Điều này được thể hiện cụ thể qua mức độ doanh nghiệp áp dụng thiết bị, máy móc sản xuất công nghệ cao; mức độ ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và mức độ ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác lập dự toán trong doanh nghiệp. Người tham gia khảo sát được yêu cầu trả lời cho mỗi khía cạnh dựa trên thang đo Likert từ 1 (không có) đến 5 (rất nhiều) theo các chỉ tiêu trên.
2.5.9. Chế độ, chính sách Nhà nước
Chế độ, chính sách nhà nước được đo lường thông qua mức độ cập nhật và phổ biến chế độ, chính sách pháp luật đầy đủ, kịp thời trong doanh nghiệp. Nhân tố này được đo lường tương tự nghiên cứu của Pomberg và cộng sự (2012), Lê Thị Minh Huệ (2014). Người tham gia khảo sát được yêu cầu trả lời cho câu hỏi dựa trên thang đo Likert từ 1 (không có) đến 5 (rất nhiều).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong Chương 2, tác giả đã nêu ra câu hỏi và các giả thuyết nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến việc lập dự toán trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đồng thời đưa ra mô hình nghiên cứu, quy trình thực hiện nghiên cứu và xây dựng thang đo các nhân tố của mô hình.
Việc xử lý dữ liệu được tiến hành trên phần mềm SPSS 20 để đánh giá mức độ lập dự toán theo các nhân tố thuộc đặc điểm doanh nghiệp và xây dựng mô hình hồi quy bội với biến phụ thuộc là mức độ lập dự toán và 5 biến độc lập là: (1) kế hoạch, chiến lược, (2) trình độ, năng lực lập dự toán, (3) phân cấp quản lý, (4) cơ sở vật chất, công nghệ - kỹ thuật và (5) chế độ, chính sách Nhà nước.
Dựa trên thiết kế nghiên cứu này, tác giả tiến hành phân tích và xử lý dữ liệu. Kết quả nghiên cứu được trình bày ở Chương 3.
CHƯƠNG 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. ĐẶC ĐIỂM MẪU NGHIÊN CỨU
Tác giả phỏng vấn chính thức kế toán tổng hợp hoặc kế toán trưởng của 200 doanh nghiệp được lựa chọn. Việc phỏng vấn được tiến hành từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2017. Tổng số bảng câu hỏi được gửi đi là 200 bảng câu hỏi. Tổng số bảng câu hỏi thu về là 193 bảng câu hỏi. Sau khi tiến hành sàng lọc những bảng câu hỏi trả lời không đầy đủ thông tin, số bảng câu hỏi đáp ứng yêu cầu để tiến hành phân tích là 188 bảng câu hỏi. Vậy kích thước mẫu thu thập được để phân tích bao gồm 188 quan sát là thỏa mãn với quy mô mẫu tối thiểu của luận văn là 114 biến quan sát.
Đặc điểm mẫu quan sát được thể hiện thông qua các đặc điểm sau:
3.1.1. Cơ cấu mẫu phân loại theo quy mô doanh nghiệp
Bảng 3.1 cho thấy kích thước mẫu bao gồm 188 doanh nghiệp. Trong đó có 103 doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm 54,8% số lượng mẫu, 64 doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm 34% số lượng mẫu và 21 doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm 11,2% số lượng mẫu.
Bảng 3.1.Cơ cấu mẫu phân loại theo quy mô doanh nghiệp
Quy mô Số lượng Tỷ lệ (%)
Quy mô nhỏ 103 54,8
Quy mô vừa 64 34
Quy mô lớn 21 11,2
Tổng cộng 188 100